Đại biểu Huỳnh Nghĩa thành phố Đà Nẵng góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trương Văn Vở tỉnh Đồng Nai góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn tỉnh Hòa Bình góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Cao Sơn - Hòa Bình
Kính thưa Quốc hội,
Luật đầu tư công là bộ luật đã được các ngành, các cấp, người dân và cả các nhà tài trợ trông đợi từ khá lâu. Dự thảo luật đã được trình Quốc hội tại kỳ họp trước, đến thời điểm hiện nay tôi thấy Ban soạn thảo đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng các ý kiến của đại biểu và tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo luật rất nghiêm túc. Với nhiều nội dung rất đổi mới như thể chế hóa quy trình, quyết định chủ trương đầu tư là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn hiệu quả của chủ trương, chương trình dự án, đổi mới công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn. Đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm. Về công khai minh bạch trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là các quy định về giám sát cộng đồng phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhìn chung có thể nói các nội dung trong dự thảo Luật đầu tư công nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội, sắp tới chúng ta sẽ có một văn bản luật chế định quản lý nguồn lực tài chính quan trọng nhất của nhà nước, tạo sự công khai, minh bạch góp phần trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Đối với các nội dung cụ thể của dự thảo luật tôi xin có ý kiến như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh tôi hoàn toàn đồng tình với phạm vi điều chỉnh này. Luật đầu tư công góp phần hoàn thiện tạo ra hệ thống cơ sở pháp lý đồng nhất, đồng bộ với các văn bản pháp lý, pháp luật trong quản lý các nguồn vốn đầu tư công.
Thứ hai, về vốn đầu tư công, tôi thấy kết cấu như dự thảo luật là phù hợp, các khoản vốn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào ngân sách nhà nước là những khoản vốn đầu tư chiếm tỷ lệ lớn trong đầu tư công nhất thiết phải thuộc đối tượng điều chỉnh của dự án luật này, để tránh tạo ra những khoảng trống pháp luật như hiện nay. Chúng ta không thể chờ đưa các nguồn vốn này vào quy định của Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), vì theo quy định của Luật ngân sách (sửa đổi) nguồn thu xổ số kiến thiết là một nguồn thu trong cân đối ngân sách nhà nước. Nhưng thực tế trong thời gian vừa qua nguồn thu này đã được đưa ra ngoài cân đối, việc quản lý cũng còn mang tính tùy tiện, mỗi địa phương thực hiện một khác, cơ chế quản lý chưa rõ ràng.
Hiện nay đối với các nguồn vốn đầu tư nhà nước còn khoản vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không thuộc nguồn vốn đầu tư công, tôi nhất trí như Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguồn vốn này sẽ được điều chỉnh tại dự án Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ cùng với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cần quy định rõ các chế tài quản lý nguồn vốn này trong Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, để bảo đảm quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, tránh các khe hở pháp luật.
Thứ ba, về dự án Luật đầu tư công và tiêu chí phân loại dự án đầu tư công được quy định trong dự thảo là căn cứ vào các quy định tại Nghị quyết số 49 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Nghị định số 12 của Chính phủ về tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C và được xây dựng trên tinh thần kế thừa có chọn lọc, nên các quy định trong dự thảo luật được chế tài chặt chẽ hơn các văn bản hiện hành.
Thứ tư, về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định kế hoạch, tôi cho các quy định trong dự thảo luật cơ bản phù hợp với phân cấp hiện hành và các quy định của Hiến pháp. Việc phân cấp này sẽ tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành bảo đảm việc kiểm tra, giám sát chéo giữa các ngành, các cấp, đồng thời cũng yêu cầu về trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân sẽ nặng nề hơn. Từng cấp, từng ngành và từng cá nhân trong từng khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định việc bố trí vốn triển khai thực hiện kế hoạch thi công, công trình, dự án sẽ biết rõ mình cần làm gì và trách nhiệm tới đâu. Do đó, mặc dù việc phân cấp quản lý không thay đổi nhưng trách nhiệm của từng cấp, từng ngành sẽ cụ thể, rõ ràng hơn. Ví dụ như các cấp chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đều có quy định cụ thể trách nhiệm quyền hạn trong tất cả các khâu quản lý vốn đầu tư công. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện thêm các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm nhóm B, xem xét chủ trương đầu tư các dự án nhóm A. Tuy nhiên, đây là những nội dung mới sau khi Luật đầu tư công được ban hành, đề nghị Chính phủ cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể và tổ chức các hội nghị phổ biến cách thức triển khai để đảm bảo các quy định của luật sớm đi vào cuộc sống.
Thứ năm, về công khai, minh bạch và giám sát cộng đồng trong đầu tư công, như tôi đã đề cập trên dự án luật này là một trong những dự án luật mang tính cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý nguồn vốn đầu tư công. Ngoài các quy định về giám sát cộng đồng được quy định tại Điều 80 và Điều 81 trong luật được dư luận và các nhà tài trợ đánh giá cao, cho rằng Việt Nam đã đổi mới. Lần đầu tiên các quy định về giám sát cộng đồng, sự tham gia của người dân trong quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công được quy định cụ thể trong luật thì các quy định khác tại Chương II về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định chương trình dự án đầu tư công, Chương III lập kế hoạch đầu tư công, Chương IV theo dõi và đánh giá kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công cũng như các quy định tại Chương V nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công. Theo tôi các quy định đều là những quy định đáp ứng các yêu cầu về công khai, minh bạch trong việc xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình dự án đầu tư công.
Việc triển khai các quy định của dự án luật này tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư công và góp phần tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta. Tôi đề nghị Quốc hội sớm thông qua dự luật này để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã kéo dài trong nhiều năm qua, thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.