Đại biểu Y Khút Niê tỉnh Đắk Lắc góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:53 26-11-2014

Y Khút Niê - Đắc Lắk

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết tôi cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần. Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi xin tham gia một số nội dung như sau:

Một, về điều kiện hưởng lương hưu Điều 53, tôi tán thành các nội dung quy định tại Khoản 1, 3, 4, Điều 53 nhưng không tán thành với quy định tại Khoản 2, điều này bởi các lý do sau đây:

Khoản 2, Điều 53 quy định từ năm 2016 trở đi điều kiện về tuổi hưởng lương hưu đối với cán bộ, công chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ, 62 tuổi đối với nam. Tương tự đến năm 2020 trở đi áp dụng đối với các đối tượng còn lại. Tôi cho rằng quy định như vậy là trái với Khoản 1, Điều 187 của Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012.

Khoản 1, Điều 187 quy định người lao động đủ thời gian bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Như vậy khi người lao động nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật lao động thì người lao động phải chờ đến 2 năm nữa đối với nam và 5 năm nữa đối với nữ mới được hưởng lương hưu. Theo tôi quy định như vậy không ai có thể chấp nhận được, vi phạm Bộ luật lao động và quyền lợi của người lao động. Tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định của luật hiện hành.

Hai, về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm sức khỏe Điều 54, dự thảo luật đưa ra hai mức suy giảm sức khỏe tương ứng với hai độ tuổi khác nhau để được hưởng lương hưu trước tuổi. Cụ thể là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi, khi giảm sức khỏe 61% trở lên. Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi khi giảm sức khỏe 51% trở lên. Tôi cho rằng quy định như vậy là có bước tụt lùi so với luật hiện hành. Điều 51 Luật bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì hưởng lương hưu trước tuổi, nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên. Như vậy, Luật bảo hiểm xã hội hiện hành có tính ưu việt, tính nhân văn xã hội sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động khi mất sức lao động sớm. Tuy nhiên để người lao động được hưởng lương hưu trước tuổi khi giảm sức khỏe 61% trở lên.

Trong thực tế đã diễn ra nhiều vấn đề phức tạp. Người lao động phải đi lại mất nhiều thời gian và tốn kém, phát sinh nhiều mối quan hệ xin cho, nhất là việc khám, tìm ra bệnh để đạt được kết quả 61% trở lên. Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh tuy có nhiều thành phần nhưng thực chất chỉ là hình thức, chỉ đọc và công nhận lại kết quả khám, kết luận của các bác sỹ chuyên khoa đã khám trước đó. Nếu đủ 61% trở lên thì được hưởng lương hưu trước tuổi, người chưa đạt thì tiếp tục khám lại và như thế người không bệnh cũng sẽ trở thành người có bệnh. Theo tôi, để tránh phiền hà và tốn kém cho người lao động, loại bỏ cơ chế "xin cho" thì không nên quy định điều kiện về sức khỏe, chỉ nên quy định về độ tuổi nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi trở lên là được. Tôi đồng ý với quy định tại Khoản 3, Điều 55 là cứ một năm nghỉ hưu trước tuổi, mức lương hưu giảm 2%, thay vì 1% như luật hiện hành.

Ba, về mức lương hưu hàng tháng ở Điều 55, Điều 73, Khoản 2, Điều 55, Điều 73 quy định mức lương hưu hàng tháng của người lao động từ năm 2016 được điều chỉnh là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45 mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu của người nghỉ hưu từ năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, thứ tự tăng lên cho đến từ năm 2020 trở lên là 20 năm. Tôi cho rằng quy định như vậy người lao động bị cắt giảm lương hưu một cách vô lý, đi ngược lại tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng, làm mất đi sự công bằng giữa người nghỉ hưu trước và sau năm 2015, mất tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm xã hội. Một ví dụ cụ thể sau đây có thể cho chúng ta thấy rõ hơn về lương hưu của người lao động bị cắt giảm như thế nào:

Tôi giả sử người lao động có mức lương bình quân tiền lương để tính lương hưu hàng tháng như nhau là 3 triệu 500 ngàn đồng, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 30 năm, đủ tuổi nghỉ hưu, nếu tính Luật bảo hiểm xã hội hiện hành thì người lao động sẽ được hưởng tiền lương hưu hàng tháng là 2 triệu 625 ngàn đồng. Nếu tính theo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì người lao động nghỉ hưu từ năm 2016 cho đến 2020 trở đi sẽ là nếu nghỉ vào năm 2016 thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của người lao động chỉ còn 73%, thay vì 75% như luật hiện hành; tiền lương của người lao động  được nhận chỉ còn 2 triệu 550 ngàn đồng, mất đi 2%, tương đương 70 ngàn đồng/tháng. Nếu nghỉ vào năm 2020 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ còn 65%, thay vì 75% theo luật hiện hành, tiền lương của họ được nhận chỉ còn 2.275.000 đồng, mất đi 10% và tương ứng với 350.000 đồng trên tháng so với luật hiện hành. Mặt khác, nếu người lao động nói trên có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội còn phải mất thêm 8.750.000 đồng tiền trợ cấp một lần, do phải kéo dài thêm 5 năm thời gian  đóng bảo hiểm xã hội nữa để có đủ tỷ lệ 75%. Nếu vì cho rằng do sẽ mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong tương lai nên phải cắt giảm tiền lương hưu của người lao động, tôi cho là không thuyết phục. Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2013, chỉ có 150/300 doanh nghiệp hoạt động tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 50%. Với 11, trên 16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội chỉ chiếm 68,5%, số còn lại trên 5 triệu người không tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng với khoảng 56 nghìn tỷ đồng trên 1 năm bị thất thu.

Mặt khác, đến tháng 3/2014, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp đã lên đến 11.000 tỷ đồng, chưa có biện pháp thu hồi. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội chưa được mở rộng. Chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa thực sự hấp dẫn đối với mọi tầng lớp nhân dân. Các biện pháp chế tài đối với tập thể, cá nhân vi phạm Luật bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh, vv... Theo tôi, đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội chứ không phải do người lao động mà cắt giảm lương hưu của họ. Với suy nghĩ như vậy và phân tích như trên, tôi đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành của Luật bảo hiểm xã hội. Tôi xin lưu ý rằng, số người lao động bị cắt giảm lương hưu nói trên là loại trừ số 498 đại biểu Quốc hội chúng ta ngồi đây. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan