Đại biểu Nguyễn Văn Sơn tỉnh Hà Tĩnh góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Y Khút Niê tỉnh Đắk Lắc góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh tỉnh Đắk Nông góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa Quốc hội.
Thực hiện bảo hiểm xã hội chính là việc đảm bảo thực hiện quyền con người mà Hiến pháp nước ta luôn đề cao và được xã hội thừa nhận từ nhiều năm nay. Cần khẳng định rằng, chính sách bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên cơ sở chia sẻ trong cộng đồng người lao động. Quỹ bảo hiểm xã hội hình thành do giá trị lao động của người lao động tạo ra, cho dù chính người lao động hay người sử dụng lao động nộp vào quỹ này. Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận hôm nay, xin được gọi tắt là dự thảo luật sửa đổi phần nào đó đã khắc phục được những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội, phù hợp với quá trình phát triển đất nước.
Dự thảo luật sửa đổi này đang được sự quan tâm của xã hội, để góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của dự thảo luật có nội dung: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công vụ nhất định có thời hạn từ 1 đến dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản, trong nội dung này có một số vấn đề theo tôi cần bàn thêm.
Thứ nhất, từ ngữ chưa rõ ràng. Cụm từ "hợp đồng lao động theo một công việc nhất định" rất chung chung, cảm tính, suy diễn kiểu nào cũng được.
Thứ hai, danh mục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm 5 khoản: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Như vậy theo tôi cần xác định lại trong quan hệ hợp đồng công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng có cần thiết phải xem đầy đủ 5 khoản mục trên là bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với tất cả các ngành nghề hay không.
Thứ ba, liên hệ với Khoản 2, Điều 16, hình thức hợp đồng lao động của Bộ luật lao động hiện hành đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Như vậy một đằng dự thảo Luật bảo hiểm xã hội bắt buộc phải nộp bảo hiểm xã hội trên cơ sở giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Mặt khác, Bộ luật lao động hiện hành cho phép giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản. Do đó, có thể nói rằng ở đây nảy sinh vấn đề người sử dụng lao động có cớ để không nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Người lao động trong nhiều trường hợp bắt buộc sẽ trở thành lao động chui, vì không thể kiếm được việc làm tốt hơn trong khi người sử dụng lao động không muốn công khai việc thuê mướn lao động để phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc theo luật.
Riêng điều khoản quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ở dự thảo lần này, tôi cho rằng có hai mục đích không đạt được, chí ít là trong tình trạng thị trường lao động hiện nay ở nước ta, đó là không tận thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với người lao động thời vụ và không buộc các doanh nghiệp, người sử dụng lao động thời vụ phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc cho các đối tượng lao động thời vụ. Từ những vấn đề trên và như từ đầu đã nói quỹ bảo hiểm xã hội hình thành là do giá trị lao động của người lao động tại ra. Theo tôi đối với hình thức hợp đồng lao động đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng nên chăng chuyển sang đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện. Tuy nhiên cần phải quy định rõ người sử dụng lao động công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng phải kê khai và chi trả đầy đủ các khoản bảo hiểm xã hội cho người lao động có công việc tạm thời dưới 3 tháng. Để người lao động có công việc tạm thời dưới 3 tháng có quyền và được tự nguyện nộp bảo hiểm xã hội.
Vấn đề thứ hai, về chế độ hưu trí tại Mục 4, Chương III. Trong phần này dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này có đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động, nâng dần từ năm 2016 cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Cùng với nội dung Tờ trình số 28 của Chính phủ về dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì nội dung đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương lưu như trên có lý do là quỹ hưu trí có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.
Trước hết, tôi cho rằng đề xuất nâng tuổi đời hưởng lương hưu theo dự thảo luật sửa đổi lần này là một sáng kiến pháp luật. Tuy nhiên, Luật bảo hiểm xã hội thuộc ngành lao động, nhưng trong Luật lao động chưa đặt ra vấn đề này, liệu bước đi như vậy đã thích hợp chưa.
Ngoài ra, để cứu vãn nguy cơ mất cân đối của quỹ hưu trí trong tương lai bằng cách nâng tuổi đời nghỉ hưu như dự thảo, tôi cho rằng là bất cập. Bởi vì hiện nay như nhiều chuyên gia đã nói lao động của nước ta trong cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều lao động thất nghiệp đặc biệt là thế hệ trẻ được đào tạo, học tập rất bài bản nhưng không được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo, không có việc làm ổn định.
Vấn đề thứ ba, từ nhiều năm nay trên nhiều phương tiện thông tin và cũng như trên báo cáo của ngành bảo hiểm xã hội cho thấy có tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội, với xu hướng ngày càng tăng và với số nợ tiền rất lớn. Do đó, cần phải có giải pháp mạnh hơn rất nhiều để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Với bộ máy thanh tra hiện có ngành lao động, thương binh và xã hội không đủ điều kiện để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị tăng thẩm quyền thanh tra và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về việc đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Thẩm quyền như thế nào sẽ do Chính phủ quy định.
Về cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý tài chính rất lớn, liên quan đến an sinh xã hội, không xem bảo hiểm xã hội Việt Nam là tổ chức sự nghiệp đơn thuần như các cơ sở y tế, giáo dục mà là một tổ chức tài chính có chức năng quản lý quỹ thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác, nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội. Theo tôi cần sửa đổi, bổ sung thẩm quyền này cho tổ chức bảo hiểm xã hội, trên cơ sở đảm bảo đồng bộ với Luật thanh tra. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.