Đại biểu Nguyễn Thị Phúc tỉnh Bình Thuận góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Phạm Văn Tấn tỉnh Nghệ An góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Nguyễn Tuyết Liên tỉnh Sóc Trăng góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Nguyễn Tuyết Liên - Sóc Trăng
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) như sau:
Thứ nhất, về phạm vi công chứng, tôi thống nhất với dự thảo luật sửa đổi. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên thực hiện chức năng chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch, bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt đảm bảo thuận lợi cho giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng. Theo lộ trình như phân tích của đại biểu Xuyền, đoàn Thái Bình, đồng thời quy định trên cũng phù hợp với nguyên tắc của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, đề nghị xem xét quy định nguyên tắc hành nghề công chứng không vì mục đích lợi nhuận tại Khoản 3, Điều 4 dự thảo luật là không phù hợp. Bởi lẽ Văn phòng công chứng hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, việc cung cấp dịch vụ vẫn có yếu tố lợi nhuận để duy trì hoạt động. Mặt khác, hành nghề công chứng hoạt động không vì mục đích lợi nhuận sẽ mâu thuẫn với quy định cho phép chuyển nhượng Văn phòng công chứng, nếu không có lợi nhuận thì sẽ không có việc chuyển nhượng hay chuyển đổi để đảm bảo phù hợp với chức năng xã hội của công chứng viên.
Tại Điều 3 đề nghị bổ sung từ "chỉ" vào Khoản 3, Điều 4 được viết lại như sau: Không chỉ vì mục đích lợi nhuận.
Thứ ba, về các hành vi bị nghiêm cấm, tại Điều 7, đề nghị xem xét quy định những người thân thích tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4. Tại Điểm c, Khoản 1 điều này có mở rộng đối tượng là anh, chị em ruột của vợ hoặc chồng, cháu là con của con đẻ, con nuôi nhưng lại thiếu đối tượng có quan hệ với bản thân công chứng viên là bác, chú, cô, cậu, dì ruột, anh chị em nuôi. Nếu không bổ sung các đối tượng nêu trên vào các hành vi bị nghiêm cấm thì vô hình chung tạo khe hở trong luật gây khó khăn trong việc áp dụng khi luật có hiệu lực pháp luật, vì những người thân thích này cũng có ảnh hưởng nhất định đến công chứng viên.
Đồng thời cần xem xét bổ sung tại Điểm i, Khoản 1 điều này quy định rõ: Công chứng viên không được tham gia thành lập hoặc tổ chức hoạt động tại văn phòng công chứng thứ hai, tránh tình trạng công chứng viên tham gia nhiều văn phòng công chứng, xảy ra trường hợp thông đồng trong hoạt động công chứng.
Đề nghị bổ sung cụ thể như sau: Công chứng viên không được đồng thời tham gia thành lập hoặc tổ chức hoạt động tại hai tổ chức hành nghề công chứng. Việc bổ sung trên cũng phù hợp với quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 17 của dự thảo luật là: công chứng viên có nghĩa vụ hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng.
Vấn đề thứ tư, về độ tuổi hành nghề của công chứng viên tại Điều 35, tôi thống nhất với loại ý kiến thứ nhất, vì công chứng viên là lao động trí óc mang tính chuyên môn cao, việc không quy định độ tuổi sẽ tạo điều kiện tốt trong việc sử dụng những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực. Nếu đảm bảo sức khỏe để hành nghề theo quy định tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 8 là được.
Vấn đề thứ năm, về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về công chứng được quy định tại Điều 69. Tôi đề nghị cần bổ sung cụm từ "thực hiện bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong lĩnh vực công chứng" sau cụm từ "trong cả nước' tại Điểm b, Khoản 2 điều này do thực tế hiện nay. Việc bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp chưa rõ ràng nên các công ty bảo hiểm chưa thực hiện bán bảo hiểm theo yêu cầu của người mua là các tổ chức hành nghề công chứng.
Vấn đề thứ sáu, về điều khoản chuyển tiếp, quy định tại Điều 78, tại đoạn cuối Khoản 1, tôi đề nghị bỏ cụm từ "sẽ bị" mà thay thế bằng từ "thì" để thể hiện xử sự của Nhà nước đối với văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập không thực hiện xong việc chuyển đổi trong thời hạn luật định. Đồng thời tại Khoản 4 điều này, tôi đề nghị chỉ cần quy định quy tắc đạo đức hành nghề công chứng được thực hiện theo quy định của Bộ Tư pháp là đủ, cho đến khi tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên theo quy định tại Điều 41 của luật này ban hành mới quy tắc đạo đức hành nghề công chứng mà không cần phải viện dẫn Thông tư số 11 của Bộ Tư pháp thì sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình viện dẫn cũng như áp dụng luật. Trên đây là một số ý kiến góp ý cho dự thảo Luật công chứng. Tôi xin cảm ơn Quốc Hội