VCCI góp ý Dự thảo 5 Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường

Thứ Hai 11:24 10-11-2014

Kính gửi: Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 4/11/2014 tại Văn phòng Chính phủ về việc góp ý  Dự thảo 5 Nghị định quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo) mà Quý Bộ đang soạn thảo, sau khi tham khảo ý kiến của một số doanh nghiệp và chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến đối với Dự thảo như sau:

1.      Về quy hoạch bảo vệ môi trường

Điều 3.1.i của Dự thảo quy định một trong những nội dung của quy hoạch bảo vệ môi trường (QBM) là “Phân vùng môi trường theo các mục tiêu phát triển, bảo vệ và bảo tồn”. Quy định này là chi tiết hóa của Điều 9.1.b Luật BVMT là “Phân vùng môi trường”. Theo đó, toàn bộ diện tích bề mặt của Việt Nam sẽ được chia thành ba nhóm là vùng phát triển, vùng bảo vệvùng bảo tồn.

Quy định này hiện chưa rõ ràng ở nhiều điểm, ví du (i) tiêu chí để phân vùng môi trường này là gì? (dựa vào đâu để phân vùng môi trường) (ii) cơ chế pháp lý áp dụng đối với mỗi vùng môi trường này là thế nào (hệ quả của việc phân vùng này là gì: Ví dụ QBM có cấm một số hoạt động kinh tế nhất định tại vùng bảo vệ và bảo tồn? các vùng bảo vệ, bảo tồn sẽ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường cao hơn? các vùng bảo vệ, bảo tồn sẽ gặp khó khăn hơn khi thẩm định báo cáo ĐTM?

Trong khi đó, nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng bởi việc phân vùng này ảnh hưởng đến quyền tự do lựa chọn địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo quy định rõ hệ quả của việc phân vùng môi trường, quy chế pháp lý áp dụng cho từng vùng ngay trong Nghị định này (đây là vấn đề ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp nên cần được nêu rõ trong văn bản cấp Nghị định, không thể để văn bản cấp thấp hơn hoặc trong các Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường của Thủ tướng hoặc của Chủ tịch UBND cấp tỉnh).

2.      Về công khai thông tin về Quy hoạch bảo vệ môi trường

Điều 7.2 và 7.3 của Dự thảo quy định việc công khai QBM được thực hiện muộn nhất là “30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Đối với một văn bản có ý nghĩa và tác động trực tiếp tới doanh nghiệp như QBM, thời hạn công khai 30 ngày này được cho là quá dài. Trên thực tế, ngay cả với văn bản pháp luật thời hạn để gửi văn băn đăng công báo cũng chỉ là 02 ngày làm việc kể từ ngày ký văn bản (theo Nghị định về Công báo). Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo đổi lại thành “kể từ ngày quyết định được ban hành”.

3.      Về tham vấn ý kiến khi thực hiện đánh giá tác động môi trường

Liên quan tới việc tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương, Dự thảo Nghị định dừng lại ở việc quy định về đối tượng phải tham vấn, sau đó giao cho Bộ TNMT hướng dẫn về hồ sơ (Điều 11.4) mà không quy định về cách thức xử lý trong trường hợp các đối tượng này chậm trễ, thậm chí không trả lời tham vấn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại bởi xảy ra tình trạng này thì báo cáo ĐTM của họ có thể sẽ không được thẩm định.

Trong khi đó, Điều 15.1.d của Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định rất rõ ràng về việc này, theo đó “Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến tham vấn, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời chủ dự án bằng văn bản và công bố công khai để nhân dân biết. Quá thời hạn này, nếu cơ quan được tham vấn không có ý kiến bằng văn bản gửi chủ dự án thì được xem là cơ quan được tham vấn đã nhất trí với kế hoạch đầu tư của chủ dự án;”. Quy định này là hợp lý và rất nên được tiếp tục duy trì trong Dự thảo Nghị định mới.

Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung quy định về thời hạn tối đa để các cá nhân, tổ chức trả lời yêu cầu tham vấn tương tự như Điều 15.1.d Nghị định 29/2011/NĐ-CP.

4.      Về thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM

Dự thảo quy định thời hạn thẩm định báo cáo ĐTM ở mức 45 ngày làm việc và 30 ngày làm việc (tương ứng với khoảng 60 ngày và 40 ngày lịch) (Điều12.2). Theo một số doanh nghiệp, thời hạn này là quá dài.

Trên thực tế, công tác thẩm định này đã được thực hiện thường xuyên và đi vào nề nếp từ nhiều năm nay với thời gian trung bình chỉ khoảng 15 ngày thậm chí ngắn hơn. Việc thẩm định chỉ cần nhiều thời gian hơn trong những trường hợp phải kiểm tra thực tế.

Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo quy định rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo ĐTM xuống mức 15 ngày làm việc (tương ứng với khoảng 20 ngày lịch). Riêng đối với những dự án mà Hội đồng thẩm định phải tiến hành kiểm tra thực tế thì có thể quy định kéo dài thời gian lên đến 25 ngày làm việc. Điều này sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp đồng thời cũng phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính.

5.      Về tiêu chí thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM

Liên quan tới việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, Dự thảo hiện mới chỉ quy định về quy trình, nội dung thẩm định (Điều…) mà không có quy định nào về tiêu chí để chấp thuận hay từ chối phê duyệt báo cáo ĐTM.

Việc thiếu các tiêu chí thẩm định, phê duyệt dẫn tới tình trạng được nhiều doanh nghiệp phản ánh là việc thẩm định và phê duyệt các báo cáo ĐTM phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền. Do không có tiêu chí rõ ràng, có thể với cùng một hồ sơ nhưng với các cán bộ khác nhau thì kết luận về báo cáo ĐTM là khác nhau và không có chuẩn nào để xác định kết luận nào là đúng. Hiện trạng thiếu minh bạch này tạo ra dư địa cho nhũng nhiễu, gây phiền hà, thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp chủ đầu tư hoặc chính quyền, người dân địa phương không đồng tình với các kết luận của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc cơ quan hành chính cấp trên cũng không có căn cứ để đánh giá tính đúng sai của quyết định này.

Tình trạng này cần được giải quyết triệt để tại Dự thảo này thông qua việc quy định rõ các tiêu chí thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung một điều luật về các tiêu chí phê duyệt báo cáo ĐTM, ví dụ các tiêu chí như:

-          Đủ hồ sơ theo quy định

-          Đề cập đầy đủ, không bỏ qua các tác động môi trường đáng kể của dự án

-          Có biện pháp giảm thiểu tác động môi trường đến mức không gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường tự nhiên và con người

-          Có biện pháp đảm bảo chất thải đạt các Quy chuẩn kỹ thuật về chất thải

-          Đảm bảo kiểm soát rủi ro, phòng tránh sự cố và thiệt hại phát sinh từ sự cố môi trường ở mức chấp nhận được.

6.      Tính độc lập của Hội đồng thẩm định

Liên quan tới Hội đồng thẩm định (Điều 12.3), Dự thảo hiện không có bất kỳ quy định nào về tổ chức cũng như hoạt động của Hội đồng này. Đây cũng là nội dung mà Bộ Tư pháp nêu trong ý kiến thẩm định về Dự thảo này.

Trong Tờ trình Chính phủ phần giải trình, tiếp thu ý kiến, Ban sọan thảo nêu vấn đề này sẽ được quy định trong Thông tư hướng dẫn Nghị định này.

Việc quy định vấn đề này trong Thông tư hướng dẫn Nghị định là không thích hợp bởi:

-          Thứ nhất, Hội đồng thẩm định được trao quyền rất lớn trong việc quyết định cho phép hoặc dừng triển khai dự án đầu tư quy mô lớn (kể cả các dự án mà Quốc hội đã đồng ý chủ trương đầu tư). Với tính chất quan trọng như vậy, việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định cần được quy định rõ ràng trong Nghị định, không nên để xuống văn bản cấp Thông tư.

-          Thứ hai, Nghị định 29/2011/NĐ-CP hiện hành cũng đã có một số quy định nguyên tắc chung về Hội đồng thẩm định tại Điều 18.3 như “Thành phần hội đồng thẩm định phải có trên năm mươi phần trăm (50%) số lượng thành viên có chuyên môn về môi trường, các lĩnh vực khác liên quan đến dự án. Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thành phần hội đồng phải có đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi triển khai thực hiện dự án.” Do đó, việc chuyển các nội dung cần thiết, hợp lý đang có trong Nghị định này xuống cấp Thông tư là không thỏa đáng.

Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo tập trung quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định ngay tại Nghị định này, không để xuống cấp Thông tư. Các nội dung này bao gồm:

-          Tổ chức của hội đồng: số lượng thành viên, tiêu chí lựa chọn thành viên, thẩm quyền lựa chọn thành viên, tính chuyên môn của thành viên hội đồng.

-          Hoạt động của hội đồng: phân công trách nhiệm giữa các thành viên hội đồng, cơ chế ra quyết định của hội đồng.

-          Trách nhiệm của hội đồng: trách nhiệm của cả hội đồng đối với kết quả làm việc của mình, trách nhiệm của từng thành viên hội đồng đối với ý kiến và biểu quyết của mình.

7.      Hướng dẫn kỹ thuật đối với báo cáo ĐTM

Hiện nay trên thế giới, các quốc gia đang có xu hướng xây dựng pháp luật về môi trường thông qua hình thức “luật mềm” (soft law). Bản chất của “luật mềm” là các văn bản hướng dẫn kỹ thuật do nhà nước ban hành, không có tính bắt buộc nhưng có tính khuyến cáo áp dụng. Đây là phương pháp rất tiến bộ, hợp lý, được sử dụng nhằm hướng các đối tượng tới các cách thức xử sự chung hợp lý mà vẫn đảm bảo quyền tự do lựa chọn và hạn chế sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào một số khía cạnh hoạt động kinh tế - xã hội.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên Môi trường đã ban hành một số hướng dẫn kỹ thuật đối với việc đánh giá tác động môi trường của một số dạng dự án như cơ sở dệt nhuộm, cơ sở cơ khí... Mặc dù các hướng dẫn này mới chỉ dừng ở mức độ đề cương báo cáo ĐTM, nhưng đây là những thực tiễn rất tốt và cần được nhân rộng. Các hướng dẫn này không có giá trị bắt buộc nhưng giúp cho chủ dự án tham khảo và áp dụng theo khi làm ĐTM cho dự án của mình, và cũng sẽ giúp báo cáo ĐTM dễ dàng được thẩm định, phê duyệt hơn.

Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo bổ sung một điều khoản theo đó Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường ban hành các hướng dẫn kỹ thuật (mang tính khuyến nghị, không bắt buộc) áp dụng đối với việc thực hiện ĐTM. Nội dung của các hướng dẫn này không chỉ bao gồm đề cương báo cáo ĐTM mà cần nêu cả các lưu ý, các bước tiến hành khi thực hiện ĐTM. Phạm vi của các hướng dẫn kỹ thuật này cũng cần được xác định rộng hơn, bao gồm các loại dự án thường xuyên phải tiến hành ĐTM.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về Quy hoạch bảo vệ môi trường, Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường và Kế hoạch bảo vệ môi trường. Rất mong Ban soạn thảo xem xét để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn./.

Các văn bản liên quan