Ông Phạm Văn Chắt – TS Luật, Giảng viên cao cấp, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) góp ý đối với Nghị định 60/2014/NĐ-CP tại Hội thảo VCCI TP. HCM

Thứ Sáu 09:43 17-10-2014

Hội thảo : “Doanh nghiệp đóng góp hoàn thiện chính sách đối với hoạt động in”, Hội trường A2, Nhà khách T78 Văn Phòng Trung ương Đảng, 145 Lý Chính Thắng, P.7, Q.3, Tp. HCM, ngày 08/10/2014

THAM LUẬN :MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ NGÀNH IN THEO NGHỊ ĐỊNH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ

---------------------

TS Luật – Giảng viên cao cấp

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) : Phạm Văn Chắt

Trong những năm qua, đặc biệt là từ quý II – 2014, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng hết sức quan tâm 2 vấn đề nóng: cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện tự do tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bằng cách nới lỏng các quy định, bỏ quy định và thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp được làm những gì “pháp luật không cấm”.

Ngành in trong cơ chế thị trường cũng là một ngành kinh tế thực hiện bởi các chủ thể là những loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, trong những năm qua, hoạt động ngành in bên cạnh những thành tựu to lớn, cũng có nhiều mặt tồn tại cần chấn chỉnh. Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hiện đại như ngày nay, hoạt động in có thể bị lợi dụng bởi những người cơ hội như in chứng từ, bằng cấp, tem kiểm soát, nhãn hiệu, card điện thoại di động, thẻ tín dụng và thậm chí vé số trúng thưởng…Những vi phạm trên đã để lại hệ luỵ không nhỏ cho xã hội, kể cả trường hợp tổn hại tính mạng con người. Có lẽ đó là lý do Chính phủ phải ban hành Nghi định 60/2014-NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 quy định về hoat động IN.

Trong phạm vi tham luận này, chúng tôi xin nêu 3 ý kiến do thời lượng không cho phép.

1.Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động in

Nghị định của Chính phủ đã khẳng định:

Hoạt động in là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện. Nhà nước có chính sách đối với hoạt động in, bao gồm:

1. Khuyến khích, ưu đãi đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị in tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, sức lao động và thân thiện với môi trường; hạn chế sử dụng, không sản xuất và nhập khẩu thiết bị in có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

2. Có chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tiền thuê đất đối với hoạt động in phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ trọng yếu khác của đất nước theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần quan tâm ở đây là: trong điểm 2, Nghị định xác định ưu đãi đối với hoạt động in phục vụ nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, còn  các “nhiệm vụ trọng yếu khác” của đất nước được ưu tiên là những nhiệm vụ cụ thể ra sao?, Nghị định không cụ thể hoá. Do vậy, nếu Thông tư không cụ thể hoá “nhiệm vụ trọng yếu khác” sẽ tạo ra sự ước lệ. Ví dụ: in bao bì, in nhãn hiệu, quảng cáo để tiếp thị, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm có được coi là “nhiệm vụ trọng yếu khác” không?, vì vấn đề trên đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết Số: 19/NQ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2014 VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA.

Mong rằng Thông tư càng cụ thể càng tạo sự minh bạch, dễ dự báo và thuận lợi với doanh nghiệp.

2.Những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9)

1. Chế bản, in, gia công sau in hoặc photocopy sản phẩm in, giấy tờ khác có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai, gây hận thù, chia rẽ giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

2. Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động in, không đăng ký hoạt động, không khai báo hoạt động theo quy định của Nghị định này.

3. Lợi dụng hoạt động chế bản, in, gia công sau in, photocopy để tạo ra, phát tán trái phép sản phẩm in có nội dung vi phạm Khoản 1 Điều này; làm giả giấy tờ của cơ quan nhà nước; trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất hàng giả.

4. Chế bản, in, gia công sau in, photocopy vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

5. Sử dụng thiết bị in phục vụ nội bộ để tạo ra sản phẩm in nhằm mục đích kinh doanh.

6. Sản xuất, nhập khẩu thiết bị in trái quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy định của Nghị định về 6 hành vi bị nghiêm cấm là điều dễ hiểu. Vả lại, trong luật pháp các nước, nhất là trong môi trường công nghệ hiện đại (cả phương tiện lẫn thông tin) như ngày nay, các nước ngày càng tăng xu thế cấm đoán vì mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, an toàn cho xã hội và công dân. Do vậy, các quy định trên theo chúng tôi là cần thiết.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in (Điều 6) và Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in (Điều 7)

Theo quy định của Nghị định:

Bộ Thông tin và Truyền thông giúp Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động in trong phạm vi cả nước, có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động in, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động in.

2. Quản lý, tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động in; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động in; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ trong hoạt động in.

3. Quản lý, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực in.

4. Cấp, cấp lại, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận; xác nhận đăng ký và quản lý hoạt động của cơ sở in theo thẩm quyền.

5. Hướng dẫn, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và ban hành thống nhất các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động in.

6. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tạm dừng việc chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm in khi phát hiện sản phẩm in đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

7. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập tổ chức liên ngành ở Trung ương về phòng, chống các hành vi vi phạm trong hoạt động in và lợi dụng hoạt động in để sản xuất hàng giả.

8. Thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động in theo quy định của pháp luật.

Để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trên có hiệu qủa từ 2 giác độ: tạo thuận lợi cho hoạt động in và quản lý hoạt động in theo đúng quy định của Nghị định

Thứ nhất: Bộ Thông tin và Truyền thông cần khẩn trương tập trung cụ thể hoá: xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông tư cụ thể hoá các quy định về hoạt động in, đặc biệt là những mục Nghị định chưa quy định bằng những tiêu chí cụ thể.

Quy định thật đơn giản và cụ thể thủ tục hành chính, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động in, trong Cấp, cấp lại, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận; xác nhận đăng ký và quản lý hoạt động của cơ sở in theo thẩm quyền của Bộ.

Các thủ tục phải trên tinh thần tạo thuận lợi nhất, nhanh nhất, dễ dự báo nhất và tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu cho hoạt động của chủ thể tham gia in.

Thứ hai: Tổ chức bộ máy phòng, chống các hành vi vi phạm trong hoạt động in và lợi dụng hoạt động in để sản xuất hàng giả thống nhất từ trung ương đến điạ phương trên cơ sở quy định phân công phân nhiệm theo tinh thần Nghị định, tránh chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp mất nhiều thời gian tiếp.

Trên đây là một vài ý kiến góp ý và xin chân thành cảm ơn Ban tổ chức Hội thảo cho phép phát biểu cũng như sự lắng nghe của quý vị

Trân trọng.

Các văn bản liên quan