VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu

Thứ Tư 15:26 27-08-2014

Kính gửi: Cục Quản lý Nông lâm sản và Thủy sản

        Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trả lời Công văn số 1295/QLCL-CL2 của Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến về các nội dung cụ thể của Dự thảo như sau:

1.      Về các nước được xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam

Theo Dự thảo thì trừ các trường hợp hạn chế quy định tại Điều 3, mọi hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm đều phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo quy định tại Chương II về phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thì chỉ có 02 phương thức kiểm tra được áp dụng, bao gồm: kiểm tra thông thường (áp dụng đối với các trường hợp hàng hóa xuất phát từ các nước được xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam) và kiểm tra chặt (áp dụng trong trường hợp kiểm tra thông thường phát hiện 01 lô hàng kiểm tra nhập khẩu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm).

Như vậy, mọi hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm chỉ có thể được nhập khẩu vào Việt Nam nếu xuất phát từ nước đã thuộc Danh sách các nước được xuất khẩu vào Việt Nam.

Về cơ bản thì điều kiện về xuất xứ này không thay đổi so với quy định tại Thông tư 13/2011/TT-BNNPTNT, Thông tư 05/2013/TT-BNNPTNT (chỉ khác ở cách thiết kế điều khoản và theo hướng là thiếu rõ ràng hơn Thông tư hiện hành).

Liên quan đến quy định này, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

-         Tính thống nhất của quy định với các văn bản pháp luật khác:

Việc áp đặt điều kiện về nước xuất khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu dường như là chưa thống nhất với quy định tại các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Luật An toàn thực phẩm và các văn bản Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này không quy định về điều kiện này đối với hàng hóa nhập khẩu, cũng không trao quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều kiện này. Như vậy, Dự thảo chưa phù hợp với Luật An toàn thực phẩm và các văn bản cấp trên.

-         Hệ quả hạn chế thị trường của quy định

Theo thông tin mà VCCI có được thì mặc dù quy định tương tự tại Thông tư 13, Thông tư 05 đã được áp dụng trong một thời gian đáng kể nhưng tới nay mới chỉ có vài chục nước/khu vực lãnh thổ thực hiện việc đăng ký với Việt Nam. Cũng khó có thể hy vọng là trong thời gian tới số lượng các nước trong Danh mục đăng ký sẽ tăng đột biến (bởi quy định tại Dự thảo cũng tương tự như quy định tại Thông tư 13, 05 trước đây).

Hiện trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân (nhiều nước không có thông tin về quy định này hoặc không chú ý tới việc đăng ký theo quy định này…) nhưng kết quả chung là nguồn cung hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm cho thị trường Việt Nam bị giới hạn chỉ ở vài chục nước đã đăng ký (thay vì toàn bộ gần 200 thị trường như thông thường).

Điều này rõ ràng là bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu khi không thể nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường mong muốn và trong tổng thể thì đây là một bất lợi cho người tiêu dùng cũng như các ngành kinh tế liên quan.

Trong khi đó, mục tiêu (suy đoán) của quy định này (đảm bảo rằng hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm nhập khẩu đã được kiểm soát và đáp ứng các tiêu chuẩn tương đương tiêu chuẩn Việt Nam tại nước nhập khẩu trước khi xuất sang Việt Nam) dường như lại không đạt dược bằng quy định này bởi:

+ Toàn bộ các thủ tục cũng như điều kiện an toàn thực phẩm (mà qua đó chúng ta có thể đánh giá về quy trình và cơ chế kiểm soát tại nước nhập khẩu) đều do nước xuất khẩu khai báo, và chỉ là trên quy định, vì vậy không chắc là có chính xác trong thực tiễn áp dụng không (tương tự như Việt Nam, chúng ta có đầy đủ các yêu cầu và thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm nhưng thực phẩm bẩn vẫn lưu hành trong thị trường với tỷ lệ đáng kể), ngay cả chỉ là nhìn từ góc độ quy định thì cũng không có gì đảm bảo thông tin khai báo trong hồ sơ là chính xác (bởi Dự thảo không quy định cơ chế kiểm chứng);

+ Lâu nay các chuyên gia cũng phải thừa nhận rằng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm của Việt Nam không phải là cao so với thế giới, vậy có thể suy đoán là phần lớn các nước sẽ đáp ứng yêu cầu của Việt Nam – do đó việc đăng ký chỉ còn mang tính hình thức;

+ Từ góc độ quan hệ thương mại, liệu có khi nào Việt Nam có thể thẳng thừng từ chối/loại bỏ một nước (nếu họ có đăng ký) ra khỏi Danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam không?

Chú ý là điều này hiện có thể nhận thấy ngay cả trong Dự thảo, khi Ban soạn thảo đã tỏ ra rất e dè với quy định “trường hợp kết quả thẩm tra chưa đáp ứng đầy đủ các quy định ATTP của Việt Nam, Cục…. thông báo bằng văn bản cho…. nước xuất khẩu yêu cầu bổ sung thông tin hoàn tất hồ sơ”: (i) các thông tin liên quan (số lượng nhân viên, các loại thuốc BVTV được phép sử dụng…tại nước xuất khẩu) đều là loại thông tin đã khai báo rồi thì không thể khai báo lại khác đi được nên không thể “bổ sung” được; (ii) các tiêu chí thẩm tra của Việt Nam không được quy định rõ trong Thông tư (khi nào đăng ký được xem là đáp ứng yêu cầu, khi nào thì không?) nên rất khó để cơ quan Việt Nam từ chối đăng ký cho phía nước ngoài – bởi muốn từ chối phải nêu được lý do rõ ràng, có lẽ vì thế mà trong quy định này bản thân Ban soạn thảo đã không tính đến case “từ chối đăng ký”.

+ Các thông tin yêu cầu trong bản đăng ký thực chất là rất khó để trả lời (suy từ chính Việt Nam, liệu chúng ta có thể trả lời được những câu hỏi tương tự một cách chính xác không? ví dụ “Cán bộ thực thi nhiệm vụ: số lượng, phân loại trình độ chuyên môn, các khóa đào tạo về chuyên môn cho từng loại trình độ chuyên môn?”). Và như vậy thông tin mà chúng ta thu được từ các Bản đăng ký này cũng hầu như không chính xác và giá trị của chúng trong việc đánh giá mức độ kiểm soát chất lượng ATTP ở nước xuất khẩu cũng rất tương đối.

Tóm lại, trong khi yêu cầu về Danh mục nước xuất khẩu không thể giúp ích gì nhiều cho mục tiêu kiểm soát ATTP của sản phẩm nhập khẩu, yêu cầu này lại tạo ra những hạn chế đáng kể trong lựa chọn nguồn cung hàng hóa cho Việt Nam một cách không cần thiết và không phù hợp từ góc độ kinh tế thị trường (thực tế, VCCI đã nhận được phản ánh từ phía doanh nghiệp về quy định này gây trở ngại trong hoạt động nhập khẩu của họ khi nước xuất khẩu không biết và/hoặc không muốn thực hiện thủ tục đăng ký).

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý của quy định cũng như đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, hiệu quả kinh tế và quy luật thị trường, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng:

-         Bỏ quy định chỉ có những hàng hóa nhập khẩu xuất phát từ những nước đã đăng ký với Việt Nam mới được phép nhập khẩu;

-         Nếu vẫn giữ quy định về Danh mục nước xuất khẩu có đăng ký thì chỉ nên xem đó là một cơ chế ưu tiên: Hàng hóa xuất phát từ nước đã đăng ký sẽ áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, còn đến từ những nước chưa đăng ký thì sẽ áp dụng phương thức kiểm tra chặt.

2.      Về thời hạn lấy mẫu, gửi mẫu, kiểm nghiêm và trả lời kết quả

Điều 18.3 Dự thảo quy định “Thời gian từ khi lấy mẫu, gửi mẫu, kiểm nghiệm và trả lời kết quả tối đa không quá 10 ngày làm việc”.

Đối với các doanh nghiệp, thời gian hàng hóa bị dừng ở cảng trước khi thông quan là vấn đề đặc biệt quan trọng, có thể ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả kinh tế của lô hàng cũng như hiệu quả kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. Đây cũng chính là lý do mà Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã có những chỉ thị quyết liệt về vấn đề này (ví dụ chỉ thị cho ngành thuế, hải quan cải cách triệt để thủ tục để đảm bảo rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp). Trên tinh thần này, các ngành có hoạt động liên quan tới quá trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa phục vụ thông quan cũng phải thực hiện triệt để mục tiêu này.

Do đó quy định về thời hạn kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật dùng làm thực phẩm này cần được Ban soạn thảo đặc biệt chú ý.

Rà soát quy định này cho thấy còn một số vấn đề sau:

-         Dự thảo chỉ quy định về thời hạn từ khi lấy mẫu tới khi trả kết quả. Vậy còn thời hạn từ khi hàng đến cảng đến khi lấy mẫu là như thế nào?

Chú ý là nếu hàng đến cảng mà phải đợi rất lâu mới được lấy mẫu kiểm tra thì dù thời gian trả kết quả kiểm tra ngắn đi nữa thì doanh nghiệp cũng vẫn bị thiệt hại lớn.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về thời hạn từ lúc hàng đến cảng tới khi lấy mẫu.

-         Thời hạn 10 ngày cho việc lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra ATTP có thể là phù hợp với một số loại sản phẩm nhưng có thể là quá dài đối với một số loại sản phẩm khác (chú ý là ở đây đối tượng là hàng hóa có nguồn gốc thực vật, tức là có thể thuộc nhóm hàng dễ bị hư hỏng “perishable goods”). Hơn nữa, cần lưu ý rằng thời hạn 10 ngày làm việc trên thực tế đồng nghĩa với 2 tuần (bởi số ngày làm việc này không tính ngày nghỉ cuối tuần).

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định 02 nhóm thời hạn cho 02 nhóm hàng hóa riêng:

+ đối với nhóm hàng hóa dễ bị hư hỏng: Các thời hạn ngắn bằng một phần ba hoặc một nửa so với các thời hạn thông thường;

+ đối với các hàng hóa khác: Các thời hạn thông thường

-         Theo thông tin từ nhiều nguồn thì trên thực tế, thời hạn lấy mẫu kiểm tra thường là rất dài (dù quy định pháp luật thì ngắn hơn). Điều này ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và tạo ra nhiều bức xúc trong thực tiễn.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đặc biệt chú ý tới việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị và nguồn nhân lực (bao gồm cả năng lực cán bộ) để đảm bảo tuân thủ đúng thời hạn quy định.

Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích doanh nghiệp trước tình trạng quá hạn trong thực thi công việc này của cơ quan/cán bộ có thẩm quyền, ví dụ: Mỗi lô hàng lấy mẫu sẽ được cấp phát một Giấy tiếp nhận ghi rõ ngày tiếp nhận, sau khi có Kết quả kiểm tra mẫu thì cơ quan kiểm tra thu lại Giấy đó; trường hợp hết thời hạn kiểm tra mà doanh nghiệp không nhận được Kết quả thì coi như hàng hóa đã được kiểm tra và xác nhận phù hợp ATTP, doanh nghiệp có quyền dùng Giấy tiếp nhận đó để làm thủ tục thông quan như bình thường.

3.      Một số quy định tại Dự thảo chưa đảm bảo yếu tố minh bạch

-         Giải thích từ ngữ:

Khoản 4 Điều 4 Dự thảo “Vi phạm nghiêm trọng quy định ATTP: Hàng hóa bị phát hiện vi phạm quy định ATTP có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng

Định nghĩa này là chưa rõ ràng, Dự thảo sử dụng các từ tính định tính để giải thích cho khái niệm định tính (như thế nào được cho là “ảnh hưởng xấu”, ngay cả khi xác định chính xác về những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng thì đánh giá giữa các hàng hóa có “nguy cơ” hay không có “nguy cơ” là khá khó khăn, vì bất kì hàng hóa thực phẩm nào vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đều có nguy cơ gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng). Ngoài ra, “nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe” (tức là nguy cơ có thể thấp hoặc cao, hoặc trung bình), liệu có luôn luôn tương đương với “vi phạm nghiêm trọng” không?

Do vậy, để đảm bảo tính rõ ràng và cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, hạn chế việc trao quá nhiều quyền mang tính chất suy đoán cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định này theo hướng có thể định lượng được, ví dụ: vượt quá bao nhiêu lần các giới hạn tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hoặc có các chất cấm khi sử dụng cho thực phẩm; …

-         Quy trình đăng ký của nước xuất khẩu (Chương III):

Dự thảo quy định về trình tự thủ tục đăng ký của nước xuất khẩu, tuy nhiên các quy định lại chưa rõ ràng ở điểm:

+ Thời hạn giải quyết thủ tục: Không rõ về thời hạn cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm tra và đưa ra kết luận (chấp thuận/không chấp thuận) hồ sơ đăng ký của nước xuất khẩu.

+ Tiêu chí để xét duyệt hồ sơ: Một trong nhưng tài liệu của Hồ sơ đăng ký là “thông tin về hệ thống quản lý và năng lực của Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu về kiểm soát an toàn thực phẩm”, không rõ tiêu chí nào để xem xét và chấp thuận về hệ thống quản lý và năng lực của Cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu về kiểm soát an toàn thực phẩm? Trong quy định về thẩm tra hồ sơ đăng ký tại Điều 14, Dự thảo không quy định về việc thẩm tra này dựa trên tiêu chí nào. Việc thiếu rõ ràng trong quy định này sẽ khiến cho quy trình xem xét, xét duyệt hồ trơ trở nên thiếu minh bạch.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.

Chú ý là những bình luận ở mục này chỉ nhìn Dự thảo từ góc độ minh bạch, không làm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới các bình luận ở Mục 1 nói trên về cùng vấn đề này.

-         Quy định về lưu giữ hàng hóa trước khi thông quan

Theo quy định tại Điều 10.2 thì chỉ các lô hàng bị kiểm tra nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt mới phải “được lưu giữ tại cửa khẩu, nơi tập kết hoặc kho bảo quản trong thời gian chờ đợi kết quả phân tích..”

Quy định này không hợp lý ở điểm: việc kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu là nhằm đảm bảo rằng hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo về ATTP sẽ không được đưa vào thị trường; như vậy, dù được kiểm tra theo phương thức nào thì hàng hóa cũng không thể được thông quan (tức là phải lưu giữ lại tại cửa khẩu, nơi tập kết, kho bảo quản) chứ không chỉ là hàng hóa kiểm tra theo phương thức kiểm tra chặt. Việc sơ hở trong kiểm soát hàng trước khi có kết quả kiểm tra cũng là một lý do quan trọng dẫn tới tình trạng kiểm tra thì cứ kiểm tra, còn hàng thì đã được đưa tới chợ, tiêu thụ hết trước khi có kết quả kiểm tra như đã thấy trong thời gian qua.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo:

+ Quy định việc bắt buộc phải lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu, nơi tập kết hoặc kho bảo quản trong thời gian chờ đợi kết quả phân tích cho tất cả các trường hợp và

+ Có biện pháp phối hợp với cơ quan hải quan để đảm bảo rằng các trường hợp này không được phép thông quan trước khi có kết quả kiểm tra (hoặc trước khi hết thời hạn kiểm tra mà cơ quan có thẩm quyền không phát hành được kết quả kiểm tra).

-         Kiểm tra giám sát hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường (Điều 19):

Khoản 3 Điều 19 Dự thảo quy định “Lấy mẫu hàng hóa gửi cơ quan kiểm nghiệm được chỉ định phân tích chỉ tiêu ATTP khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc khi có nghi ngờ về ATTP hoặc khi có yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Quy định này là chưa rõ ràng và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp và tạo dư địa cho tình trạng nhũng nhiễu của các cán bộ có thẩm quyền: Dựa vào đâu để cán bộ có quyền “nghi ngờ về ATTP”? Dựa vào yếu tố nào để cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể “ có yêu cầu”?

Chú ý là hàng hóa nhập khẩu về mặt nguyên tắc đã phải trải qua thủ tục kiểm soát chất lượng bắt buộc ngay ở cửa khẩu nhập khẩu rồi. Việc tiếp tục kiểm tra trong quá trình hàng hóa này lưu thông trên thị trường mà không có căn cứ rõ ràng sẽ rất có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng việc kiểm tra để gây khó cho doanh nghiệp và tạo cơ hội để cơ quan/cán bộ kiểm tra nhũng nhiễu doanh nghiệp (như đã thấy trong Vụ kiểm tra các xe chở sản phẩm mực nhập khẩu ở Hải Phòng trước đây).

Vì thế, việc tiếp tục kiểm tra chất lượng trong quá trình hàng nhập khẩu lưu thông chỉ là hình thức kiểm tra bổ sung và vì vậy cần được thực hiện hạn chế, trên cơ sở những căn cứ rõ ràng, thuyết phục.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục cũng như chi phí về tài chính và thời gian, đề nghị Ban soạn thảo quy định lại theo hướng khi có căn cứ rõ ràng về việc vi phạm nghiêm trọng an toàn thực phẩm thì mới tiến hành lấy mẫu.

-         Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Chương VII):

Nếu tiếp tục giữ quy định về Danh sách nước xuất khẩu, Dự thảo cần bổ sung quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm thông báo cho các nước xuất khẩu biết thông tin về quy định yêu cầu đăng ký để đảm bảo tất cả các nước đều được biết.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan