VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 2300 – 2400 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam (Dự thảo 2)
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay
Kính gửi: Vụ Chính sách Thuế – Bộ Tài chính
Ngày 24/11/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 13375/BTC-CST của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá cao đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành hàng không. Do vậy, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kịp thời cho ngành hàng không trong quá trình phục hồi sau đại dịch.
Hiện, Dự thảo đang đề xuất phương án mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít (giảm 50% so với mức 3.000 đồng/lít tại Nghị quyết 57/2018/UBTVQH14). Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội, việc hỗ trợ cho ngành hàng không cần mạnh mẽ hơn nữa, cụ thể điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay xuống còn 1.000 đồng/lít (áp dụng trong năm 2022). Lý do là ngành hàng không đã trải qua hai năm bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bênh Covid-19, năm sau nặng hơn năm trước. Theo số liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam, doanh thu năm 2021 của các hãng tiếp tục giảm nặng nề so với năm 2020, và có thể sụt giảm đến hơn 65% doanh thu so với năm 2019.[1] Mặt khác, dòng tiền hoạt động của các hãng hàng không bị thiếu hụt nghiêm trọng, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của các hãng lên tới 50.000 tỷ đồng.[2] Trong khi đó, việc phục hồi nền kinh tế và việc đi lại bằng đường hàng không còn nhiều bất định do sự xuất hiện của các biến chủng mới (vừa qua là biến chủng Delta, và mới nhất có thể là Omicron). Khi đó, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ ở mức cao sẽ là “liều thuốc” giúp doanh nghiệp và ngành hàng không tiếp tục gắng gượng và tạo đà để hồi phục. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc đề xuất mức giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay còn 1.000 đồng/lít (áp dụng cho năm 2022).
Trên đây là ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] Doanh thu năm 2020 giảm 60% so với năm 2019, và năm 2021 dự kiến giảm 16 – 42% so với năm 2020.
[2] Tờ trình Dự thảo, trang 4