Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

Thứ Ba 16:52 01-07-2014

QUỐC HỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Luật số:      /201  /QH13

Hà Nội, ngày      tháng       năm 2014

Dự thảo 5
(6/01/2014)

LUẬT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề


Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề

1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 4. Mục tiêu dạy nghề

Mục tiêu dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; có sức khỏe nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm, thăng tiến trong nghề nghiệp hoặc học lên trình độ cao hơn."

2. Bổ sung Điều 4a như sau:

“Điều 4a. Phát triển dạy nghề

Phát triển hệ thống dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, liên thông giữa các trình độ dạy nghề và với các trình độ đào tạo khác; góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ cấu nhân lực của thị trường lao động trong nước và tham gia thị trường lao động quốc tế.”

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Các trình độ, hình thức dạy nghề và cơ sở dạy nghề

1. Dạy nghề có ba trình độ đào tạo là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. 

2. Dạy nghề được thực hiện theo hai hình thức là dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên.

3. Cơ sở dạy nghề gồm: Trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề.

4. Cơ sở dạy nghề được tổ chức theo các loại hình sau:

a) Cơ sở dạy nghề công lập thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

b) Cơ sở dạy nghề tư thục thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

c) Cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài thành lập theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài do tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất.”

4. Bổ sung Điều 6a như sau:

“Điều 6a. Tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề 

1. Chương trình dạy nghề được thực hiện theo niên chế hoặc tích lũy mô đun, môn học.

2. Người học tích lũy đủ số mô đun, môn học quy định trong chương trình đào tạo thì được công nhận hoàn thành chương trình; những mô đun, môn học đã tích lũy được bảo lưu để học chương trình khác.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề theo niên chế và tích lũy mô đun, môn học.”

5. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Chính sách của Nhà nước về phát triển dạy nghề

1. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề. Đầu tư dạy nghề được ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhân lực. Ngân sách cho dạy nghề được ưu tiên trong tổng chi ngân sách dành cho giáo dục, đào tạo; được phân bổ theo nguyên tắc công khai, minh bạch, kịp thời.

2. Đầu tư nâng cao chất lượng, mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, tiếp nhận học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học nghề; đáp ứng yêu cầu học nghề của người lao động và phổ cập nghề cho thanh niên.

3. Ưu tiên đầu tư tập trung đồng bộ cho các nghề trọng điểm quốc gia, các nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế và xây dựng một số trường nghề chất lượng cao; chú trọng phát triển dạy nghề ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; đầu tư đào tạo các nghề thị trường lao động có nhu cầu, nhưng khó thực hiện xã hội hoá.

4. Hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách người có công, quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, lao động nông thôn, người trực tiếp lao động trong các hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng chính sách xã hội khác nhằm tạo cơ hội cho họ được học nghề để tìm việc làm, tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp. Nhà nước có chính sách phân luồng để thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học nghề; thực hiện bình đẳng giới trong dạy nghề.

5. Nhà nước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng dạy nghề theo nhu cầu sử dụng lao động đối với cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu, có cam kết bố trí việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp và chỉ thực hiện cho những nghề đặc thù, nghề thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hoá do Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác định.”


Tài liệu đính kèm:
Du thao Luat sua doi bo sung Luat day nghe.DOC
BC cua CP tiep thu tham tra.DOC
BC cua VPCP.DOC
BC danh gia 5 nam luat day nghe.DOC
BC danh gia tac dong.DOC
BC the che NQ TW8.DOC
BLD giai trinh tham dinh.DOC
danh gia tac dong TTHC.DOC
Danh muc VB huong dan.DOC
So sanh noi dung sua doi.DOC
Thuyet minh chi tiet.DOC
To trinh du thao Luat day nghe.DOC
tong hop giai trinh yk Bo nganh.DOC
Tong quan Luat day nghe mot so nuoc.DOC
Van de long ghep gioi.DOC
PL1 danh muc VB huong dan Luat day nghe.XLS

Các văn bản liên quan