Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của TSLS NGUYỄN ĐĂNG LIÊM – Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT Gia Định – Hội thảo VCCI tại Tp. HCM ngày 11/4/2014

Thứ Sáu 11:24 11-04-2014

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO “LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT”

·  TSLS NGUYỄN ĐĂNG LIÊM

Hiệu trưởng Trường Đại học CNTT Gia Định

Thống nhất với sự phân tích, đánh giá của Bộ Tài chính trong Tờ trình gửi Chính phủ về các thành quả đạt được và một số hạn chế qua quá trình thực hiện Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) do Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XII thông qua ngày 14/11/2008, có hiệu lực thi hành từ 1/4/2009 thay thế Luật Thuế TTĐB năm 2003 và 2005. Cũng đồng tình với các lý do cần thiết mà Bộ Tài chính đã nêu ra để đề nghị Chính phủ và Quốc hội về việc tiến hành bổ sung, sửa đổi Luật thuế TTĐB trong tình hình mới hội nhập quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế với các nước, đảm bảo nguồn thu ngân sách và phục vụ lợi ích của đông đảo người tiêu thụ và các DN trong hoạt động SXKD các mặt hàng, dịch vụ có quy định chịu thuế TTĐB.

I. NHỮNG ĐIỂM NHẤT TRÍ VỚI ĐỀ XUẤT CỦA BỘ TÀI CHÍNH TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI:

1. Đồng tình với các đối tượng mới chịu điều chỉnh thuế TTĐB, một số điểm bổ sung sửa đổi về các đối tượng chịu thuế TTĐB hiện có và cả các đối tượng không phải chịu thuế TTĐB vì mục đích sử dụng, khai thác như:

- Các mặt hàng: xăng các loại (Đ1, K1, điểm g); nước ngọt có ga không cồn (Đ1, K1, điểm l).

- Dịch vụ “kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả có thưởng thông qua nhắn tin” (Đ1, K2, điểm f)

2. Về đối tượng không chịu thuế TTĐB: là “Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích an ninh quốc phòng không bị điều chỉnh bởi thuế TTĐB” là phù hợp và thực tế.

3. Về giá tính thuế (ở điều 6): Theo tôi, theo dự thảo bổ sung là phù hợp và thực tế để phòng tránh tình trạng thuế chồng lên thuế hoặc thu thuế phần doanh thu mà thực tế DN, doanh nhân không được hưởng. Cụ thể như:

- Giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng. Như:

- Đối với kinh doanh gôn: giá tính thuế căn cứ vào giá bán thẻ hội viên, giá bán vé chơi gôn bao gồm cả tiền phí chơi gôn và tiền ký quỹ, nếu có (Đ6, K5 điểm a DT)

- Đối với kinh doanh casino: trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là doanh thu từ hoạt động này, trừ số tiền đã trả thưởng cho khách (Đ6, K5 điểm b DT)

- Đối với kinh doanh vũ trường, mát xa, karaoke: căn cứ tính thuế là doanh thu của các hoạt động kinh doanh ở vũ trường, cơ sở kinh doanh mát xa, karaoke (Đ6, K5 điểm c DT)

- Đối với kinh doanh đặt cược thông qua nhắn tin: căn cứ tính thuế là doanh thu từ hoạt động này từ phí tin nhắn phải trả cho cơ sở kinh doanh mạng viễn thông (Đ6, K5 điểm d DT).

II. VỀ THUẾ SUẤT (theo điều 7 DT):

Ngoài việc thống nhất cơ bản với biểu thuế suất TTĐB, đặc biệt rất ủng hộ thuế suất điều chỉnh từ 65% lên 75% và 85% theo lộ trình từ năm 2015 đến 2018, đối với mặt hàng “thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá” vì tác hại của các mặt hàng này đến sức khỏe người dân và xã hội rất rõ rệt, đồng thời đã có kinh nghiệm phổ biến từ nhiều nước trên thế giới.

Người viết cũng ủng hộ các mức thuế suất TTĐB đối với “nước ngọt có ga không cồn (10%), “kinh doanh trò chơi bình chọn, dự báo kết quả, trò chơi có thưởng thông qua nhắn tin (30%) theo dự thảo sửa đổi. Nhưng người viết có băn khoăn về các thuế suất điều chỉnh đối với mặt hàng rượu, mặc dù những lý do mà các chuyên gia soạn thảo đưa ra là nhằm hạn ché bớt nạn rượu chè và phòng ngừa, làm giảm bớt các sự cố xã hội do say xỉn. Song thực tế VN là nước đứng thứ 3 của khu vực châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản) và thứ 28 trên thế giới về số lượng tiêu thụ rượu bia, cũng có nghĩa số đông người VN tiêu thụ rượu bia để vui vẻ bạn bè, đám cưới, ngày giỗ, lễ lạc cũng xuất phát từ thực tiễn thỏa mãn nhu cầu của đông người dân, hộ gia đình và cũng để ủng hộ các DN kinh doanh sản xuất bia rượu. Vì vậy mà người viết kiến nghị giữ nguyên thuế suất hiện nay đối với mặt hàng rượu bia (50% đối với rượu từ 20 độ trở lên, 25% đối với rượu nhẹ dưới 20 độ và 50% đối với bia).

III. VỀ CHỌN PHƯƠNG ÁN THU THUẾ TTĐB:

Thống nhất với đề xuất của Ban Soạn thảo của Bộ Tài Chính chọn phương án 1, thu theo tỉ lệ %, để phòng ngừa đồng bạc mất giá, lạm phát khỏi phải điều chỉnh về sau, trong quá trình thu thuế, dễ gây dư luận không hay trong xã hội, người dân và cả đối với DN./.

Các văn bản liên quan