Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của LS. Châu Huy Quang – Rajah & Tann LCT Lawyers – Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Ba 13:56 18-03-2014

Ý KIẾN THAM VẤN CỦA RAJAH & TANN LCT LAWYERS

VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ SỬA ĐỔI

Qua việc nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư hiện nay, Rajah & Tann LCT Lawyers xin có ý kiến cơ bản liên quan đến Dự thảo ngày nhập 02/03/2014 Luật Đầu tư sửa đổi

Nội dung

Dự thảo

Ý kiến

Khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài”

(Điều 2)

3. Nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Cá nhân nước ngoài;

b) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài;

c) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên.

d) Tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

4. Nhà đầu tư trong nước là nhà đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.

(1)   Đồng ý việc lấy tỷ lệ sở hữu vốn “từ 50% vốn điều lệ trở lên” làm cơ sở xác định, do việc vượt quá hay giảm dưới tỷ lệ này sẽ ảnh hưởng đến quyền kiểm soát công ty.

(2)   Tuy nhiên cần xem xét thêm các đối tượng được coi là nhà đầu tư nước ngoài trong sự tương thích với các luật cơ bản khác, như luật dân sự, luật quốc tịch… Liên quan đến định nghĩa này, chúng tôi có một số ý kiến cụ thể như sau:

(i)                      Cần làm rõ thế nào là cá nhận nước ngoài? Cá nhân có hai quốc tịch trở lên trong đó có quốc tịch Việt Nam thì có coi là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài?

Chúng tôi đề xuất làm rõ là: cá nhân không mang quốc tịch Việt Nam.

(ii)                    Nên quy định chung khoản c và d thanh chung vào một nhóm đối tượng

Thủ tục đầu tư

(Chương VI)

(1)   Chúng tôi cho rằng nên bỏ các quy định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư trong nước đăng ký hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành liên quan.

(2)   Đối với dự án nhà đầu tư nước ngoài, cần thiết thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư và không cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Chúng tôi cho rằng đây không phải là sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, mà là rào cản kỹ thuật cần thiết để tiếp nhận các nhà đầu tư.

(3)   Chúng tôi cho rằng không nên thu hẹp diện dự án cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo hướng chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu choc ho dự án đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, dự án thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án đề nghị hưởng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Bởi lẽ, việc thu hẹp diện dự án cấp Giấy chứng nhận đầu tư có thể làm khó khăn thêm cho hoạt động quản lý doanh nghiệp do tồn tại song song của dự án có giấy chứng nhận đầu tư và dự án không có giấy chứng nhận đầu tư.

Thay vì điều đó, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư nên áp dụng chung đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, đối với dự án thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà vốn của nhà đầu tư nước ngoài chiếm từ 50% vốn điều lệ trở lên thì cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư chung. Và ngược lại, đối với dự án thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài dưới 50% vốn điều lệ thì thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước.

(4)   Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư cần đơn giản hóa và các nội dung cần thiết đối với Giấy chứng nhận đầu tư cũng nên được đơn giản hóa. Hiện nay, đa phần các dự án đầu tư nước ngoài đều cần phải xin ý kiến của nhiều Bộ, trong khi nhiều lĩnh vực đầu tư việc thẩm tra là không cần thiết.  Cần có điều chỉnh để tinh giảm thủ tục thẩm tra, rút ngắn thời gian cấp phép/điều chỉnh đối với những dự án thông thường. Chúng tôi cho rằng thay vì quản lý chặt ở khâu cấp Giấy chứng nhận đầu tư ban đầu, các hoạt động quản lý sau cấp phép cần được quy định và thi hành chặt chẽ.

Thời hạn hoạt động

(Điều 49)

Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư

1. Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 70 năm đối với dự án trong khu kinh tế, không quá năm mươi năm đối với dự án bên ngoài khu kinh tế; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn nhưng không quá bảy mươi năm.

2. Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được tính từ thời điểm nhà nước bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Quy định này là không cần thiết và không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn vì vậy nên được bãi bỏ. Không cần có quy định giới hạn về thời gian hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Vấn đề này cũng đang gây ra nhiều phiền phức cho nhà đầu tư khi việc xác định thời hạn hoạt động dự án của các cơ quan quản lý đầu tư hiện cảm tính và không thống nhất.  VD. Cùng dự án phân phối, nhưng có nơi cho 5 năm, có nơi 7 năm có nơi 20 năm…   

Ngoài ra cũng nên có quy định tách biệt thời hạn hoạt động của công ty và thời hạn thưc hiện dự án.  Thời hạn hoạt động của công ty sẽ là vô hạn tương thích với quy định của Luật Doanh nghiệp. Quy định này được áp dụng cho các các doanh nghiệp thành lập trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư mới để không tạo sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Thời hạn góp vốn đầu tư

Cần bổ sung quy định rõ về thời hạn góp vốn đối với vốn đầu tư. Tiến độ góp vốn cần được cam kết trên cơ sở luận chứng kinh tế kỹ thuật đối với dự án.

Điều khoản chuyển tiếp

(Điều 75)

1. Dự án đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp.

2. Trường hợp doanh nghiệp, nhà đầu tư có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đổi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại Luật này cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Khoản này.

Chúng tôi đề xuất việc cho phép áp dụng các quy định của Luật mới nếu có lợi cho các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày Luật mới có hiệu lực.

Các văn bản liên quan