VPLS Trần Sơn góp ý Dự thảo Luật Phá sản

Thứ Hai 10:23 07-10-2013

Tran Son & Associates

     L a w y e r s  &  L e g a l C o n s u l t a n t s     

Address:Unit 202, House C1C, No. 36 Lang Ha Street                                                      Tel:  84-4-37764068

Dong da District, Ha noi – S.R Viet Nam                                                               Fax: 84-4-37764104

                                              Email:vplstranson@vnn.vn

                                                                                           Website: http://  www.transonlawyer.com

                                                                           

 Hà Nội, ngày 07  tháng 9 năm 2013

Kính gửi: BAN PHÁP CHẾ

      PHÒNG THƯƠNG MẠI & CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM.

V/v:     GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT PHÁ SẢN (SỬA ĐỔI)

VPLS Trần Sơn và Cộng sự đã nhận được Thư lấy ý kiến của doanh nghiệp đối với Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và cũng đang rất quan tâm tới vấn đề này. Sau khi tham khảo toàn văn Dự thảo Luật này, chúng tôi xin có một số ý kiến như sau:

Luật Phá sản 2004 ra đời thay thế Luật phá sản doanh nghiệp năm 1993 đã góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý trong cơ chế phá sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật này nhanh chóng bộc lộ những thiếu sót và bất cập khi đi vào thực tế do những nguyên nhân như: Thủ tục quá rườm rà, phức tạp; một số quy định còn chưa hợp lý và phù hợp với thực tế; các văn bản hướng dẫn vừa thiếu vừa không rõ ràng... Do đó, việc sớm sửa đổi Luật này là một hoạt động vô cùng quan trọng và cần thiết. Với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi), các hạn chế, thiếu sót, bất cập của Luật Phá sản đã gần như được quan tâm hoàn thiện. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, một số điểm sau đây có lẽ cần được xem xét:

1.            Trước tiên, Luật Phá sản cần mở rộng hơn nữa đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, Điều 2 Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi). Cụ thể là những đối tượng này không chỉ bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã mà là mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh và có đăng ký kinh doanh không phân biệt loại hình tổ chức, quy mô kinh doanh và ngành nghề kinh doanh. Bởi lẽ, tất cả các chủ thể kinh doanh cần được bình đẳng và bảo đảm bình đẳng trước pháp luật, trong việc sử dụng các cơ chế do pháp luật quy định, trong đó có cơ chế phá sản. Đồng thời, cũng bảo đảm cho các chủ nợ một cơ chế đòi nợ phù hợp và tránh tình trạng tự do xiết nợ, đòi nợ trái pháp luật và không có trật tự.

2.            Quản tài viên: Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) có giải thích về Quản tài viên tại khoản 6 Điều 9 và quy định chi tiết về điều kiện được chỉ định làm quản tài viên, quyền và nghĩa vụ của quản tài viên, thay thế, bãi miễn quản tài viên tại các điều 12, 13, 15.

Dự thảo quy định đối tượng tham gia quản lý tài sản của doanh nghiệp chỉ là Quản tài viên, giúp việc cho Quản tài viên là Thư ký, nhưng lại không quy định số lượng là bao nhiêu? Vậy, liệu quy định của Dự thảo  về đối tượng làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản có quá mỏng không  khi mà chỉ có Luật sư (làm Quản tài viên) và thư ký giúp việc phải thực hiện hàng loạt công việc liên quan?

3.            Chấp hành viên:

   Dự thảo chưa có các quy định cụ thể về Chấp hành viên như với Quản tài viên, mà chỉ có một điều duy nhất (Điều 16) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án. Vậy, Chấp hành viên là ai? Số lượng Chấp hành viên tham gia thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án đối với mỗi vụ việc là bao nhiêu?....thì Dự thảo Luật chưa quy định. Theo quy định tại Điều 9 Luật Phá sản 2004 thì chúng tôi hiểu Chấp hành viên ở đây là người của cơ quant hi hành án cùng cấp.  Nhưng đối với Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) không có cụm từ này nên rõ ràng là sẽ gây ra sự khó hiểu cho những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu và tham gia vào cơ chế phá sản.  

Do đó, Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) cần xem xét bổ sung các quy định này đề việc thực thi trên thực tế không bị vướng mắc.

-     Theo quy định tại Luật Phá sản 2004 (Điều 9) thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản bao gồm:

§  Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp làm Tổ trưởng;

§  Một cán bộ của Tòa án;

§  Một đại diện chủ nợ;

§  Đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị mở thủ tục phá sản;

§  Trường hợp cần thiết có đại diện công đoàn, đại diện người lao động, đại diện các cơ quan chuyên môn tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản thì Thẩm phán xem xét, quyết định.

4.      Về khoản 2 Điều 131 Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) về việc “Cấm đảm nhiệm chức vụ sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản” (sửa đổi, bổ sung) có phần quá nghiêm khắc đối với chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp…bị tuyên bố phá sản. Theo đó, những đối tượng này không được quyền thành lập doanh nghiệp, không được làm người quản lý doanh nghiệp trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.

§  Thứ nhất, những đối tượng này bao gồm cả thành viên hợp danh của công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên là quá rộng, không cần thiết phải có chế tài tước bỏ quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp của họ sau khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản;

§  Thứ hai, thời hạn cấm 3 năm là quá lâu. Mô hình chung, Luật phá sản coi những đối tượng này như là “tội phạm” kinh tế. Trong khi, phá sản cần được coi là một hiện tượng kinh tế khách quan, một hiện tượng bình thường và cần thiết của nền kinh tế thị trường mà hậu quả của nó là sự xung đột lợi ích của các bên tham gia quan hệ kinh doanh. Có lẽ, với lý do này những đối tượng trên sẽ không bao giờ lựa chọn cách phá sản theo Luật phá sản mặc dù doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.

5. Ngoài ra, Luật Phá sản cần bổ sung quy định về việc áp dụng “thủ tục phá sản rút gọn” trong một số trường hợp nhất định. Thủ tục này có Thể nói là rất quan trọng và phù hợp với việc phá sản có giá trị nhỏ theo sự lựa chọn của chủ doanh nghiệp. So với thủ tục phá sản của các nước trên thế giới thì thủ tục phá sản ở Việt Nam còn rườm rà, phức tạp và gây tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ lâm vào tình trạng phá sản. Theo thủ tục phá sản rút gọn, sau khi thụ lý vụ án, thẩm phán có thể ra lệnh tịch biên tài sản của con nợ và tiến hành thanh lý để trả cho các chủ nợ mà không cần phải qua bước cơ cấu lại doanh nghiệp hoặc phục hồi lại hoạt động kinh doanh.

Trên đây là một vài ý kiến của chúng tôi về Dự thảo Luật Phá Sản (sửa đổi).

                                                                        T/M VPLS Trần Sơn và Cộng sự

                                                                        Trần Văn Sơn/Giáp Thị Mai

Các văn bản liên quan