Góp ý của Ông Nguyễn Quốc Tuấn đối với Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ Ba 14:29 20-08-2013

Nhận xét chung:

Ở  nước ta luật do chính các cơ quan quản lý ngành đó soạn thảo nên không tránh khỏi tình trạng bảo vệ quyền lợi cục bộ ngành mình mà bỏ qua quyền lợi của các đối tượng bị quản lý, cố gắng tăng thêm phạm vi quản lý cho ngành mình nên chồng chéo lên các ngành khác.  Luật BVMT cũng không phải là ngoại lệ.

Bản dự thảo này còn dài dòng, nhiều nội dung trùng lặp, ôm đồm. Nhiều điều chỉ nêu lên chung chung mà không xác định chủ thể ai phải làm điều này, ai bị điều chỉnh bởi điều này.

Nhiều điều viết lên chung chung, không lượng hóa mặc dù những vấn đề đó có thể quy định ngay trong luật chứ không phải chờ đến thông tư hướng dẫn.

Nhiều điều chỉ đưa ra mà chưa hình dung được nó phải làm như thế nào, làm được đến đâu, làm ra có đúng không, tốn kém đến mức độ nào … thí dụ vể tính toán khả năng chịu tải của dòng sông.

Một số điều giao trách nhiệm không đúng, thí dụ giao cho Chính phủ quy định những tiêu chí mang nặng kỹ thuật và sự vụ như trong điều 44, mục 5, điều 47, mục 5.

Tư duy quản lý nhà nước bao cấp vẫn còn mang nặng dấu ấn trong dự thảo, thí dụ về cấp giấy phép phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra cấp giấy chứng nhận (thực chất là giấy phép con) cho các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường, cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, công tác tổ chức quan trắc môi trường…

Cụ thể như sau:

1.    Phạm vi điều chỉnh của luật: Luật BVMT phải khẳng định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật là bảo vệ môi trường tự nhiên để giới hạn các hoạt động của Luật không bao trùm lên các ngành khác, các lĩnh vực khác vì môi trường thì rất rộng bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, môi trường lao động và môi trường xung quanh.  

2.    Định nghĩa về môi trường, điều 3, mục 1 nên bỏ cụm từ “vật chất nhân tạo” vì vật chất nhân tạo là sản phẩm chứ không phải là các thành phần tố môi trường. Cần tham khảo định nghĩa về môi trường tự nhiên của thế giới và các sách báo, tiêu chuẩn của ISO

3.    Mục 21, điều 3: dùng từ thích ứng sẽ bị người đọc hiểu sai toàn bộ điều này nên cần nói rõ thích nghi và ứng phó theo như ý đồ của người viết.

4.    Điều 7: các mục 1,2, 3, 10, 12 đã thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác.

5.    Điều 11: “Sản xuất, kinh doanh sản phẩm gây nguy hại cho con người, sinh vật và hệ sinh thái” Cụm từ này không rõ ràng khó thi hành vì bất cứ ngành sản xuất nào cùng tiềm ẩn yếu tố này nhưng chỉ thực sự gây tác hại khi vượt quy chuẩn.

6.    Chương “Đánh giá tác động môi trường”: Đã đến lúc phải thay đổi cách tiếp cận với nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường, không nên biến nó từ một ngành khoa học về môi trường thành một giấy phép hành chính nặng nề,  gây tốn kém về tiền bạc và thời gian cho doanh nghiệp. Một giấy phép đánh giá tác động môi trường hiện nay nếu thẩm định ở Bộ phải mất không dưới một năm và hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng tùy theo quy mô dự án. Có những dự án rất nhỏ như dự án đầu tư xử lý chất thải nguy hại (thuộc danh mục ưu tiên của Luật này)  chỉ vài trăm triệu đồng để xử lý tại chỗ các chất thải sinh ra trong nội bộ nhà máy hoặc vài chục tỷ đồng của các nhà đầu tư khu xử lý chất thải tập trung nhưng cũng phải thẩm định ở Bộ nên chủ đầu tư ngại khâu đánh giá tác động môi trường nên đã từ bỏ đầu tư.  Nhưng cái mất mát lớn nhất của nó là tách doanh nghiệp ra khỏi hoạt động bảo vệ môi trường. Do những hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường quá hàn lâm, quá phức tạp nên doanh nghiệp không thể hiểu được các nội dung đó nên khoán trắng cho tư vấn làm sao có được. Chỉ sau khi có giấy phép nhà tư vấn mới được trả tiền. Câu chuyện còn lại là giữa nhà tư vấn và cơ quan quản lý.  Kết quả là các nhà tư vấn cố “gọt chân cho vừa dày” để có được giấy phép,“báo cáo đạt yêu cầu”. Còn báo cáo thì dày cộp gây lãng phí tài nguyên, mang nặng hình thức, chủ yếu là copy-paste.

Khi đi vào hoạt động sản xuất bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ luật pháp, nồng độ các chất phát thải nằm dưới quy chuẩn và cơ quan quản lý tổ chức hậu kiểm thật chặt chẽ thì đâu cần hạng mục đánh giá tác động môi trường của dự án khi nó chưa có ra đời.

7.    Nếu vấn đề “đánh giá tác động” không được loại bỏ trong luật này thì mục điều 17, mục 3 “Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc cấp và thu hồi chứng chỉ hành nghề cho tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường” là thêm giấy phép con, xẩy ra cơ chế xin-cho. Trong toàn bộ chương II đã quy định rõ  chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước về dự án của mình thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về việc thuê tư vấn. Nếu họ thuê tư vấn không đủ năng lực thì hậu quả thấy rõ là họ không có giấy phép phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan Nhà nước. Nhà nước đâu có phải lo dùm doanh nghiệp những chuyện này.

8.    Chương III, điều 27: chính bộ Luật này đã nói “Trách nhiệm điều tra, đánh giá và lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên và đa dạng sinh học” (mục 3) vậy thì có cần đưa ra điều 1 và 2 nữa không?

9.    Điều 31, mục 2, 3 không có đối tượng điều chỉnh, mang tính chất chung chung, hô hào… nên bỏ. Tương tự với mục 1, điều 36

10. Chương IV cần phải cấu trúc lại. Ở đây đã có sự lầm lẫn giữa thành phần môi trường (đất, nước, không khí) với khu vực địa lý (hải đảo, nước sông, hồ chứa, kênh rạch….). Hải đảo, lưu vực sông…. cũng có nước, không khí, đất. Cho nên chỉ cần quy định về ba thành phần chính của môi trường là không khí, nước và đất.

11. Điều 36, mục 2: chung chung, vô thưởng vô phạt, nội dung trùng lặp với mục 2.

12. Điều 36, mục 3 “Chất lượng nước, trầm tích, khả năng chịu tải của các lưu vực sông phải được theo dõi và đánh giá” giao cho ai theo dõi đánh giá phải ghi rõ luôn trong luật.

13.Điều 37, mục 1, 2, 3, 4, 5 : tương tự, ai theo dõi, ai xem xét, ai đánh giá, ai làm cần ghi rõ luôn trong luật.

14. Điều 37, mục 6: Bất cứ dự án nào thải ra nước thải, cuối cùng thì nước thải cũng phải chảy ra sông. Nếu quy định như thế này thì dự án nào cũng phải  xin ý kiến

15.Điều 44, các mục 1,3: không xác định chủ thể điều chỉnh, mục 4: quá chung chung, mục 5: Không nên để Chính phủ ra những quy định kỹ thuật cụ thể như thế này mà chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ( hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường)

16.Điều 46, mục 1: không có chủ thể bị điều chỉnh, nội dung cụ thể đã có trong mục 2

17. Điều 46, mục 2: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí có tác động xấu đến môi trường (bỏ) có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý đảm bảo chất lượng môi trường không khí (bỏ) dưới giới hạn cho phép

18.Điều 47, các mục 1,2,4: không xác định chủ thể điều chỉnh.

19.Điều 47, mục 5: Không nên để Chính phủ ra những quy định kỹ thuật cụ thể như thế này mà chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường ( hoặc cơ quan quản lý nhà nước về môi trường)

20.Điều 48, mục 2: Không có chủ thể bị điều chỉnh. Nội dung của điều này đã quy định trong điều 49. Vì vậy nên bỏ điều này.

21.Điều 50: Bỏ toàn bộ điều này vì  đây thực chất là loại giấy phép con. Tổ chức/cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Các loại giấy phép hành nghề này cũng đã được quy định rải rác trong dự thảo.

22.Điều 51, mục 2 “Khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ gây tác hại đối với môi trường phải có khoảng cách đảm bảo an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên” cần phải được lượng hóa trong luật.

23. Điều 52, mục 2: Cần phải được lượng hóa trong luật. Bất cứ hoạt động nào ở đâu mà vi phạm các điều khoản ghi trong mục này cũng phải ngừng hoạt động chứ không chỉ trong khu dân cư.

24.Điều 53, mục 1: bỏ định nghĩa làng nghề, nếu cần đưa vào phần định nghĩa.

25.Chương V. Cần phải được cấu trúc lại ngắn gọn bao quát được toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không nêu cụ thể như thế này vừa thiếu lại vừa thừa, các nội dung trùng lặp. Các hoạt động của các loại hình sản xuất  này cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật như bất cứ một hoạt động của một tổ chức/cá nhân khác.

26.Điều 70, mục 4: Không thể giao cho Chính phủ nhưng công việc có tính chất vi mô và thuần túy kỹ thuật như vậy được.

27. Bỏ điều 72 và 73 vì quy định như vậy chưa bao quát được toàn bộ xã hội mà chuyển thành 01 điều : “Trách nhiệm của các tổ chức/cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải” tương ứng với “Trách nhiệm của UBND các cấp”

28.Điều 74, mục 1,2: chưa xác định chủ thể

29.Chương 2, điều 13, mục 2 “Chính phủ quy định chi tiết danh mục các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường dựa trên các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này. Nhưng trong điều 78, mục 3 lại quy định “Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt” là “cầm đèn chạy trước ô tô”

30.Điều 82, mục 1: các chủ thể quy định trong mục này cũng là tổ chức/cá nhân như trong mục 2 cho nên bỏ mục này

31.Chương 5, mục 4,5 nên lồng ghép vào các điều Bảo vệ môi trường nước, bảo vệ môi trường không khí của chương III.

32.Điều 91, mục 1, điểm d: cần tham chiếu với bộ luật dân sự về việc xử phạt hình sự với một tổ chức

33.Điều 91, mục 2, điểm c: cần tham chiếu với luật đầu tư và các luật khác khi cấm một tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

34.Điều 93, mục 1: nên chuyển sang điều 92

35.Điều 93, mục 2: phương án khắc phục ô nhiễm và cái thiện môi trường đã có trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được phê duyệt nay lại phải làm báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là làm hai lần cùng một vấn đề. Chỉ để điều này khi bỏ nội dung đánh giá tác động môi trường.

36.Điều 93, mục 2: “Các phương án bao gồm a, b, c, d trùng lặp với mục 1, điều 93 nên bỏ

37.Điều 110, mục 4: “Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quan trắc môi trường xung quanh” cần sửa lại  “Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường tổ chức  thực hiện quan trắc môi trường xung quanh” để phù hợp với điều 115, mục 1.

38.Điều 114: quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, tỉnh lập quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh sẽ dẫn dẫn đến các điểm quan trắc trùng lặp gây lãng phí kinh phí và nhân lực. Thực tế 20 năm qua đã xẩy ra tình trạng này. Cần phải thống nhất về một mối là Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch, tỉnh thực hiện.

39.Điều 157-Xử lý vi phạm mới đề cập đến người (có nghĩa là cá nhân) mà chưa đề cập đến tổ chức vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường nên cần phải sửa lại là “tổ chức/cá nhân….”

Các văn bản liên quan