Đóng góp ý kiến của ông Nguyễn Thâm luật hải quan sửa đổi ngày 16.04.2013

Thứ Tư 16:39 24-04-2013

Góp ý Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)

(Hà Nội, ngày 16/04/2013)

Nguyễn Thâm

Công ty TNHH Tân Tiên Phong

1)     Nội dung 1 : Tổ chức hải quan – Trách nhiệm và quyền hạn

Suy cho cùng Luật Hải quan Việt Nam chỉ điều chỉnh 2 đối tượng chính :

-        Một là cán bộ, công chức, nhân viên hải quan và

-        Hai là người khai hải quan.

Tất nhiên nó còn liên quan đến một số ngành khác của cơ quan Nhà nước để phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước về hải quan (Điều 74 : Trách nhiệm phối hợp của người đứng đầu cảng vụ sân bay, cảng biển, ga đường sắt liên vận quốc tế với cơ quan hải quan).

Tôi xin được góp ý dự thảo quy định về đối tượng chính thứ nhất: Tổ chức hải quan, cán bộ, công chức, viên chức hải quan.

Những Điều sau đây nói về quyền và trách nhiệm của tổ chức hải quan, công chức, viên chức hải quan:

-        Điều 12 đến Điều 14 thuộc Chương II – Nhiệm vụ, tổ chức hải quan.

-        Điều 23 : Thời hạn cơ quan hải quan làm thủ tục hải quan.

-        Điều 30 : Căn cứ, thẩm quyền quyết định kiểm tra hải quan. (Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ hải quan)

-        Điều 34 : Trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan.

-        Điều 35 : Giải phóng hàng.

-        Điều 39 : Quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan (Về chế độ ưu tiên miễn kiểm).

-        Điều 43 : Trách nhiệm cơ quan hải quan (về việc giám sát hải quan).

-        Điều 61 : Quyền và trách nhiệm của cơ quan  hải quan (Về hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu)

-        Điều 82 : Quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan tại trụ sở hải quan, chủ hàng.

-        Điều 87 : Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tổ chức thu thuế và các khoản thu khác.

-        Điều 91 đến Điều 94 : Phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng quan biên giới.

-        Điều 97 đến Điều 103 thuộc Chương VI :  Thông tin hải quan và thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu..

Mặc dù tại khoản e và f mục 1) Điều 83 : Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan có nêu :

e) Khiếu nại, khởi kiện, và yêu cầu cơ quan hải quan bồi hường thiệt hại do quá trình 

    kiểm tra không đúng pháp luật.

f) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của công chức hải quan.

Nhưng ở các Điều quy định về tổ chức, công chức, viên chức như đã nêu trên chưa quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức hải quan, công chức, viên chức hải quan. Vì vậy tôi muốn nêu quy định về tổ chức hải quan, công chức, viên chức hải quan trước.

Trước hết xin kiến nghị sửa đổi đề mục của Chương II trong dự thảo là : ‘Nhiệm vụ, Tổ chức Hải quan’  thành Chương II : ‘Tổ chức hải quan – Trách nhiệm và quyền hạn’. Lý do :

a)     Tổ chức hải quan phải được nêu lên trước và cần nêu cụ thể hơn về bộ máy tổ chức hải quan tại Điều 14.

b)     Trách nhiệm và quyền hạn : Cần nói rõ trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức hải quan các cấp. Nên trích đoạn đầu của điểm 2. Điều 14 vào chỗ này (2.Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của hải quan các cấp) .

c)     Trách nhiệm và quyền hạn chủ yếu quy định cho cán bô, công chức, viên chức hải quan. Nên dùng chữ ‘trách nhiệm’ thay cho chữ ‘nhiệm vụ’ vì chữ trách nhiệm cao hơn  và cụ thể hơn chữ ‘nhiệm vụ’.  Khi nói về nhiệm vụ thì đó là những việc chủ yếu mà cấp trên giao, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì có chăng chỉ là kỷ luật hành chính, cao hơn là giáng cấp, thuyên chuyển công tác... không hoàn thành nhiệm vụ sẽ không được các danh hiệu thi đua khen thưởng như không đạt ‘ lao động tiên tiến’, ‘chiến sĩ thi đua’ , ‘danh hiệu đảng viên 4 tốt’, nay là ‘đảng viên không hoàn thành nhiệm vu’.... Không hoàn thành nhiệm vụ có thể “xin lỗi” và hứa “khắc phục”. Còn trách nhiệm thì có tính pháp lý cụ thể . Trách nhiệm là hành vi pháp lý. Nếu không làm đúng trách nhiệm, làm hết trách nhiệm, không có năng lực thực hiện trách nhiệm đó... sẽ xảy ra những hậu quả xấu và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả đó do mình gây nên, kể cả trách nhiệm kinh tế và trách nhiệm hình sự.

d)     Trách nhiệm thể hiện hành vi thực hiện nhiệm vụ của mình, nhất là người đứng đầu. Khi ra quyết định thông quan, quyết định xử phạt hành chính, cầm giữ hàng hóa... Các hành vi này, nếu không đúng, đều có thể dẫn đến thất thu cho nhà nước, gây thiệt hại cho người khai hải quan, làm cản trở sản xuất ....  Vậy người ra quyết định phải có trách nhiệm gì đối với hành vi đó của mình ?

e)     Điều 10 - Luật Cán bộ, Công chức (Luật số 22/2008/QH12) cũng quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu. Điều 18 – Luật Viên chức (Luật số 58/2012/QH2) cũng quy định nghĩa vụ của viên chức quản lý (người đứng đầu). Rất tiếc các Luật này không dùng từ ‘Trách nhiệm’ mà dùng từ ‘Nghĩa vụ” nhưng khi nói cụ thể thì vẫn dùng chữ ‘nhiệm vụ”.  Đồng thời các điều này không quy định tính ‘hồi tố” trách nhiệm của các hành vi thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức  đã làm trước đó. Xin nói thêm ở đây : Nếu các Luật này quy định hồi tố trách nhiệm thì cụm từ “ hạ cánh an toàn” sẽ được tiêu tan dần trong ngôn từ Việt Nam.

f)      Tại các Điều 34, Điều 39, Điều 43, Điều 81, Điều 82, Điều 87 dự thảo nêu về Quyền và trách nhiệm của công chức, viên chức hải quan... Theo tôi nên dùng từ ‘quyền hạn’ mà không dùng từ ‘quyền’. Vì ‘quyền’ phải có ‘hạn’. Tại những điều này chủ yếu nói về quyền mà không nêu cụ thể “trách nhiệm” là gì.

g)     Việc kiểm tra sau thông quan (Mục 10, Chương III – Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan) tôi xin sẽ nói sau chi tiết hơn. Nhưng trong mục này, tại tiết 3 Điều 78 – kiểm tra sau thông quan quy định : “Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 10 năm kề từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan”. Việc kiểm tra sau thông quan là cần thiết. Tôi xin nêu vấn đề : Kiểm tra sau thông quan có thể sẽ phát hiện được việc thông quan trước kia không đúng, dẫn đến thất thu, bỏ sót, buôn lậu.... Vậy việc sai này do từ đâu? Và tại sao 10 năm trước lại được thông quan, ai đã ‘ra lệnh giải phóng hàng’ đó ? Ai đã trục tiếp kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan? Rõ ràng người khai hải quan (chủ hàng) sẽ phải chịu trách nhiệm, phải trả tiền, thậm chí có thể phải bỏ tù. Nhưng cấu thành việc thông quan sai này chắc chắn không phải chỉ do ‘người khai hải quan’. Vậy trách nhiệm của công chức, viên chức hải quan trong vụ việc sai sót này là thế nào? Những công chức, viên chức hải quan đã nghỉ hưu rồi, thuyên chuyển công tác rồi có gọi họ lại để truy cứu trách nhiệm này hay không?

Căn cứ những vấn đề nêu trên, cùng với đề nghị thay đổi đề mục Chương II, kiến nghị :

Để không phải nhắc lại trách nhiệm của công chức, viên chức hải quan khi thực hiện các công việc của mình trong các Điều đã nêu trên cần quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức hải quan, công chức , viên chức hải quan vào “Chương II : Tổ chức hải quan –  Trách nhiệm và quyền hạn”. Về trách nhiệm cần nói rõ chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức hải quan nếu làm sai. Trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức hải quan các cấp khi ra các quyết định về hải quan ( như : kiểm tra hải quan, thông quan, giải phóng hàng, kiểm tra sau thông quan, quyết định dừng kiểm tra hải quan, quyết định lưu giữ hàng hóa...). Đó là điều cần thiết thể hiện tính công bằng, minh bạch và dân chủ. Vì nó cũng giống như biểu phạt hành chính đối với người khai hải quan, chủ hàng. Cần  bổ sung nội dung này vào Điều 15 - Chương II : ‘Công chức, viên chức hải quan’. Trường hợp Luật này chưa nêu được cụ thể thì cần đưa vào Chương II Luật này nội dung quy định trách nhiệm cụ thể và chế tài đối với cán bô, công chức, viên chức hải quan do Chính phủ quy định.

2)     Nội dung thứ 2 : Kiểm tra sau thông quan.

Mục 10 , Chương III – Thủ tục hải quan, kiểm tra, chế độ giám sát hải quan.

Kiểm tra sau thông quan được dự thảo Luật Hải quan sửa đổi nêu từ Điều 78 đến Điều 85.

Điều 78 (dự thảo) : Như đã nói tại mục g) nội dung góp ý thứ nhất : Chương II – Nhiệm vụ, tổ chức hải quan, do nghi vấn có sai sót trong lần kiểm tra hải quan và thông quan khi hàng hóa được đưa qua cửa khẩu (hay gọi là biên giới hải quan) nên Luật hải quan phải quy định ‘kiểm tra sau thông quan’. Như vậy việc ‘kiểm tra thông quan’ không phải chỉ kiểm tra hành vi của người khai hải quan trong việc kê khai hải quan, sổ kế toán, các chứng từ, dự liệu có liên quan... mà còn phải kiểm tra hành vi của công chức, viên chức hải quan trong quá tình tiếp nhận hồ sơ (tờ khai hải quan), thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa và quyết định cho thông quan (quyết định giải phóng hàng). Mục 1) của Điều 78 (dự thảo) này không nói gì đến việc kiểm tra hành vi của các công chức, viên chức hải quan đã thực hiện các hành vi về : Nhận tờ khai hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa và quyết định thông quan lô hàng đó ?
Kiến nghị : Cũng như đã nêu tại nội dung góp ý thứ nhất, chúng tôi thấy cần bổ sung kiểm tra sau thông quan là kiểm tra cả những hành vi của các công chức, viên chức hải quan khi thực hiện trách nhiệm của mình liên quan đế lô hàng phải kiểm tra sau thông quan.

Điều 81 (dự thảo) : Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.

Tại mục 1) Điều 82 quy định người ra quyết định sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan phải ban hành quyết định kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra. Tại mục 1) Điều 81 này quy định : Người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khải hải quan là: 

a)     Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

b)     Cục trưởng Cục hải quan, Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan ,

c)     Chi cục trưởng Chi cục Kiểm tra sau thông quan.

Do không hiểu rõ về tổ chức và biên chế hải quan nên tôi lấy làm băn khoăn không hiểu Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan có đủ điều kiện để ra quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan và thành lập đoàn kiểm tra hay không? Mặt khác khi quy định Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan có quyền ra quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan thì có quá nhiều người có quyền ra quyết định không?

Kiến nghị : Người có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan và thành lập đoàn kiểm tra chỉ để lại tiết a) và b) và bỏ tiết c) Chi cục trưởng Chi cục kiểm tra sau thông quan.

Điều 82 (dự thảo) : Quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan khi kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan.

Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi, cụ thể là tại Điều 82 này, khi quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan hải quan... thì tôi chỉ thấy dự thảo nêu ‘quyền’ mà không thấy nêu trách nhiệm. Xét cho cùng từ khoản a) đến khoản c) quy định về quyền, khoản đ) quy định về trách nhiệm. Tuy nhiên trách nhiệm chỉ là ‘giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi hành chính, quyết định hành chính của cấp dưới’. Tôi cho rằng quy định về trách nhiệm như thế chưa đủ.

Kiến nghị : Trách nhiệm của người ra quyết định kiểm tra sau thông quan ở Điều này cần được nêu rõ hơn ở các chi tiết sau :

-        Chịu trách nhiệm gì với người khai hải quan, chủ hàng nếu quyết định kiểm tra sau thông quan sai do việc thông quan trước đây là đúng hoặc việc thông quan trước đây sai là do lỗi của công chức, viên chức hải quan ?

-        Kiểm tra phát hiện hành vi của công chức, viên chức hải quan những người đã thực hiện việc tiếp nhận tờ khai hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, ra quyết định thông quan trước đây. Tùy mức độ sai phạm (nếu có) ra quyết định xử lý hay kiến nghị xử lý. Việc này cũng cần được làm công khai cùng kiểm tra hồ sơ hải quan, sổ sách kế toán, chứng từ... của người khai hải quan, chủ hàng.

Cũng xin nhắc lại: Thời hạn kiểm tra sau thông quan là 10 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan... (mục 3) Điều 78).

Xin kiến nghị làm rõ các nội dung sau đây :

-        Công chức, viên chức hải quan liên quan đến việc tiếp nhận tờ khai hải quan, kiểm tra chứng từ, thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, ra quyết định thông quan lô hàng đó nếu vi phạm Luật hải quan có bị xử lý theo luật quy định hay không. Đặc biệt là những cán bộ, công chức, viên chức đã “hạ cánh an toàn”.

-         Có quy định gì để miễn trừ về tên gọi, tính chất hàng hóa, giá trị và giá trị sử dụng, giá cả của loại hàng hóa đó 10 năm trước.

Nhìn chung dự thảo Luật Hải quan sửa đối quy định “kiểm tra sau thông quan” là để ‘thẩm định tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan, chủ hàng đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan, thẩm định việc tuân thủ của người khai hải quan, chủ hàng đối với pháp luật hải quan và các pháp luật khác...’ (Điều 78) và để ‘xử lý về thuế , xử phạt hành chính theo thẩm quyền...’ (Điều 82) mà không nói về hành vi của công chức, viên chức hải quan liên quan đến các lô hàng đã được thông quan đó. Quy định như dự thảo thể hiện tính không dân chủ, không minh bạch của pháp luật vì dân và công chức phải được bình đẳng trước pháp luật. Các công chức, viên chức hải quan nếu có vi phạm cũng phải bị xử lý như ‘dân thường’ (người khai hải quan, chủ hàng). Ở đây nếu công chức, viên chức hải quan vi phạm sẽ được thanh tra xử lý trong nội bộ nghành như quy định tại Điều 85 dự thảo Luật Hải quan sửa đổi. Chúng tôi cho rằng quy định Điều 85 là cần thiết nhưng những trách nhiệm cụ thể, các hành vi liên quan đến việc thực thi trách nhiệm của mình trong kiểm tra sau thông quan và các hành vi của công chức, viên chức hải quan liên quan đến lô hàng đã được thông quan trước đó phải được nói rõ và công khai cùng với trách nhiệm và nghĩa vụ của người khai hải quan, chủ hàng. Những trách nhiệm đó không phải chỉ là kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ của người khai hải quan, chủ hàng mà cần phải nói rõ trách nhiệm về các hành vi pháp lý của các công chức, viên chức hải quan khi thực thi các nhiệm vụ của mình.

Các văn bản liên quan