Đóng góp ý kiến của ông Đào Ngọc Chuyên về luật hải quan sửa đổi ngày 16.04.2013

Thứ Tư 16:37 24-04-2013

ĐÓNG GÓP Ý KIẾN DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT HẢI QUAN

Văn phòng Luật sư Đào và Cộng sự

1.  Vấn đề hoạt động quản lý hải quan (kiểm tra sau thông quan)

Việc kiểm tra sau thông quan được quy định tại các Điều từ 78 đến Điều 84 bao gồm các nội dung: quy định về kiểm tra sau thông quan, địa điểm kiểm tra, thời gian kiểm tra, các trường hợp kiểm tra.

- Về thời gian: Dự thảo Luật quy định “thời hạn kiểm tra sau thông quan là 10 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan.” Thời hạn này được quy định trong Luật Hải quan năm 2011 là 05 năm

Việc quy định thời hạn như vậy là quá dài và tạo ra tâm lý tùy tiện cho cán bộ hải quan khi kiểm tra cho thông quan hàng hóa. Trường hợp kiểm tra sau thông quan phát hiện ra sai sót dẫn đến phải truy thu thuế xuất, nhập khẩu, thuế GTGT lớn có thể làm DN phá sản, bởi các loại thuế phát sinh tại cửa khẩu đều là thuế gián thu, khi hàng hóa nhập về đã bán hết và bị truy thu thuế, thì DN chỉ còn cách lấy vốn để nộp. Quy định này cũng khiến công chức hải quan có điều kiện thông đồng với DN làm giảm số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan. Đến khi kiểm tra sau thông quan, phát hiện sai sót thì công chức hải quan đó có thể đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu, khó có thể truy cứu trách nhiệm liên đới. Vì vậy, cần rút ngắn thời hạn kiểm tra sau thông quan lại.

Việc kiểm tra sau thông quan là “hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán, các chứng từ, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nhằm thẩm định tính chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, hồ sơ mà người khai hải quan, chủ hàng đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan hải quan; thẩm định việc tuân thủ của người khai hải quan, chủ hàng đối với pháp luật hải quan và các pháp luật khác liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu.” Như vậy, nếu quy định thời hạn là 10 năm và cùng với việc thủ tục thực hiện hiện nay quá phức tạp, gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp. Cụ thể, với các lô hàng tạm nhập tái xuất, DN chỉ giữ chứng từ chứng minh hàng tạm nhập đã thực xuất với hải quan. Khi đã giải quyết xong thủ tục, hải quan đã kiểm tra, DN không còn giữ chứng từ nữa. Vì vậy, với những chứng từ cách đây đã 10 năm, giờ hải quan yêu cầu nộp lại để kiểm tra sau thông quan, DN khó có thể đáp ứng nổi.

Như vậy, cần phải sửa đổi lại quy định về thời hạn kiểm tra sau thông quan cho phù hợp với quy định thực tế.

2.  Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến hoạt động hải quan;

Luật chưa xác định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan hải quan, của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan hàng hóa nhanh mà vẫn đáp ứng yêu cầu quản lý và chưa quy định về cơ chế một cửa quốc gia trong việc thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu; chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn trong việc quy hoạch các khu vực cảng, cửa khẩu nhằm bảo đảm các điều kiện để trang bị máy móc thiết bị phục vụ hoạt quản lý nhà nước tại cảng, cửa khẩu trong đó có công tác hải quan.

- Chưa có quy định về quyền hạn và trách của các tổ chức cá nhân trực tiếp tham gia trong việc quản lý, lưu giữ hàng hóa hóa xuất nhập khẩu như doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Các quy định về phạm vi, biện pháp, trách nhiệm của cơ quan hải quan, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong Luật hải quan hiện hành chưa đầy đủ so với thực tế tổ chức triển khai thực hiện, một số quy định hiện đang được thực hiện tại các văn bản dưới Luật dẫn đến những hạn chế trong hiệu quả hoạt động của công tác này.

3. Các quy định về thủ tục hải quan có đáp ứng yêu cầu đơn giản hóa TTHC hay không?

Nhìn chung, Dự thảo Luật hải quan đã khắc phục, cải thiện một bước đáng kể để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan. Việc đưa vào áp dụng rộng rãi chế độ khai hải quan điện tử, thiết lập hệ thống thông tin một cửa quốc gia giúp thủ tục hải quan được rút ngắn rất nhiều so với trước đây. Theo khoản 3 Điều 28 Dự thảo việc khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử. Chỉ đối với một số trường hợp cụ thể theo quy định của Chính phủ người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy.

Mặc dù đã đơn giản hóa được một bước lớn song Dự thảo vẫn thể hiện một số điểm hạn chế sau:

            Hồ sơ hải quan:

Điều 24 Dự thảo quy định về hồ sơ hải quan bao gồm: tờ khai hải quan; hóa đơn thương mại; chứng từ vận tải; hợp đồng mua bán hàng hóa; Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật; Các chứng từ có liên quan đối với từng mặt hàng mà người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan hải quan theo quy định của pháp luật.

Thực tế, khi tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, cơ quan hải quan thường yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình được các chứng từ gốc và có dấu tươi, văn bản hoặc chỉ định thư về việc giao nguyên liệu, sản phẩm. Tuy nhiên, với hệ thống thông tin phát triển như ngày nay, khi ký kết hợp đồng gia công, trước khi giao nguyên liệu, sản phẩm các bên thường chỉ thông báo cho phía bên kia về việc giao hàng và chỉ cần chờ bên kia hồi âm xác nhận qua email, thậm chí là gọi điện thoại trực tiếp mà không cần có văn bản hay bất cứ giấy tờ gì. Các chứng từ đối tác cũng thường gửi qua email nên không thể có chứng từ gốc và dấu tươi. Do đó, cơ quan hải quan chỉ cần quản lý chính xác nguyên liệu thực tế nhập khẩu và sản phẩm thực tế xuất khẩu của doanh nghiệp gia công là đủ. Nếu hải quan xét thấy vẫn cần thiết phải nắm được thông tin này thì nên yêu cầu các doanh nghiệp có văn bản giải trình có ký tên đóng dấu và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các chứng từ do phía nước ngoài phát hành và chuyển qua đường email. Hải quan có thể yêu cầu doanh nghiệp ký tên đóng dấu chịu trách nhiệm về nguồn gốc xác thực của chứng từ.

Khoản 4b Điều 24 Dự thảo quy định trường hợp khai hải quan điện tử, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, người khai hải quan phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra hồ sơ hải quan, người khai hải quan phải nộp các chứng từ giấy thuộc hồ sơ hải quan trong vòng 7 ngày kể từ ngày cơ quan hải quan quyết định thông quan trừ những chứng từ đã có trong hệ thống thông tin một cửa quốc gia.

Quy định như trên chưa thực sự hợp lý, chưa giảm thiểu tối đa đơn giản hóa thủ tục hành chính. Mục đích của việc thực hiện khai hải quan điện tử là nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Hồ sơ hải quan đã khai điện tử thì nên khai điện tử hoàn toàn, nếu hồ sơ điện tử còn thiếu thì cơ quan hải quan có trách nhiệm thông báo với người khai hải quan để họ bổ sung hồ sơ điện tử trước khi tiến hành kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc bổ sung hồ sơ hải quan điện tử một cách thống nhất sẽ giúp việc quản lý hồ sơ được dễ dàng, đồng bộ hơn. Toàn bộ hồ sơ được lưu giữ tại hệ thông thông tin điện tử mà không cần văn bản cứng. Trường hợp người khai hải quan không thể bổ sung hồ sơ điện tử thì mới cần thiết bổ sung hồ sơ giấy theo quy định.

Khai bổ sung hồ sơ hải quan

Khoản 5 Điều 28 Dự thảo quy định:

5. Người khai hải quan có căn cứ xác định có sai sót trong việc khai hải quan thì được khai bổ sung. Việc khai bổ sung được thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hoá;

b) Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định thực hiện kiểm tra sau thông quan, thanh tra tại trụ sở người khai hải quan, chủ hàng; trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến chính sách quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Quá thời hạn nêu tại điểm a, b khoản này mà người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan và khai bổ sung thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là chưa hợp lý, không kích thích được doanh nghiệp, người khai hải quan tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Việc khai sai, khai thiếu hồ sơ hải quan có thể theo hai hướng. Một là làm tăng số thuế phải nộp, hai là làm giảm số thuế phải nộp. Nguyên nhân của việc khai sai, khai thiếu có thể là cố ý hoặc vô ý. Tuy nhiên, dù là cố ý hay vô ý thì việc khai bổ sung hồ sơ hải quan có thể dẫn đến hai kết quả: hoặc là doanh nghiệp phải nộp bổ sung thuế hoặc là doanh nghiệp được hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa. Như vậy, nếu số thuế doanh nghiệp phải nộp tăng lên thì doanh nghiệp vừa phải nộp thêm thuế vừa phải chịu xử phạt vi phạm hành chính; nếu số thuế doanh nghiệp phải nộp giảm đi thì họ lại phải cân nhắc xem số thuế được giảm đó có lớn bằng số tiền phải nộp phạt hay không, nếu bằng hoặc nhỏ hơn thì họ sẽ không khai bổ sung nữa vì mất nhiều thời gian làm thủ tục mà kết quả cũng không có lợi gì. Nếu bị xử phạt hành chính thì còn mang tiếng là không tuân thủ quy định của pháp luật và ảnh hưởng đến việc hưởng quyền ưu tiên của doanh nghiệp. Cả hai trường hợp trên, kết quả đều dẫn đến triệt tiêu ý thức tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp, họ muốn khai bổ sung nhưng không thể khai do bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Do đó, nên quy định: Trường hợp khai bổ sung dẫn đến làm tăng số thuế phải nộp thì doanh nghiệp không bị xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp khai bổ sung dẫn đến làm giảm số thuế phải nộp thì được giảm số thuế phải nộp phải chịu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập đã đầy đủ và hợp lý chưa?

Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế với các nước trên mọi lĩnh vực, một trong lĩnh vực quan trọng nhất đó là đơn giản hóa thủ tục hải quan. Đây không chỉ là một lĩnh vực riêng mà nó còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác. Khi đã tham gia sân chơi quốc tế đồng nghĩa với việc tham gia ký kết các điều ước quốc tế đa phương, song phương. Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực này như: Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1973, Hiệp định vận tải qua biên giới giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), các cam kết trong ASEAN về thủ tục hải quan, Công ước về hỗ trợ hành chính lẫn nhau về vấn đề hải quan (Công ước Johanesburg); Công ước vận tải đường bộ quốc tế (Công ước TIR)…

Việc nội luật hóa các cam kết quốc tế vào trong luật hải quan đã phần nào được thực hiện. Một trong những điểm đáng ghi nhận nhất đó là việc đưa vào thực hiện chế độ khai hải quan điện tử và áp dụng hệ thống thông tin một cửa quốc gia. Bởi điều quan trọng nhất khi ký kết các điều ước quốc tế đó là đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hàng hóa được đưa qua biên giới một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, việc nội luật hóa chưa hoàn toàn đầy đủ và hợp lý. Nhiều quy định trong các điều ước quốc tế vẫn chưa được nội luật hóa như: khái niệm người được hưởng quyền ưu tiên; thủ tục hải quan của Việt Nam nhìn chung vẫn còn rất phức tạp so với các nước và cần được đơn giản hóa hơn nữa trong thời gian tới, tiến đến chuyển toàn bộ sang thực hiện khai hải quan điện tử.

Các văn bản liên quan