VCCI_Góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Kính gửi: Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính,
Trả lời Công văn số 2543/BTC-TCT ngày 12/03/2021 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro
Điều 8 Dự thảo quy định về việc thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro, trong đó có việc tiếp nhận thông qua email, cổng thông tin, văn bản, tài liệu giấy. Khi đó, việc nhập liệu sẽ phải thực hiện thủ công bởi con người. Do vậy, để tránh sự thiếu thống nhất và tùy tiện trong việc thu thập, xử lý thông tin, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ một số vấn đề như sau:
- Thời gian từ khi cán bộ thuế biết được thông tin cho đến khi nhập thông tin vào hệ thống là bao lâu? Trách nhiệm của cán bộ thuế nếu không nhập liệu?;
- Khi có mâu thuẫn thông tin giữa các nguồn khác nhau thì xử lý như thế nào?;
- Nếu doanh nghiệp nhận thấy có thông tin không chính xác, gây bất lợi cho kết quả đánh giá rủi ro thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu điều chỉnh không? Thủ tục xin điều chỉnh như thế nào?
- Hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ
Điều 15.2 Dự thảo đã quy định một số biện pháp nâng cao mức độ tuân thủ. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định cho phép doanh nghiệp biết được kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật và lý do của kết quả đánh giá. Theo ý kiến của doanh nghiệp, đây là thông tin rất quan trọng để nâng cao mức độ tuân thủ, vì giúp doanh nghiệp nhanh chóng nhận biết được các điểm cụ thể, cá biệt cần cải thiện của chính doanh nghiệp đó. Nếu bản thân doanh nghiệp không được biết mình đang ở hạng nào, hệ thống đánh giá có thể bị đi giảm tính minh bạch còn doanh nghiệp thì gặp khó khăn trong việc chủ động tự khắc phục những thiếu sót đó. Một biện pháp tương tự cũng đã được áp dụng để hỗ trợ nâng cao mức độ tuân thủ trong lĩnh vực hải quan (Điều 12.4 Thông tư 81/2019/TT-BTC). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung biện pháp trên vào Điều 15.2 Dự thảo.
- Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại có rủi ro cao
Điều 19.1.a Dự thảo quy định người nộp thuế có nhiều hồ sơ hoàn thuế đều được đánh giá là rủi ro cao. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại quy định trên dựa trên các lý do sau:
Thứ nhất, quy định này chưa rõ ràng. Không rõ số lượng hồ sơ hoàn thuế là bao nhiêu thì được xác định là “nhiều”?;
Thứ hai, quy định này chưa hợp lý. Do đặc thù hoạt động, một trong các đối tượng thực hiện nhiều thủ tục dạng này là các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ cho xuất khẩu (do chính sách hoàn thuế với hàng xuất khẩu). Nếu áp dụng tiêu chí này một cách cứng nhắc có nguy cơ dẫn đến kéo dài quy trình hoàn thuế, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của doanh nghiệp xuất khẩu và dường như chưa phù hợp với định hướng hỗ trợ xuất khẩu của Chính phủ.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.