TS Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Thành viên Công ty Luật AGZI LCT, Giảng viên ĐH Luật TP HCM: “Pháp nhân – thực tiễn áp dụng bộ luật dân sự 2005”

Thứ Năm 08:36 14-03-2013

Chế định về pháp nhân ra đời từ BLDS 1995, sau đó được bổ sung, sửa đổi song không nhiều tại BLDS 2006. Qua các thời kỳ, các vấn đề nảy sinh liên quan đến chế định pháp nhân có thể tựu trung tại các câu hỏi sau đây:

1.     Thế nào là một pháp nhân? Điều kiện “tài sản độc lập” phải được hiểu như thế nào? Quốc tịch của pháp nhân?

2.     Pháp nhân có nên bó buộc phạm vi hoạt động trong quyết định, đăng ký thành lập pháp nhân đó hay không?

3.     Đơn vị phụ thuộc của pháp nhân có quyền ký hợp đồng nhân danh pháp nhân hay không?

4.     Đại diện của pháp nhân có thể là tổ chức hay không?

5.     Việc người đại diện thực hiện công việc khi không có quyền đại diện hay vượt quá phạm vi thẩm quyền được quy định như thế nào? Người thứ ba tham gia giao dịch có quyền phủ nhận giao dịch đó hay không?

Trong phạm vi bài phát biểu này, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau.

1.     Khái niệm pháp nhân, tài sản và quốc tịch của pháp nhân

Theo Điều 84 BLDS thì một tổ chức được coi là pháp nhân khi thỏa mãn bốn điều kiện sau. Thứ nhất, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hay công nhân. Thứ hai, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Thứ ba, có tài sản độc lập và chịu trách nhiệm bằng tài sản này. Thứ tư, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ dân sự.

Về điều kiện thứ nhất, có thể đơn cử một trường hợp mâu thuẫn. Đó là, hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra, ủy ban nhân dân do hội đồng nhân dân bầu ra (ở tất cả các cấp). Không có cơ quan nhà nước nào thành lập hay đăng ký hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân. Vậy hội đồng nhân dân tỉnh, ủy ban nhân dân tỉnh có tư cách pháp nhân hay không?

Về điều kiện thứ hai, ban quản lý chợ chỉ có trưởng ban và một số nhân viên. Vậy có thể coi là pháp nhân hay không với một cơ cấu tổ chức lỏng lẻo như vậy?

Về điều kiện thứ ba, ban quản lý dự án cầu Nhật Tân với khả năng tự chi trả không quá 2 tỷ VND có thể là pháp nhân không, khi họ ký hợp đồng trị giá 1000 tỷ VND và sử dụng vốn ODA để thanh toán? Công ty hợp danh có phải là pháp nhân không, khi trách nhiệm của công ty lại do các thành viên công ty gánh chịu nếu tài sản của công ty không đủ để trả nợ?

Về điều kiện thứ tư, ban quản lý dự án có thể là pháp nhân không, khi bất kỳ thay đổi nào trong hợp đồng mà họ ký đều phải xin chấp thuận của cơ quan chủ quản?

Một loạt các thí dụ đặt ra như vậy có thể cho thấy 4 điêu kiện của Điều 84 có thể đúng trong đa số các trường hợp, song trong một số các trường hợp cá biệt có thể không hoàn toàn đúng. Trong khi đó, việc công nhận một tổ chức là pháp nhân là nhu cầu chính đáng của những người thành lập pháp nhân đó. Ở nhiều nước việc thành lập công ty có số vốn 1 USD song được quyền ký hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD không phải là chuyện không thể. Vì vậy nên chăng có quy định ở đầu Điều 84 “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Về tài sản của pháp nhân,chúng tôi cho rằng việc này cần quy định rõ thế nào là tài sản độc lập.  Tài sản độc lập nên hiểu là “độc lập với tài sản của các cá nhân, pháp nhận khác”.  Tài sản này có thể là do sáng lập viên góp vốn, tài sản được tặng cho, tài sản hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh. Các tài sản này, nếu thuộc doanh nghiệp nhà nước hay cơ quan nhà nước cũng không nên coi là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, mà chỉ coi là tài sản của các cá nhân riêng lẻ mà thôi.  Nhà nước chỉ nắm phần vốn trong các doanh nghiệp nhà nước đầu tư, chứ không phải là chủ sở hữu các tài sản thuôc về doanh nghiệp đó. Điều này vẫn chưa được làm rõ trong BLDS hiện nay.

Về quốc tịch pháp nhân, quy định của BLDS hiện đang khá chồng chéo với quy định của luật đầu tư. Thí dụ: công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành lập ở Việt Nam có được coi là pháp nhân Việt Nam hay là pháp nhân nước ngoài. Nếu là pháp nhân Việt Nam thì có nên phân biệt đối xử với họ trong quy định về sử dụng đất hay gốp vốn đầu tư thành lập công ty khác hay không. Đây là vấn đề không những BLDS, mà cả luật đất đai, luật đầu tư, luật doanh nghiệp cũng lúng túng, chồng chéo lẫn nhau Thiết nghĩ, nên có quy định thống nhất rằng pháp nhân thành lập ở đâu thì quốc tịch ở đó. Các pháp nhân Việt Nam, cho dù là nhà đầu tư nước ngoài, cũng cần được đối xử nhất quán như nhà đầu tư Việt Nam.

2.     Đơn vị phụ thuộc của pháp nhân

Có rất nhiều trường hợp hợp đồng tín dụng là do chi nhánh ngân hàng ký với tư cách là bên cho vay chứ không phải do ngân hàng ký. Trong khi đó chi nhánh được quy định tại BLDS là “không có tư cách pháp nhân”. Như vậy hợp đồng tín dụng đó có bị coi là vô hiệu không?  Để giải quyết vấn đề này, cần bổ sung thêm quy định khi các đơn vị phụ thuộc tham gia giao dịch thì người giao dịch thực tế và chịu trách nhiệm chính là pháp nhân. Pháp nhân không có quyền vô hiệu giao dịch, hay người thứ ba tham gia giao dịch cũng không có quyền vô hiệu giao dịch chỉ vì đã giao dịch với đơn vị phụ thuộc của pháp nhân.

3.     Đại diện là tổ chức

Theo các quy định của BLDS thì không có quy định nào khẳng định rõ ràng rằng chủ thể của người đại diện là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc các tổ chức khác (sau đây gọi chung là tổ chức). Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của quan hệ đại diện, như đã đề cập thì quan hệ đại diện thực chất là việc nhờ người khác làm hộ một việc gì đó. Vấn đề mấu chốt là người thực hiện đó có đủ năng lực làm việc đó hay không. Như vậy, về nguyên tắc bất kỳ tổ chức nào mà được pháp luật cho phép thực hiện công việc được uỷ quyền (tức là có năng lực dân sự) đều có quyền làm người đại diện trừ một số trường hợp đặc thù mà pháp luật cấm không được đại diện. Ví dụ, Công ty du lịch Fiditour là đại lý bán vé máy bay (sales agent) cho Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đồng thời cũng là đại diện kinh doanh bảo hiểm nhân thọ cho Bảo Việt, bán bảo hiểm cho khách du lịch. Fiditour thực hiện các giao dịch với cùng một khách du lịch nhân danh Vietnam Airlines và Bảo Việt.

Trong trường hợp tổ chức là người đại diện thì trong quan hệ đại diện người đại diện và người đại diện của tổ chức bởi lẽ tổ chức là một thực thể độc lập và luôn được đại diện bởi một cá nhân.

Phù hợp với lý luận đó, nếu phân tích câu chữ trong quy định của BLDS thì chúng ta cũng thấy rõ định nghĩa đại diện là việc một người (người đại diện) thực hiện một giao dịch nhân danh người khác (người được đại diện). Cũng theo quy định của BLDS thì ngoài cá nhân ra thì pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình (tổ chức) có thể là người được đại diện. Hai chủ thể trên đều được BLDS sử dụng chữ người, việc hiểu khác nhau trong cùng một chữ và trong cùng một định nghĩa là hoàn toàn vô lý. Như vậy, đương nhiên chúng ta phải hiểu rằng điều này cũng phải áp dụng cho người đại diện tức là pháp nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình (tổ chức) có thể là người đại diện.

Trên thực tế, các quan hệ dân sự phát triển ngày càng nhiều, việc một tổ chức là người đại diện cũng là xu thế tất yếu, miễn là chúng ta nắm được bản chất của quan hệ đại diện. Như đã phân tích ở trên, các quan hệ đại lý hoa hồng, uỷ thác theo luật thương mại hiện nay của Việt Nam tuy có một số đặc trưng giống quan hệ đại diện nhưng về bản chất thì khác nhau.  Mặt khác, chính sự tương đồng giữa các quan hệ như vậy cho phép chúng ta trong một số trường hợp phù hợp có thể áp dụng tương tự quy phạm pháp luật. Thí dụ, nếu chúng ta chưa có quy định về ủy thác tài sản, thì có thể sử dụng các quy phạm pháp luật về giám hộ, đại diện để giải quyết tranh chấp giữa người ủy thác và người nhận ủy thác.

Đại diện hoàn toàn có thể là một tổ chức và không có lý do gì ngăn cản điều này.  Người đại diện và người được đại diện không phải là một chủ thể, mà là hai chủ thể độc lập, có tài sản khác nhau, và mỗi người chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Khái niệm này khác với khái niệm trụ sở công ty và chi nhánh công ty (thật ra cả hai sử dụng cùng một chủ thể là công ty – xem Bài 4 – Pháp nhân).  Người đại diện có thể quản lý, thậm chí định đoạt tài sản của người được đại diện, nhưng phải nhân danh người được đại diện khi giao dịch với bên thứ ba, thì hậu quả pháp lý với tài sản của người được đại diện mới phát sinh.

4.     Giao dịch vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện

Nếu phạm vi ủy quyền không rõ ràng thì người được ủy quyền có quyền quyết định theo hướng nào có lợi nhất cho bên ủy quyền (theo ý chủ quan của mình), bất kể hậu quả cuối cùng (khách quan) ra sao. Ví dụ, anh Nguyễn Văn A là nhà đầu tư cổ phiếu và hiện đang nắm giữ rất nhiều cổ phiếu. Do phải đi trị bệnh ở nước ngoài nhưng không muốn bán cổ phiếu trước khi đi vì tình hình thị trường đang bất ổn. Trước khi đi anh có làm văn bản uỷ quyền lại cho anh Trần Văn B là bạn của mình và cũng là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chơi cổ phiếu. Theo giấy uỷ quyền có nói rõ anh B sẽ quản lý số cổ phiếu của mình và giao dịch số cổ phiếu này khi thấy cần thiết. Trong khi anh A đi điều trị, nhận thấy tình hình thị trường biến động có thể làm cho cổ phiếu của anh A có nguy cơ giảm mạnh. Anh B gọi điện thoại xin ý kiến của anh A nhưng do đang nằm trong phòng bệnh nên không thể liên lạc được nên anh B cũng không dám bán số cổ phiếu này. Khi về nước thì anh A bị thiệt hại nặng nề do cổ phiếu giảm giá mạnh. Trong tình huống trên, anh A có không có quyền kiện anh B đòi bồi thường thiệt hại, vì anh B đã hành động vì lợi ích của anh A khi gọi điện hỏi anh A, và cũng vì lợi ích của anh A mà không dám bán khi anh A chưa biết. Ngược lại, giả sử sau khi anh B quyết định bán, giá cổ phiếu lại tằng, thì anh B cũng không phải bồi thường cho anh A, vì phạm vi ủy quyền cho phép anh được quyết định những gì “cần thiết”.  Phạm vi ủy quyền trong trường hợp này cho anh B quyền nhưng không buộc anh B phải thực hiện nghĩa vụ gì cụ thể.

Để tránh sự lạm dụng cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người thứ ba, pháp luật quy định người đại diện phải thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi đại diện của mình. Nói cách khác, một trong những nguyên tắc của đại diện là công khai. Việc pháp luật quy định người đại diện phải thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi, thẩm quyền đại diện của mình cũng là một cách để công khai việc đại diện và là cách thức để bảo vệ quyền, lợi ích của người thứ ba.

Bên cạnh đó, người đại diện không được thực hiện các giao dịch dân sự với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện hoặc thực hiện giao dịch với chính mình. Ví dụ điển hình nhất là việc luật sư đã đại diện cho một thân chủ trong giao dịch thì không thể đại diện cho người khác trong cùng giao dịch. Các trường hợp đó ở luật pháp các nước được gọi là xung đột lợi ích (conflict of interests). Quy định này nhằm ngăn chặn các giao dịch dân sự được thiết lập có thể đem lại những hậu quả pháp lý bất lợi nhất định cho người được đại diện và nhằm bảo vệ quyền lợi cho người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.  Thí dụ, ông An là giám đốc Công ty B., đã mua một chiếc xe Mercedes cho công ty trị giá 1 tỷ đồng. Sau đó vài tháng, ông lại bán chiếc xe đó cho con ông (chưa thành niên, do vợ ông làm đại diện theo pháp luật) với giá 200 triệu đồng. Đây là giao dịch không được phép thực hiện (vì coi như Công ty B. giao dịch với chính ông).  Nếu con ông đã thành niên, thì ông cũng phải công khai lợi ích với các thành viên trong Hội đồng Quản trị, và Hội đồng Quản trị sẽ họp (không có sự tham gia của ông An) để quyết định xem việc bán xe cho con ông An có ảnh hưởng đến lợi ích của công ty không.[1] Biến tướng của trường hợp trên là một số người đứng đầu cơ quan nhà nước có thể nhờ người thân của mình thành lập công ty TNHH để ký hợp đồng với cơ quan.

Các qui định ở trên cũng có ngọai lệ, đó là khi giao dịch này mang lại lợi ích cho người được đại diện và không mang lại bất kỳ thiệt hại nào, hay khi việc giao dịch với chính người được đại diện được qui định rõ là cho phép trong văn bản ủy quyền.

Các trường hợp không có thẩm quyền/vượt quá thẩm quyền đại diện khá phong phú và đa dạng.  Trường không có thẩm quyền đại diện là khi người đại diện không hề được người được đại diện cho phép giao dịch, song đã mạo danh người được đại diện để giao dịch.  Ví dụ điển hình là trường hợp ủy quyền lại tại Mục IV.a trên đây.  Lúc này, người được ủy quyền lại hoàn toàn không có thẩm quyền, do không được người ủy quyền cho phép ủy quyền lại.  Tương tự, một người không phải là giám đốc công ty và không được ủy quyền hợp lệ, song vẫn ký hợp đồng nhân danh công ty thì bị coi là xác lập giao dịch mà không có thẩm quyền đại diện.  Một ví dụ khác là khi người đại diện mặc dù được ủy quyền, nhưng lại không đủ khả năng làm công việc được ủy quyền. Ví dụ An 15 tuổi, nhưng lại được Bình 18 tuổi ủy quyền thương lượng mua máy tính.  An lúc này bị coi là tham gia giao dịch không có thẩm quyền đại diện. 

Các trường hợp vượt quá thẩm quyền đại diện diễn ra khá phổ biến hơn, do phạm vi thẩm quyền rất rộng, có thể bao gồm các hành vi thuộc quyền sở hữu của người được đại diện, thời hạn đại diện, giá cả, phương thức thanh toán trong hợp đồng giao kết với bên thứ ba, phạm vi ủy quyền đại diện tham gia tố tụng v.v. Thí dụ sau đây sẽ cho thấy điều này.[2]

Tháng 04-1994, ông Hiệp Văn Tiền hùn vốn với chị ruột là bà Tiền Thị Mùi đóng chiếc ghe biển số KG-8622 BTS để khai thác hải sản, giấy tờ ghe do bà Mùi đứng tên. Sau đó giữa ông Tiền và bà Mùi có tranh chấp về quyền sở hữu chiếc ghe nói trên. Tòa sơ thẩm đã xử, công nhận quyền sở hữu của ông Tiền đối với chiếc ghe đó. Ông Tiền sau đó đã ủy quyền cho ông Hùng “đứng tên đăng ký” trên chiếc ghe. Bà Mùi sau đó đã kháng cáo đòi quyền sở hữu chiếc ghe trên. Ông Tiền đã ủy quyến cho ông Hùng đại diện quyền lợi của ông tại phiên tòa phúc thẩm.  Ông Hùng sau đó lại thỏa thuận tại phiên tòa với bà Mùi, theo đó bà Mùi được sở hữu chiếc ghe. Bà Mùi có nghĩa vụ thanh toán tiền giá trị chiếc ghe và ngư lưới cho ông Tiền, do ông Hùng đại diện với số tiền 75.000.000 đồng. 

Sau khi tòa tuyên án, ông Tiền có đơn khiếu nại với nội dung: “ông Tiền chỉ uỷ quyền cho ông Hùng tham gia tố tụng để lấy lại chiếc ghe, nhưng ông Hùng lại tự ý bán chiếc ghe với giá rẻ (bán 75 triệu trong khi giá thị trường khoảng 120.000.000 đồng) là vượt quá phạm vi uỷ quyền, gây thiệt hại quyền lợi của ông Tiền. Mặt khác, lúc lập hợp đồng uỷ quyền cho ông Hùng tham gia tố tụng ông Tiền không biết ông Hùng đang có tiền án, nay ông Tiền biết việc này nên đề nghị Toà án xem xét.” Tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quyết định: về tố tụng, Toà án các cấp chấp nhận cho ông Hùng được đại diện theo uỷ quyền của ông Tiền trong thời gian ông Hùng đang có án tích là trái với qui định tại điểm d mục 2 phần VI về người đại diện của đương sự theo Nghị quyết số 03 ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDC Tối cao. Về nội dung: tuy nội dung uỷ quyền không rõ ràng: “... để trả lời và chất vấn mọi vấn đề có liên quan đến vụ kiện nói trên...”, nhưng trước và sau khi uỷ quyền ông Tiền đều nêu yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu chiếc ghe cho ông, buộc bà Mùi phải giao lại ghe và ông sẽ giao ghe này cho ông Hùng quản lý. Do đó, ông Hùng tự ý bán ghe cho bà Mùi là vượt quá phạm vi được uỷ quyền và việc ông Hùng bán ghe với giá 75.000.000 đồng là gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Tiền.  Vì vậy, Hội đồng Thẩm phán đã huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 115/DSPT ngày 21-04-2000 và giao Tòa sở thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.




[1] Xem Điều 125 BLDS 2005.

[2] Quyết định số 17/2003/HĐTP-DS ngày 30/05/2003 vê vụ án tranh chấp quyền sở hữu ghe đánh cá.

Các văn bản liên quan