Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Phương – TP Cần Thơ đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:50 18-12-2012

Kính thưa Đoàn Chủ tịch kỳ họp,

Thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật khoa học, công nghệ (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đặc biệt là Báo cáo số 3120 của Bộ khoa học và công nghệ về giải trình dự kiến phương án chỉnh sửa Luật khoa học, công nghệ (sửa đổi) và các ý kiến thảo luận ở tổ tôi xin được phát biểu thêm một số vấn đề sau:

Vì sự cần thiết sửa đổi Luật khoa học, công nghệ, Luật khoa học, công nghệ đã được đã được ban hành cách đây 12 năm, từ đó đến nay luật đã góp phần phát triển khoa học, công nghệ của đất nước và đã được ghi nhận những dấu ấn đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, luật cũng đã đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết do bối cảnh kinh tế xã hội của quốc gia, quốc tế, tình hình nghiên cứu khoa học của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Vì vậy tôi cho rằng việc sửa đổi Luật khoa học, công nghệ là hoàn toàn hợp lý và cần thiết cao.

Hai, về tổng quát Luật khoa học, công nghệ. Luật khoa học, công nghệ (sửa đổi) lần này đã có những thay đổi quan trọng đặc biệt là các điểm nhấn đáng ghi nhận như chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ. Vấn đề điều chỉnh trong xác định nhiệm vụ khoa học, công nghệ, vấn đề thay đổi cơ chế tài chính, vấn đề tổ chức khoa học, công nghệ, vấn đề tổ chức quỹ khoa học, công nghệ v.v...

Tuy nhiên nếu so với yêu cầu định hướng của nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học, công nghệ đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 thì tôi thấy dự luật này cần phải được định hướng mở hơn nữa thì mới hy vọng thúc đẩy khoa học, công nghệ phát triển nhanh và thực sự là quốc sách hàng đầu. Trên cơ sở này tôi còn một số vấn đề quan tâm xin được góp ý cụ thể cho Ban soạn thảo như sau:

Một là về chính sách của nhà nước để phát triển khoa học, công nghệ Điều 5, tôi cơ bản thống nhất với 5 điểm quan trọng mà điều luật quy định mặc dù một số điểm cần làm rõ hơn chính sách. Tôi đề nghị nên bổ sung thêm một khoản về chính sách thu hút người nước ngoài đến làm việc và kể cả đảm nhận những trọng trách quan trọng tại các cơ sở khoa học, công nghệ. Tôi biết nhiều quốc gia quanh ta đã và đang thực hiện rất thành công chính sách này như Thái Lan, Malaisia.

Hai, về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động khoa học, công nghệ, Điều 9, tôi thống nhất với các quy định của dự thảo, nhưng tôi đề xuất cần phải bổ sung thêm một số quy định mới như cấm không được công bố các kết quả khoa học sai sự thật, sao chép, đặc biệt là có thể gây những hậu quả nghiêm trọng, cấm tổ chức nghiên cứu công bố và ứng dụng kết quả khoa học, công nghệ trong lĩnh vực có thể gây ra những nguy cơ hay hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia và quốc tế để tăng thêm tính chặt chẽ.

Ba là về tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước ở Điều 29. Tôi cho rằng đây là một trong những yếu điểm mà Luật khoa học và công nghệ hiện tại gặp phải mà vẫn còn ở trong dự thảo luật này. Luật hiện có đã áp dụng nhiều hình thức khác nhau như tuyển chọn, đấu thầu để chỉ định phức tạp, nhưng hiệu quả chưa thực sự cao, đặc biệt là cơ chế xét chọn của Hội đồng, lý thì hay, nhưng thực tế thì không hay, nhiều nhà khoa học cho rằng đó là cơ chế trung bình, nghĩa là căn cứ vào tính điểm trung bình của các thành viên Hội đồng khi đánh giá. Thực ra nhiệm vụ khoa học, công nghệ không thể dựa vào điểm trung bình mà phải đánh giá là đạt hay không đạt, nhiều tổ chức khoa học, công nghệ quốc tế cũng như ở nhiều nước đã chuyển sang cơ chế phản biện độc lập, tức là phản biện kín, vừa không rườm rà, không phức tạp, ít tốn kém, tức là không phải thành lập Hội đồng, nhưng tính chính xác lại rất cao. Vì thế, tôi đề xuất trong dự luật nên tiếp cận theo hướng này và bổ sung thêm vào Điều 29 để công tác tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học, công nghệ được hiệu quả và chất lượng hơn nữa.

Bốn là về nội dung chủ yếu của các hợp đồng khoa học, công nghệ tại Điều 35, tôi nghĩ rằng nội dung của điều này chưa vượt qua được yếu điểm của các quy định hiện hành về tính phức tạp của nội dung hợp đồng đến mức làm giảm tính sáng tạo của nghiên cứu khoa học. Tôi xin lấy ví dụ một điểm nhỏ trong quy định của điều này là phương pháp nghiên cứu khoa học cũng là một nội dung của hợp đồng, có nghĩa là nó trở thành pháp lý mà trong quá trình triển khai nhiệm vụ khoa học không được điều chỉnh, trong khi bản chất của nghiên cứu khoa học là sáng tạo, là thử nghiệm các phương pháp để có kết quả tốt nhất. Nếu như phương pháp đã được xác định trong hợp đồng thì nhà khoa học không thể điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học hay nói khác đi, nó không còn tính sáng tạo nữa.

Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nên điều chỉnh theo hướng quy định mở, tức là đặt các nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong đó trọng tâm là kết quả đầu ra và vấn đề tài chính trong hợp đồng nghiên cứu khoa học.

Năm, về vấn đề quyền, nghĩa vụ của bên đặt hàng, hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học, công nghệ tại Điều 36, Điều 37.

Tôi cho rằng quy định của hai điều này còn phức tạp, nặng về sở hữu kết quả nghiên cứu, trong đó, kết quả là do cơ quan đặt hàng sở hữu là chính, nhưng bản chất sở hữu là báo cáo chứ chưa thực sự sở hữu về kết quả, vì kết quả gắn với người nghiên cứu. Vì thế trong thực tế còn nặng tính hình thức.

Tôi cho rằng, kết quả của các nhiệm vụ khoa học, công nghệ nên quy định theo hướng công bố chính thống các kết quả trong các tạp chí, sách báo để nhiều người có thể dùng và tăng kiến thức cho xã hội mà nhiều quốc gia đã và đang thực hiện. Ngoại trừ các nhiệm vụ đặc biệt thì cần phải có sự quản lý kết quả nghiên cứu chặt chẽ.

Sáu, về đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học, công nghệ ở Điều 50. Tôi cơ bản thống nhất với quy định của điều này, nhưng tôi đề nghị cần quy định thêm một cơ chế ưu tiên trong nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ trẻ, nhất là cán bộ sau khi được đào tạo để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, xem đó là quá trình đào tạo và chuẩn bị đội ngũ khoa học giỏi cho đất nước trong tương lai.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia kể cả những quốc gia có nền khoa học, công nghệ phát triển như Nhật bản thì nhà nước thành lập các quỹ để hỗ trợ cán bộ trẻ, ví dụ dưới 37 tuổi, để thực hiện các đề tài nghiên cứu. Vì lẽ này, tôi xin đề nghị dự luật xem xét đưa vào nội dung của Điều 50 và các điều có liên quan như Điều 55, Điều 56 về việc thành lập quỹ cho các nhà nghiên cứu khoa học trẻ.

Về điều kiện áp dụng chế độ khoán đối với nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước ở Điều 54. Tôi đánh giá rất cao việc quy định cơ chế khoán trong nghiên cứu khoa học, mặc dù quy định khoán đã có Thông tư 93 năm 2006 giữa Bộ Tài chính và Bộ khoa học và công nghệ nhưng thực sự chưa được thực hiện hiệu quả, lần này lại được đề cập trong dự luật cho thấy đây là sự quyết tâm trong tháo gỡ bất cập trong cơ chế tài chính nhằm thúc đẩy hay nói khác hơn là tạo một luồng gió mới trong nghiên cứu khoa học.

Tuy vậy, tôi thấy khoán chi chưa phải là giải pháp duy nhất để tháo gỡ khó khăn trong cơ chế tài chính mà cần phải có nhiều cơ chế mới hơn nữa.

Trong thời gian qua, có dịp tham gia các đoàn giám sát về thực hiện Luật khoa học và công nghệ hiện tại ở một vài địa phương, tiếp xúc với rất nhiều nhà khoa học, tham gia nhiều hội đồng khoa học, nghiệm thu hoặc xét duyệt nhiệm vụ khoa học các cấp cũng như bản thân tham gia nghiên cứu khoa học, tôi thấy rằng các nhà khoa học đang chờ một cơ chế khác bên cạnh cơ chế khoán, đó là cơ chế tài chính mở hay nói cách khác là cơ chế tài chính thông thoáng. Nghĩa là người thực hiện nhiệm vụ khoa học không phải quá vất vả và mất nhiều thời gian trong việc lập dự toán tài chính chi tiết và thanh toán rất nghiêm theo dự toán, điều này rất khó trong nghiên cứu khoa học. Tôi đề nghị luật nên quy định mở cho phép dự toán tổng quát và người làm nghiên cứu được phép quyết định chi trong giới hạn tài chính cho từng khoản mục chi được phê duyệt. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng tài chính được nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với nhiệm vụ khoa học lớn thì kiểm toán là một giải pháp cần phải đi kèm.

Điểm cuối cùng, về trách nhiệm của Bộ khoa học và công nghệ ở Điều 76, tôi đề nghị trong luật nên quy định là Bộ khoa học và công nghệ có trách nhiệm thành lập các hội đồng khoa học, công nghệ trong các vùng, miền có tính đặc thù để định hướng cho các chính sách và đầu tư khoa học, công nghệ phù hợp với lợi thế cũng như yêu cầu thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả của nghiên cứu khoa học.

Trên đây là một số góp ý của tôi cho dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan