Góp ý của ĐBQH Thạch Thị Dân – Trà Vinh đối với dự thảo Luật khoa học công nghệ sửa đổi

Thứ Ba 14:49 18-12-2012

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội. Tôi cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi bổ sung dự án luật để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai thực hiện ba nhiệm vụ then chốt mang tính đột phá cho hoạt động khoa học và công nghệ. Tiếp tục đổi mới cơ bản toàn diện và đồng bộ tổ chức cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động khoa học, công nghệ, tăng cường năng lực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề cốt yếu của đất nước. Hoạt động khoa học và công nghệ đã và đang được Đảng, nhà nước quan tâm sâu sắc, tiếp tục khẳng định khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước trong thời gian tới. Sau 16 năm Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII đi vào cuộc sống, khoa học, công nghệ nước ta đã có bước tiến trong xây dựng và phát triển tiềm lực đạt được nhiều thành tựu quan trọng đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống đưa nước ta từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Hoạt động khoa học, công nghệ đã đạt được những thành tựu như khoa học, công nghệ bước đầu có đóng góp quan trọng thiết thực phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiềm lực khoa học, công nghệ được củng cố và có bước tiến phát triển, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ đã và đang được đổi mới với môi trường pháp luật ngày càng hoàn thiện. Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ chuyển dần sang giai đoạn chủ động hội nhập. Thị trường khoa học và công nghệ, các dịch vụ khoa học, công nghệ có bước phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động khoa học, công nghệ vẫn còn tồn tại những hạn chế yếu kém vì tiềm lực khoa học, công nghệ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa với khu vực và thế giới cụ thể như ở hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng chưa quy hoạch thống nhất trong toàn quốc, phân bổ còn bất hợp lý giữa các vùng miền, hiệu quả hoạt động chưa cao còn chồng chéo trong nước, chức năng, nhiệm vụ các viện nghiên cứu lớn chủ yếu tập trung ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong khi các địa phương ở vùng sâu, vùng xa miền núi rất thiếu những tổ chức khoa học, công nghệ mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học, công nghệ nhìn chung còn thấp. Từ thực trạng nêu trên, tôi xin đề xuất một số vấn đề cụ thể như sau.

Thứ nhất, Điều 5 chính sách của nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ tại Khoản 3 tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể vào trước cụm từ tham gia tư vấn phản biện giám định xã hội vào Khoản 3 điều này được hoàn thiện như sau. Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nhân lực, trọng dụng nhân tài khoa học, công nghệ. Hội khoa học, công nghệ, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tham gia tư vấn phản biện giám định xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ, nhằm thực hiện theo Kết luận số 62 ngày 8/12/2009 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội về chủ động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội.

Điều 23 về nghĩa vụ của cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, tôi đề nghị bổ sung thêm Khoản 5 nhằm hạn chế việc sao chép và chỉnh sửa kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ. Khoản 5 được bổ sung cụ thể như sau: "Cần khách quan, trung thực về số liệu và kết quả nghiên cứu khoa học".

Điều 50 quy định đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ. Khoản 2 luật hiện hành quy định đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài về khoa học và công nghệ, hàng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách để đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài. Chú trọng phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, những người có trình độ cao, kỹ thuật viên lành nghề.

Thực trạng hiện nay về hoạt động khoa học và công nghệ ở các vùng sâu, vùng xa, miền núi đội ngũ khoa học, công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng và năng lực vẫn còn hạn chế. Phân bố cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ chưa được khắc phục, cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng khoa học, công nghệ còn thiếu và lạc hậu.

Tuy nhiên, trong thời gian qua ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi còn có những người nông dân, học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Để khích lệ các đối tượng này tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ tôi đề xuất ở Khoản 2, Điều 50 cần quy định cụ thể một khoản về chính sách đặc thù trong công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực về khoa học và công nghệ cho cá nhân, tổ chức làm công tác khoa học và công nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Như vậy, ở Khoản 2 Điều 50 được viết lại như sau: "Hàng năm Nhà nước dành một khoản ngân sách để đào tạo, đào tạo lại nhân lực về khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài. Chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, những người có trình độ cao, kỹ thuật viên lành nghề và ưu tiên cho đối tượng hoạt động khoa học và công nghệ ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi". Nếu có chính sách như vậy sẽ khuyến khích được nhiều đối tượng tham gia vào hoạt động khoa học và công nghệ của nước ta.

Thứ tư, một số điều, khoản trong dự án luật vẫn còn quy định các điều, khoản quét rất khó thực thi. Cụ thể ở Điều 14, Khoản 1, Tiết o, Điều 15, Khoản 8, Điều 23, Khoản 4, Điều 49, Khoản 5, Điều 51, Khoản 3 đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại. Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan