VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2015/TT-NHNN về báo cáo thống kê của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 8646/BTC-UBCK của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (Điều 4)
- Vi phạm về giải tỏa số tiền thu được
Điểm c khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán giải tỏa hoặc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán trước khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán”.
Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán đang được soạn thảo, trong đó quy định về việc giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán chỉ được thực hiện khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông báo bằng văn bản về việc xác nhận kết quả chào bán chứng khoán. Các doanh nghiệp phản ánh, trên thực tế có hiện tượng doanh nghiệp đã nộp báo cáo đầy đủ, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chậm ra thông báo. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không được giải tỏa số tiền thu được sớm. Xuất phát từ thực tiễn này và trên cơ sở tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, VCCI đã kiến nghị trong bản góp ý Dự thảo Nghị định này theo hướng, trường hợp sau thời hạn 03 ngày mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu thì doanh nghiệp được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
Trường hợp đề xuất trên được ghi nhận thì quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Dự thảo không còn phù hợp. Đề nghị Ban soạn thảo theo dõi các quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Chứng khoán về vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Góp ý tương tự đối với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6.
- Vi phạm của công ty không phải là công ty đại chúng
Điểm d khoản 1 Điều 4 Dự thảo xử phạt đối với hành vi “công ty cổ phần không phải công ty đại chúng, công ty trách nhiệm hữu hạn công bố thông tin hoặc không đầy đủ, công bố thông tin hoặc báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ”.
Quy định hành vi này trong Điều 4 là chưa hợp lý, vì Điều 4 quy định vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
Đề nghị tách hành vi quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 ra khỏi Điều 4 và thiết kế thành điều khoản riêng quy định vi phạm quy định pháp luật về phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ của công ty cổ phần không phỉa là công ty đại chúng, công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Hành vi không cùng tính chất trong một khung xử phạt
Điểm c khoản 2 Điều 10 Dự thảo xử phạt hành vi “không thực hiện thông báo”, “thực hiện thông báo không đúng thời hạn” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty theo quy định vào một khung xử phạt. Điều này là chưa hợp lý, vì tính chất vi phạm của hai hành vi này là khác nhau (“không thông báo” là hoàn toàn không thực hiện nghĩa vụ, “thông báo không đúng thời hạn” là có thực hiện nghĩa vụ nhưng chưa đúng về thời hạn). Đề nghị Ban soạn thảo tách thành hai hành vi riêng và ở hai khung xử phạt khác nhau, trong đó hành vi “thông báo không đúng thời hạn” ở mức phạt nhẹ hơn.
Góp ý tương tự, đề nghị Ban soạn thảo tách thành hai hành vi riêng “không thông báo” hoặc “thông báo không kịp thời” về việc bán giải chấp chứng khoán, bán chứng khoán cầm cố hoặc về kết quả giao dịch cho khách hàng theo quy định pháp luật tại điểm e khoản 1 Điều 22 Dự thảo vào hai khung xử phạt khác nhau.
Góp ý tương tự tại điểm b khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 27, điểm b khoản 2 Điều 37
- Vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng (Điều 11)
Điểm a khoản 3 Điều 11 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm nhiệm chức danh Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc kiêm nhiệm chức danh chủ tịch hội đồng quản trị của các tổ chức niêm yết trong trường hợp pháp luật quy định không được kiêm nhiệm”.
Quy định trên đưa đến hai cách hiểu:
- (1) Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc trong cùng một tổ chức niêm yết hoặc kiêm nhiệm chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị của các tổ chức niêm yết khác;
- (2) Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm nhiệm chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc/Chủ tịch Hội đồng quản trị của các tổ chức niêm yết khác.
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng rõ ràng hơn (có thể là cách thứ (1)).
- Vi phạm quy định về mua lại cổ phiếu (Điều 12)
- Xử phạt đối với hành vi vi phạm về báo cáo
Điểm a khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “đã báo cáo nhưng chưa có văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo việc mua lại cổ phiếu”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Chứng khoán 2019 thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gửi văn bản thông báo cho công ty đại chúng về việc nhận được đày đủ tài liệu báo cáo mua lại cổ phiếu, trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhàn ước có văn bản gửi công ty đại chúng nêu rõ nội dung, yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Theo quy định trên thì khi gửi báo cáo, sẽ có có một khoảng thời gian để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phản hồi về báo cáo, và kể cả trong trường hợp báo cáo chưa đầy đủ, hợp lệ, doanh nghiệp cũng sẽ có một khoảng thời gian sửa đổi, bổ sung. Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Dự thảo sẽ đưa đến cách hiểu, trong khoảng thời gian chờ phản hồi hoặc sửa đổi, bổ sung tài liệu sau khi gửi báo cáo, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Điều này là chưa phù hợp với quy định tại Luật Chứng khoán.
Để đảm bảo tính thống nhất và hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định trên tại điểm a khoản 2 Điều 12 Dư thảo hoặc sửa đổi theo hướng “Mua lại cổ phiếu nhưng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định pháp luật hoặc đã báo cáo nhưng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ chối theo quy định pháp luật”.
- Xử phạt đối với hành vi không giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu
Điểm c khoản 1 Điều 12 Dự thảo xử phạt hành vi “không làm thủ tục giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện mua lại cổ phiếu của chính mình theo quy định pháp luật” từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.
Điểm đ khoản 2 Điều 12 Dự thảo xử phạt hành vi “mua lại cổ phiếu nhưng không làm thủ tục giảm vốn điều lệ trong thời hạn pháp luật quy định” từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Hành vi quy định tại điểm c khoản 1 đã bao gồm cả hành vi quy định tại điểm đ khoản 2. Do vậy, áp dụng khung hình phạt khác nhau cho hai hành vi này là chưa hợp lý và có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 12 Dự thảo.
- Vi hành quy định về hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (Điều 23)
Điểm b khoản 1 Điều 23 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không ký kết hợp đồng bằng văn bản với khách hàng khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng hoặc hợp đồng ký kết với khách hàng không có đầy đủ nội dung theo quy định” là chưa hợp lý.
Bởi vì đây là hành vi thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự với các biện pháp xử lý hậu quả tương ứng. Dưới góc độ của mối quan hệ hành chính, hành vi này không ảnh hưởng đáng kể, vì vậy xử phạt đối với hành vi này là chưa hợp lý. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Dự thảo.
- Một số góp ý khác
a. Một số khái niệm chưa rõ ràng
Dự thảo có một số quy định còn mang tính định tính, chưa tạo cách hiểu thống nhất, có thể gây khó khăn trên thực tế áp dụng, ví dụ:
- Điểm a khoản 4 Điều 4 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng”. “Sai lệch nghiêm trọng” là khái niệm chưa rõ (tính nghiêm trọng được xác định dựa trên căn cứ nào?), đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng định lượng đối với quy định này.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 2 Điều 5; điểm a khoản 2 Điều 8; khoản 4 Điều 14;
- Khoản 1 Điều 17 Dự thảo quy định xử phạt đối với “Sở giao dịch chứng khoán không xử lý kịp thời những trường hợp tổ chức niêm yết không duy trì đầy đủ điều kiện niêm yết theo quy định”. “Không xử lý kịp thời” là khái niệm chưa rõ, cần phải quy định rõ để tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được đối với khái niệm này.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 1 Điều 18, điểm d khoản 3 Điều 34 Dự thảo.
b. Khoảng cách của khung xử phạt quá rộng
- Điều 6 Dự thảo quy định xử phạt đối với các vi phạm quy định về thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng tại Việt Nam trong đó các khung xử phạt đối với từng nhóm hành vi có mức sàn và mức trần cách nhau khoảng 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, riêng khung xử phạt đối với nhóm hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 lại có khoảng cách khá rộng giữa mức sàn và mức trần 200.000.000 đồng (từ 500.000.000 đồng đến 700.000.000 đồng). Khoảng cách mức phạt rộng có trao quá nhiều quyền cho cán bộ thực thi trong quyết định mức phạt và tạo ra nguy cơ đối xử bất bình đẳng đối với những đối tượng bị xử phạt.
Để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp khung xử phạt tại khoản 5 Điều 6 Dự thảo (có thể khung xử phạt từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng).
Góp ý tương tự đối với khoảng cách của khung xử phạt quy định tại khoản 4 Điều 13, khoản 5 Điều 14 Dự thảo.
c. Một số vi phạm quy định về hành nghề chứng khoán và về quản lý nhân viên, người hành nghề chứng khoán
Theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Chứng khoán năm 2019 thì người hành nghề chứng khoán không được thực hiện các hành vi sau:
- Đồng thời làm việc cho từ 02 công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trở lên;
- Mở, quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán nơi mình không làm việc, trừ trường hợp công ty chứng khoán nơi mình đang làm việc không có nghiệp vụ môi giới chứng khoán;
- Thực hiện hành vi vượt quá phạm vi ủy quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán nơi mình đang làm việc.
Dự thảo không quy định xử lý đối với những hành vi này, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung để đảm bảo thống nhất Luật Chứng khoán năm 2019.
d. Vi phạm quy định về giao dịch của một số chủ thể (Điều 28)
Khoản 3 Điều 28 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn về việc dự kiến giao dịch, về kết quả thực hiện giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch được thực hiện tính theo mệnh giá hay tính theo giá trị giao dịch thực tế. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề này.
e. Dẫn chiếu quy định
Khoản 1 Điều 31 Dự thảo dẫn chiếu chưa chính xác quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán quy định Luật Chứng khoán, chính xác là “khoản 3 Điều 12”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định dẫn chiếu này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.