VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 35/2015/TT-NHNN về báo cáo thống kê của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Kính gửi: Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 5278/NHNN-DBTK của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở góp ý của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Về thời hạn gửi báo cáo tháng
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 11 Dự thảo thì chậm nhất vào ngày 07 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo các đơn vị báo cáo gửi báo cáo. So với quy định hiện hành thì thời hạn gửi báo cáo đã được quy định sớm hơn, từ ngày 12 hàng tháng xuống ngày 07 hàng tháng.
Việc đẩy thời hạn nộp báo cáo sớm hơn, theo phản ánh của doanh nghiệp là chưa hợp lý, bởi vì:
- Thời gian để thực hiện các báo cáo định kỳ Tháng là khá gấp gáp (hạn ngày 7 nhưng thực chất nếu trừ ngày nghỉ cuối tuần thì thời hạn thực tế chỉ khoảng 5 ngày làm việc), trong khi đó báo cáo lại tập trung hầu hết ở định kỳ Tháng với số lượng báo cáo rất lớn.
Mặt khác, so với Thông tư 11/2018/TT-NHNN số lượng báo cáo các tổ chức tín dụng phải nộp theo quy định tại Dự thảo tăng lên đáng kể (tổ chức tín dụng phải thực hiện tổng cộng 147 biểu báo cáo, trong đó 23 biểu báo cáo mới bổ sung, 126 biểu báo cáo có sửa đổi/chuyển từ các thông tư hiện hành) và nội dung có mức độ phức tạp hơn, một số thông tin phải thu thập thủ công (ví dụ: Báo cáo 028N yêu cầu đánh giá doanh thu của dự án BT/BOT so với doanh thu kế hoạch). Với tính chất này, các tổ chức tín dụng cần nhiều thời gian để thực hiện đối chiếu, rà soát thông tin để các dữ liệu báo cáo đảm bảo tính chính xác, thống nhất trong toàn hệ thống.
- Bên cạnh số lượng lớn báo cáo gửi cho Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng còn phải thực hiện rất nhiều các báo cáo thống kê cho các cơ quan quản lý khác như Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cơ quan thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục thống kê…
Vì vậy, việc yêu cầu thời hạn nộp báo cáo sớm hơn sẽ tạo ra áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giữ nguyên thời hạn báo cáo tháng như quy định hiện hành, tức là ngày 12 hàng tháng.
- Hiệu lực thi hành
Khoản 1 Điều 24 Dự thảo quy định Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 (có sự nhầm lẫn trong đánh số năm, phải là 2021 chứ không phải là 2020). Theo ý kiến của một số ngân hàng thì Dự thảo đã bổ sung thêm một số lượng đáng kể báo cáo và sửa đổi, bổ sung một số báo cáo hiện hành, do đó các tổ chức tín dụng cần có một khoảng thời gian hợp lý để phân tích dữ liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để đảm bảo thực hiện được nghĩa vụ báo cáo này.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lùi thời hạn áp dụng Thông tư so với đề xuất tại Dự thảo (có thể là vào ngày 01/4/2021).
- Nội dung chi tiết của các mẫu biểu báo cáo
Theo phản ánh của doanh nghiệp thì một số nội dung trong các mẫu biểu báo cáo còn chưa rõ ràng về khái niệm, một số nội dung yêu cầu báo cáo chưa hợp lý, khó thực hiện, tạo gánh nặng cho đối tượng báo cáo.
VCCI đính kèm công văn này các văn bản góp ý chi tiết của doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để chỉnh sửa các mẫu biểu báo cáo đảm bảo tính hợp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.