VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán
Kính gửi: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính
Ngày 16/7/2020 vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Trả lời Công văn số 7227/BTC-UBCK của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo, trên cơ sở ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, hiệp hội tại Hội thảo trên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới cơ quan soạn thảo tổng hợp các ý kiến góp ý như sau:
- Về báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16, khoản 8 Điều 17 Dự thảo thì trong một số trường hợp nhất định, để chào bán trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải có “Báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm về tổ chức phát hành của tổ chức xếp hạng tín nhiệm của Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh”. Đây là quy định mới so với hiện hành, được cho là phù hợp với thông lệ chung khi phát hành trái phiếu ra công chúng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng cần phải có lộ trình hợp lý để thực hiện quy định này, bởi vì trên thị trường hiện nay số công ty được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm là rất ít (theo thống kê hiện mới chỉ có 02 công ty được cấp giấy phép này). Nhiều doanh nghiệp lo ngại với số lượng ít như vậy thì các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm có đủ khả năng, nguồn lực để xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức phát hành, có tạo ra tình trạng độc quyền hay không?
Mặc dù, theo giải trình của Ban soạn thảo, chỉ có một số trường hợp chào bán trái phiếu mới cần phải có báo cáo kết quả xếp hạng tín nhiệm nhưng cần phải có số liệu khách quan để đánh giá về tính khả thi của quy định này, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phát hành chào bán trái phiếu ra công chúng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải trình về đánh giá tác động của quy định này, nếu trường hợp giải trình chưa đầy đủ, đề nghị quy định lộ trình áp dụng quy định về điều kiện này.
- Đại diện người sở hữu trái phiếu (Điều 21)
Điều 21 Dự thảo quy định người đại diện sở hữu trái phiếu là thành viên lưu ký được tổ chức phát hành chỉ định đại diện cho người sở hữu trái phiếu, đồng thời quy định trách nhiệm của người sở hữu trái phiếu.
Đây là quy định mới so với hiện hành và Dự thảo chưa quy định rõ về mối quan hệ giữa đại diện người sở hữu trái phiếu và các trái chủ có phải là quan hệ ủy quyền không? Đại diện người sở hữu trái phiếu có phải là người được ủy quyền của các trái chủ hay không và có phát sinh các nghĩa vụ khác với nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 21 Dự thảo, theo quy định của Bộ luật Dân sự hay không?
Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ vấn đề trên.
- Các trường hợp chào mua công khai (Điều 77)
Theo quy định tại khoản 3 Điều 77 Dự thảo thì trường hợp không phải chào mua công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 Luật Chứng khoán thì cổ đông, nhà đầu tư là đối tượng chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng và người có liên quan của các cổ đông, nhà đầu tư này không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. “Việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được thông qua khi có số cổ đông, nhà đầu tư đại diện tối thiểu 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết, chứng chỉ quỹ đóng đang lưu hành còn lại tán thành”.
Việc Dự thảo quy định cứng tỷ lệ biểu quyết thông qua của đại hội đồng cổ đông cho việc chuyển nhượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong trường hợp trên dường như là chưa phù hợp với quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020. Bởi vì, Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tỷ lệ biểu quyết thông qua tối đa của đại hội đồng cổ đông trong một số trường hợp cụ thể và Điều lệ doanh nghiệp sẽ quy định các tỷ lệ biểu quyết cụ thể. Tỷ lệ biểu quyết và vấn đề biểu quyết quy định tại khoản 3 Điều 77 Dự thảo chưa phù hợp với quy định tại Điều 148 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng dẫn chiếu sang quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc do Điều lệ của doanh nghiệp quy định.
- Điều kiện đăng ký niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tại Sở giao dịch chứng khoán (Điều 100)
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Dự thảo thì một trong những điều kiện niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán là “đã giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom tối thiểu 02 năm”. Một số doanh nghiệp cho rằng, điều kiện này cần phải cân nhắc lại để khuyến khích doanh nghiệp đăng ký niêm yết, huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn khi có nhu cầu niêm yết hoặc huy động vốn qua giao dịch chứng khoán, mong muốn niêm yết cổ phiếu ngay trên Sở giao dịch chứng khoán chứ ít khi đăng ký giao dịch trên Upcom, vì thị trường Upcom hiện chưa thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ điều kiện trên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 100 Dự thảo.
- Hoạt động đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài (Điều 130)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 130 Dự thảo thì “đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu”.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán thì nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư, hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (khoản 1 Điều 51); Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm giám sát tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán (khoản 2 Điều 55), Dự thảo cũng quy định nghĩa vụ của các tổ chức phát hành là tuân thủ về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài khi chào bán chứng khoán. Việc yêu cầu tổ chức phát hành và Tổng Công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm kiểm soát việc tuân thủ về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là hợp lý và khả thi, còn đại diện giao dịch, tổ chức kinh doanh chứng khoán cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nước ngoài – với vai trò là đại diện bên mua rất khó để biết và kiểm soát được giới hạn sở hữu này.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 5 Điều 130 Dự thảo.
- Xử lý tài sản đảm bảo là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 162)
Theo quy định tại Điều 162 Dự thảo thì việc xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán đã đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật chứng khoán và pháp luật có liên quan khác.
Hiện tại chưa có quy định cụ thể việc xử lý tài sản bảo đảm như bán, chuyển quyền sở hữu chứng khoán phải thông qua bên bảo đảm, do đó không thể xử lý tài sản bảo đảm khi chưa được sự đồng ý của bên bảo đảm, như ký lệnh bán, hồ sơ chuyển quyền sở hữu tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoánViệt Nam.
Trên thực tế, công ty chứng khoán được bên cho vay ủy quyền không hủy ngang toàn quyền xử lý chứng khoán thế chấp theo yêu cầu của bên cho vay/bên nhận bảo đảm khi xảy ra sự kiện vi phạm hợp đồng (không thanh toán đúng lãi và/hoặc nợ gốc khi đến hạn, bên vay vi phạm hợp đồng vay). Tuy nhiên, pháp luật dân sự chưa có quy định về ủy quyền không hủy ngang, do đó, công ty chứng khoán gặp phải rủi ro pháp lý nếu thực hiện việc ủy quyền này.
Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên và tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể công ty chứng khoán được phép xử lý tài sản bảo đảm như bán chứng khoán, chuyển quyền sở hữu chứng khoán theo thỏa thuận cầm cố/thế chấp của bên bảo đảm và bên nhận tài sản bảo đảm tại thời điểm yêu cầu phong tỏa chứng khoán mà không cần có thêm lệnh bán hoặc sự đồng ý của bên bảo đảm, không bắt buộc phải giải tỏa trước khi thực hiện thủ tục xử lý tài sản bảo đảm và tiền thu được từ việc xử lý tái sản bảo đảm chỉ được giải tỏa theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán (Điều 166)
Theo quy định tại điểm a khoản 5, khoản 6 Điều 166 thì trong hồ sơ phải có:
- (1) Lý lịch tư pháp của cổ đông, thành viên góp vốn;
- (2) Phương án kinh doanh
Yêu cầu hai tài liệu trên là chưa phù hợp bởi vì:
- Đối với tài liệu (1): điểm d khoản 5 Điều 74 Luật Chứng khoán chỉ yêu cầu cầu điều kiện “không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ” đối với tổng giám đốc, chứ không phải là tất cả các cổ đông, thành viên góp vốn. Vì vậy yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp cấp cho cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn dự kiến trên 5% vốn điều lệ là chưa phù hợp;
- Đối với tài liệu (2) là không thể hiện điều kiện nào quy định tại Điều 74 Luật Chứng khoán.
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ các tài liệu trên.
- Số lượng người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (Điều 172)
Khoản 1 Điều 172 Dự thảo quy định công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có không quá 02 người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm. Quy định này là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Bộ luật dân sự năm 2015 về việc một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.
Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về giới hạn số lượng người đại diện theo pháp luật tại một thời điểm của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
- Địa điểm của văn phòng đại diện trong nước của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ (Điều 183)
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 183 Dự thảo thì “địa điểm đặt văn phòng đại diện không nằm trong phạm vi địa bàn tỉnh, thành phố nơi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh”.
Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới đơn vị hành chính”. Quy định trên tại Dự thảo là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020. Mặt khác, văn phòng đại diện có các chức năng đã được quy định tại Dự thảo, việc đặt văn phòng đại diện tại đâu, với số lượng bao nhiêu nên để doanh nghiệp tự quyết định dựa trên yêu cầu thực tế hoạt động của mình. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Chào bán sản phẩm tài chính (Điều 193)
Điểm đ khoản 1 Điều 193 Dự thảo quy định tổ chức phát hành thực hiện chào bán sản phẩm tài chính phải “được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua việc chào bán sản phẩm tài chính, chấp thuận quyền của người sở hữu sản phẩm tài chính”.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đại hội đồng cổ đông chỉ quyết định những giao dịch bán tài sản có giá trị rất lớn, sản phẩm tài chính đa dạng và phong phú, trong nhiều trường hợp không có giá trị lớn, vì vậy yêu cầu đại hội đông cổ đông – đa số họp mỗi năm một lần, quyết định việc bán sản phẩm này sẽ gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định cho phép hội đồng quản trị được quyền quyết định chào bán sản phẩm tài chính.
- Điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán (Điều 203)
Điều 203 Dự thảo hướng dẫn chi tiết các điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán, trong đó về chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, Dự thảo quy định phải “có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng” (điểm b khoản 3).
Quy định này là chưa phù hợp với khoản 2 Điều 97 Luật Chứng khoán, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm c khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 203 Dự thảo.
- Một số tài liệu trong Hồ sơ xin cấp phép chưa đảm bảo tính minh bạch và hợp lý
- Về hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng (Điều 9)
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Dự thảo thì trong Hồ sơ phải có “văn bản cam kết tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích”. Việc yêu cầu doanh nghiệp phải có tài liệu này là không cần thiết, bởi vì: i) đây là thông tin cơ quan cấp phép có thể kiểm tra thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước khác; ii) văn bản cam kết của doanh nghiệp không có giá trị pháp lý chứng minh doanh nghiệp thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán.
Để đảm bảo tính hợp lý và giảm thiểu hồ sơ trong thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định phải có văn bản trên trong hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 7 Điều 19, khoản 3 Điều 37.
- Về hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông trong công ty đại chúng (Điều 11)
Khoản 4 Điều 11 Dự thảo quy định trong hồ sơ phải có “tài liệu chứng minh cổ đông là chủ sở hữu hợp pháp số cổ phiếu đăng ký chào bán và số cổ phiếu được tự do chuyển nhượng”. Quy định này là chưa rõ về loại tài liệu cụ thể nào có thể chứng minh được điều này. Trong khi các tài liệu khác trong hồ sơ được quy định rất cụ thể, thì tài liệu này lại quy định một cách chung chung, có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong thực tế áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể loại tài liệu này.
Góp ý tương tự đối với khoản 2 Điều 15, khoản 4 Điều 22, khoản 3 Điều 43, điểm d khoản 1 Điều 91.
- Về hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền ra công chúng (Điều 19)
Khoản 5 Điều 19 Dự thảo quy định trong hồ sơ phải có “văn bản cam kết của Hội đồng quản trị về việc triển khai niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán”. Yêu cầu phải có tài liệu này trong hồ sơ là không cần thiết, bởi vì đây thuộc về nghĩa vụ của tổ chức phát hành và nhà nước nên quản lý bằng hình thức hậu kiểm thay vì yêu cầu doanh nghiệp ký văn bản cam kết. Hơn nữa, văn bản cam kết không phải là căn cứ để xác định doanh nghiệp vi phạm và áp dụng chế tài. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 5 Điều 19 Dự thảo.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 23.
- Các góp ý khác
- Hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài (Điều 34)
Khoản 3 Điều 34 Dự thảo quy định trong Hồ sơ phải có “Báo cáo tài chính của tổ chức phát hành phải được lập theo hệ thống chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và phải được kiểm toán bởi một tổ chức kiểm toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước sở tại chấp thuận”. Quy định này chưa rõ chuẩn mực kế toán quốc tế là chuẩn mực nào (IFRS hay Local GAAP?). Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ loại chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
- Báo cáo kết quả chào bán chứng khoán ra công chúng (Điều 38)
Theo quy định tại Điều 38 Dự thảo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu báo cáo kết quả chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm “thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành về việc nhận được báo cáo kết quả chào bán hoặc có quyết định hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng của tổ chức phát hành” (điểm a khoản 2), sau khi có thông báo nhận được báo cáo kết quả chào bán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổ chức phát hành được giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán (khoản 3).
Theo phản ánh của doanh nghiệp, trên thực tế việc chậm ra thông báo của Ủy ban Chứng khoán đã xảy ra mặc dù doanh nghiệp đã nộp báo cáo đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi không được giải tỏa số tiền thu được sớm và khiến doanh nghiệp không nhận biết được sẽ phải chờ phản hồi từ phía cơ quan quản lý nhà nước đến bao giờ. Do đó, để tạo thuận lợi về mặt thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định, trường hợp sau thời hạn 03 ngày mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không ra văn bản đã nhận được đầy đủ tài liệu hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu thì doanh nghiệp được tự động giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán.
- Về cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 161 Dự thảo thì “cá nhân, tổ chức có liên quan” có quyền tìm hiểu hoặc yêu cầu cung cấp thông tin về chứng khoán đăng ký biện pháp bảo đảm tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Đề nghị Ban soạn thảo mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin trên để đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch chứng khoán.
Trên đây là một số ý kiến tổng hợp ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.