VCCI góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư

Thứ Năm 15:10 08-03-2012

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  0376 /PTM-PC

V/v: góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung

một số điều của Luật Luật sư

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày  08 tháng 03 năm 2012

Kính gửi:BỘ TƯ PHÁP

Phúc đáp Công văn số 738/BTP-BTTP về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

-         Những sửa đổi trong Dự thảo về cơ bản là hợp lý: nâng cao chất lượng của người hành nghề luật sư (kéo dài thời gian đào tạo nghề luật sư; cho phép người tập sự hành nghề luật sư tham gia vào hoạt động tố tụng; yêu cầu cao hơn đối với người hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư; yêu cầu kinh nghiệm của những người được miễn đào tạo nghề luật sư; mở rộng một số quyền cho luật sư …), đơn giản hóa một số thủ tục của người hành nghề luật sư …;

-         Về vấn đề cho viên chức được hành nghề luật sư: Ủng hộ ý kiến thứ ba: chỉ cho viên chức đang giảng dạy luật được trở thành luật sư. Bởi những người này có kiến thức sâu về luật. Nên việc cho phép họ tham gia hành nghề luật sư sẽ có thể vừa nâng cao chất lượng của đội ngũ luật sư vừa bổ sung kiến thức thực tế, góp phần nâng cao công tác giảng dạy trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gián tiếp nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư tương lai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng, khách quan khi hành nghề, nhất là trong bối cảnh nước ta hiện nay, rất nhiều cán bộ trong cơ quan tiến hành tố tụng từng học ở các trường dạy luật, là học trò của những viên chức dạy luật trong các trường đó, nên cân nhắc có cần giới hạn phạm vi hoạt động của đối tượng này, đó là, chỉ cho tham gia hoạt động tư vấn mà không được tham gia hoạt động tố tụng. Ngoài ra, cần giải quyết mối quan hệ có thể xung đột giữa đơn vị mà các viên chức này có hợp đồng lao động với việc tổ chức hành nghề tư vấn luật;

-         Về Nghĩa vụ thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí (Điều 8): Điều 8 được Dự thảo sửa đổi quy định: “1. Nghĩa vụ cao cả của luật sư là tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách; 2. Luật sư tận tâm, tích cực thực hiện yêu cầu trợ giúp pháp lý như đối với việc có thù lao”. Quy định này có được hiểu là: Luật sư bắt buộc phải trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách khi có yêu cầu? Nếu có thì đối tượng yêu cầu là ai: người nghèo, đối tượng chính sách hay tổ chức xã hội nghề nghiệp? Dự thảo sử dụng từ ngữ “nghĩa vụ cao cả” không phù hợp với ngôn ngữ pháp lý;

-         Về Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (Điều 15): Điều 15 được Dự thảo sửa đổi, bổ sung như sau: “Người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là người tập sự đã hoàn thành thời gian tập sự theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này và được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cho tham dự kiểm tra”. Việc quy định người tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư cho tham dự kiểm tra mới được tham dự kiểm tra là chưa rõ ràng, có thể tạo ra cơ chế xin – cho. Những trường hợp nào thì được Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư đề nghị cho tham dự kiểm tra? Những trường hợp nào không được? Đề nghị Dự thảo quy định theo hướng, những người đáp ứng các điều kiện về tập sự hành nghề luật sư theo quy định (như đủ thời gian thực tập, kết quả thực tập, đạo đức …) thì đương nhiên được tham dự kỳ kiểm tra mà không cần sự cho phép hay đề nghị của đơn vị, tổ chức nào;

-         Về Cấp chứng chỉ hành nghề luật sư (Điều 17): điểm c khoản 4 Điều 17 được Dự thảo sửa đổi như sau: “người đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích” sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Việc quy định kể cả trường hợp đã được xóa án tích đối với những tội phạm trên sẽ không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư liệu đã hợp lý, công bằng chưa? Theo quy định của pháp luật thì tội phạm khi đã được xóa án tích thì được xem như người chưa từng phạm tội. Việc không cho họ được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là một hình thức phân biệt đối xử, không tạo điều kiện cho họ có cơ hội được lựa chọn công việc lương thiện. Hơn nữa, căn cứ đâu để Dự thảo lại hạn chế trường hợp này trong việc hành nghề luật sư trong khi đối với các ngành nghề khác không có hạn chế này;

-         Về Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư (Điều 32):

Dự thảo quy định một trong những điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư là về “trụ sở bảo đảm đủ diện tích làm việc cho luật sư, nhân viên, tiếp khách hàng và lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật”. Thứ nhất, có cần thiết phải quy định các điều kiện “cứng” thế này không hay cho thị trường chọn lọc; thứ hai, quy định này quá chung chung, sẽ gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế. Dự thảo có sửa đổi, bổ sung về điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, các loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký tương ứng …

Ngoài ra, đề nghị có một nghiên cứu đánh giá tác động (Ria) về Luật Luật sư để xác định xem hiện nay có bao nhiêu luật sư hành nghề luật sư và “đủ sống” bằng nghề luật sư để định hướng ưu tiên phát triển chất lượng mà không nhất thiết phải “phấn đấu”cho đủ số lượng.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với các Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện các Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Lưu VT, PC

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

TRẦN HỮU HUỲNH

Các văn bản liên quan