VCCI_Góp ý Dự thảo Đề xuất sửa đổi Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng
VCCI_Góp ý Dự thảo Đề xuất sửa đổi Nghị định 52 quy định về thương mại điện tử
Kính gửi: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 4003/BCT-TMĐT ngày 04/06/2020 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp và chuyên gia, có ý kiến ban đầu như sau:
- Chính sách về đơn giản hóa thủ tục hành chính
VCCI đánh giá cao chính sách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đề xuất của cơ quan soạn thảo, ví dụ thu hẹp đối tượng phải thực hiện thủ tục thông báo website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng ưu thế của thương mại điện tử trong kinh doanh, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Cụ thể:
- Thủ tục thông báo với website thương mại điện tử bán hàng
Điều 25.1 của Nghị định 52 định nghĩa website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Như vậy, về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá). Việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết.
Hơn nữa, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương[1], đa phần các thông tin phản ánh của người dân qua Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử chủ yếu liên quan đến việc doanh nghiệp không thực hiện thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký, thông báo hoạt động), chiếm từ 78% trở lên số phản ánh[2]. Cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các doanh nghiệp không đăng ký website thương mại điện tử của mình. Như vậy, có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.
- Thủ tục cấp phép với sàn thương mại điện tử nhỏ
Điều 36.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định tất cả các sàn thương mại điện tử, bất kể quy mô, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động. Phương thức quản lý các sàn thương mại điện tử lớn, nhỏ như nhau là chưa hợp lý do việc này khiến các sàn thương mại điện tử nhỏ hoặc mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt. Thực tế, mặc dù đến hết năm 2018, cả nước có 910 sàn thương mại điện tử được cấp phép, nhưng 20 sàn thương mại điện tử lớn nhất đã chiếm đến 86% tổng doanh thu[3], còn lại đa phần là các sàn nhỏ. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn thương mại điện tử nhỏ. Theo đó, các sàn thương mại điện tử nhỏ chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.
- Chính sách về quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử
VCCI đồng tình với mục tiêu của chính sách, do việc áp dụng các biện pháp để quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển thương mại điện tử bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp quản lý cần được cân nhắc để tránh tạo những bất lợi không cần thiết cho việc phát triển của thương mại điện tử, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về những thông tin bắt buộc mà người bán phải có khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, quy định này cần cân bằng giữa quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng và khả năng thực hiện của người bán, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử. Dự thảo hiện đang đề xuất hai phương án có quy định này:
- Phương án 1 yêu cầu sàn thương mại điện tử phải thu thập những thông tin về người bán (tên, địa chỉ; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân; phương thức liên lạc) và công khai lên gian hàng của người bán.[4] Quy định này là chưa phù hợp và làm khó cho các sàn thương mại điện tử do việc công khai những thông tin như vậy (đặc biệt là số điện thoại hoặc địa chỉ) có thể khiến người bán và người mua “lách” các quy định của sàn, tự liên lạc để giao dịch với nhau, dẫn đến gây thiệt hại cho các sàn thương mại điện tử;
- Phương án 2 chỉ quy định công khai thông tin với nhóm hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Quy định như vậy không hợp lý do các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện áp đặt điều kiện cho chủ thể kinh doanh, mà không phải cho bản thân hàng hóa, dịch vụ đang được trưng bày, giới thiệu; và do đó người tiêu dùng sẽ có thể vẫn thiếu thông tin khi xem xét mua hàng hóa, dịch vụ;
Giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử, về bản chất, cũng là việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Do vậy, các thông tin được công khai trên sàn nên tương đương với các thông tin mà người tiêu dùng có thể tiếp cận được khi mua sắm trực tiếp. Điều 17 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về “mức độ an toàn, chất lượng, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa; việc bảo hành hàng hóa, khả năng gây mất an toàn của hàng hóa và cách phòng ngừa”. Đồng thời, Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007[5] và Điều 15.3 Nghị định 127/2007/NĐ-CP[6] hướng dẫn Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006 quy định thương nhân có trách nhiệm thể hiện các nội dung này trên một trong các phương tiện: bao bì hàng hóa; nhãn hàng hóa; tài liệu kèm theo hàng hóa, sản phẩm. Như vậy, các thông tin người tiêu dùng có thể tiếp cận được là các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, dịch vụ.
Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng các thông tin bắt buộc người bán phải có là các thông tin được ghi trên nhãn hàng hóa của sản phẩm, dịch vụ (ngoại trừ những thông tin mang tính biến động theo từng sản phẩm, chẳng hạn như thông tin về số khung và số vin của sản phẩm ô tô, xe máy).
Thứ hai, một số quy định về trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử còn chưa hợp lý, có thể gây khó khăn cho các chủ sàn trong việc tuân thủ:
- Trách nhiệm báo cáo trong vòng 24h với việc xử lý hàng hóa, dịch vụ vi phạm (Điều 1.9 Đề cương Dự thảo): Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo trong vòng 24h là không khả thi và chưa phù hợp do khối lượng công việc rất lớn. Việc xử lý hàng hoá, dịch vụ vi phạm là công việc thường xuyên của các sàn thương mại điện tử và có lẽ không cần phải báo cáo cơ quan nhà nước một cách thường xuyên, mà chỉ cần lưu trữ hồ sơ để chuẩn bị khi thanh kiểm tra
- Trách nhiệm cung cấp công cụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước tra cứu, định danh người bán, các giao dịch liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 1.10 Đề cương Dự thảo): Quy định này là chưa phù hợp do việc thiết kế và vận hành một công cụ riêng chỉ để phục vụ mục đích tra cứu thông tin sẽ gây ra những gánh nặng rất lớn về chi phí và nhân lực cho doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ công tác quản lý của mình.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ các quy định trên.
Thứ ba, các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử sẽ phải thực hiện thủ tục cập nhật lại thông tin đăng ký[7] nếu quy định bổ sung một số thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử có hiệu lực. Theo Báo cáo đánh giá tác động, các doanh nghiệp sẽ phải phát sinh khoản chi phí khoảng 6 tỷ đồng[8] cho thủ tục này. Về bản chất, thủ tục cập nhật lại thông tin đăng ký nhằm đảm bảo các thay đổi này phù hợp với các điều kiện mà pháp luật đặt ra hoặc nhằm đảm bảo cung cấp thông tin cho mục tiêu quản lý nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện cập nhật lại thông tin trong trường hợp này lại xuất phát từ sự thay đổi của chính các quy định pháp luật, nên các thay đổi này đều đáp ứng các yêu cầu trên. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp sàn thương mại điện tử không phải thực hiện thủ tục này nếu chỉ có thay đổi liên quan đến việc đảm bảo tuân thủ các quy định mới của Nghị định. Các thay đổi này có thể được cập nhật cùng với các thay đổi trong lần làm thủ tục cập nhật tiếp theo.
- Chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội
VCCI đồng tình rằng vấn đề hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên mạng xã hội cần phải được quản lý, do đó việc quy định trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa/dịch vụ vi phạm của các mạng xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, ngoài quy định này, Dự thảo đang đề xuất phương thức quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội tương đương với phương thức quản lý với các sàn thương mại điện tử. Chính sách này chưa thực sự hợp lý. Mạng xã hội, với khả năng kết nối và chia sẻ thông tin, cho phép người dùng có thể đăng tải, chia sẻ thông tin và tương tác với người dùng khác. Vì vậy, mạng xã hội được một bộ phận người dùng sử dụng cho mục đích giới thiệu, quảng bá hàng hóa, dịch vụ và tương tác với khách hàng. Mặc dù vậy, khác với các sàn thương mại điện tử, đây là vấn đề tự phát giữa các người dùng trong mạng xã hội. Nhiều mạng xã hội không tham gia vào quá trình giao dịch giữa người bán và người mua, không yêu cầu người bán và người mua phải thực hiện giao dịch trên nền tảng của mình… Nói cách khác, nhiều mạng xã hội chỉ đơn thuần được sử dụng như một kênh quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Trong khi đó, Điều 1.8 Đề cương Dự thảo quy định mạng xã hội cho phép người dùng được mở gian hàng hoặc đăng tin cung cấp dịch vụ hoặc có chuyên mục mua bán thì được coi là sàn thương mại điện tử và phải thực hiện các nghĩa vụ tương tự sàn thương mại điện tử. Khi đó, gần như mọi mạng xã hội, dù không chủ động tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử, cũng sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định. Chẳng hạn, người dùng lập một tài khoản mạng xã hội (như một người dùng bình thường) sau đó đăng tin cung cấp dịch vụ và sử dụng các chức năng của mạng xã hội để tương tác với người dùng. Khi đó mạng xã hội này sẽ có đặc tính như “website hoặc ứng dụng di động cho phép người tham gia được mở tài khoản để đăng tin cung cấp dịch vụ và tương tác với khách hàng”. Hay người dùng có thể lập trang (fanpage) để quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ của mình. Khi đó, mạng xã hội này có đặc tính giống “website hoặc ứng dụng cho phép người tham gia được mở các gian hàng hoặc lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ”.
Hơn nữa, việc quản lý này cũng không thực sự cần thiết, mà thay vào đó nên sử dụng các biện pháp cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, các sàn thương mại điện tử, với khả năng cung cấp nhiều thông tin cho người mua lựa chọn, cân nhắc; phương thức đặt hàng, thanh toán, giao nhận chuyên nghiệp; cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh chuyên nghiệp sẽ đảm bảo quyền lợi của cả người mua lẫn người bán, trong khi các mạng xã hội không có chức năng này. Từ đó, các sàn thương mại điện tử sẽ thu hút người mua và người bán hơn. Việc quản lý mạng xã hội như sàn thương mại điện tử chỉ thực sự cần thiết khi các mạng xã hội có chức năng mua bán chuyên nghiệp (có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát).
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thu hẹp phạm vi quản lý hoạt động mạng xã hội theo hướng chỉ áp dụng với các mạng xã hội có chức năng đặt hàng trực tuyến và/hoặc hỗ trợ thanh toán, chuyển phát. Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử với các mạng xã hội khác chỉ tập trung vào trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, gỡ bỏ thông tin hàng hóa/dịch vụ vi phạm.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1]Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, trang 17
[2]Số vi phạm chưa đăng ký, thông báo trên tổng số vi phạm được phản ánh qua trong giai đoạn 2014-2018 lần lượt như sau: 903/956 (94,5%); 1226/1306 (93,8%); 717/919 (78%); 1530/1750 (87,4%); 2164/2299 (94,1%).
[3]Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, trang 16 và trang 111.
[4] Điều 1.9 Đề cương Dự thảo Nghị định
[5] Điều 23.1 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007 quy định: “Người sản xuất, người nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các phương tiện sau đây:
a) Bao bì hàng hóa;
b) Nhãn hàng hóa;
c) Tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa.”
[6] Điều 15.3 Nghị định 127/2007/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sau khi được chứng nhận hợp chuẩn tự thể hiện dấu hợp chuẩn hoặc sau khi được chứng nhận hợp quy tự thể hiện dấu hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói sản phẩm, hàng hoá, tài liệu về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã được chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy”.
[7] Theo quy định tại Điều 56.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP
[8] Mục 3.2.4.a, Chương III Báo cáo đánh giá tác động