Ý kiến của Luật sư Lê Thúc Anh-Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam

Thứ Hai 14:09 05-03-2012

Quan điểm và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật luật sư 2006

I. NHẬN THỨC CHUNG    

          Luật luật sư 2006 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 22/06/2006 tại kỳ họp thứ 9 là mốc son pháp lý quan trọng hoàn thiện thể chế về luật sư và nghề luật sư ở nước ta. Sau 05 năm Luật luật sư có hiệu lực thi hành đã tạo nên một bước phát triển nhanh chóng về số lượng luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư và từng bước nâng cao về chất lượng hành nghề luật sư. Tính đến năm 2011 số lượng luật sư đã nên tới gần 7.000 luật sư, hơn 3.000 người tập sự, 2.900 tổ chức hành nghề được cấp phép hoạt động. Hệ thống tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư được củng cố từ trung ương đến địa phương. Sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là mốc son đánh dấu sự phát triển của đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội đối với đội ngũ luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam.

          Cùng với sự phát triển về số lượng, chất lượng đội ngũ luật sư đã từng bước được nâng lên, tạo lập niềm tin với cộng đồng xã hội, đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp về việc xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch, dân chủ và văn minh. Tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư đã được khẳng định khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng và cộng đồng xã hội.

          Theo báo cáo của các Đoàn luật sư trong 05 năm sau khi Luật luật sư có hiệu lực (2007 - 2011) đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 425.700 vụ việc, trong đó có 64.000 vụ án hình sự; 211.000 vụ việc về tư vấn pháp luật; 63.000 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Các tổ chức hành nghề luật sư đã đóng hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

          Luật sư và nghề luật sư đang trở thành một trong các yếu tố không thể thiếu được của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm trật tự an ninh và ổn định xã hội.

          Bên cạnh những kết quả về sự phát triển của luật sư và nghề luật sư do chế độ pháp lý đem lại thì thực tiễn cũng cho thấy tổ chức và hoạt động của luật sư đã bộc lộ những bất cập và hạn chế sau:

          Thứ nhất: Tuy số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư phát triển rất nhanh chóng nhưng so với số dân của nước ta gần 90 triệu dân thì 7.000 luật sư vẫn là quá ít để tạo lập một thị trường dịch vụ pháp lý của cộng đồng xã hội mà thực chất 7.000 luật sư với hơn 3.000 tổ chức hành nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cộng đồng xã hội đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

          Thứ hai: Tính chuyên nghiệp hóa và chuyên môn hóa của đội ngũ luật sư vẫn còn hạn chế nên chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng xã hội. Trong hơn 3.000 tổ chức hành nghề mới có được khoảng 20 đến 30 tổ chức hành nghề có từ 20 đến 50 luật sư trở lên có khả năng đáp ứng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng doanh nghiệp, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đặt ở Việt Nam. Còn khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề của các nước trong khu vực và trên thế giới còn rất hạn chế. Các tổ chức hành nghề luật sư về cơ bản là còn nhỏ lẻ, manh mún và hướng tới việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho các cá nhân, công dân và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu. Chính vì thế việc tạo lập niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào việc cung cấp dịch  vụ pháp lý có chất lượng của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư còn hạn chế và còn rất khiêm tốn.

          Vấn đề này có hai mặt, một mặt chính đội ngũ luật sư chưa đủ lớn mạnh về chất lượng, số lượng tạo sự tin cậy của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế xã hội. Mặt khác ý thức pháp luật của nhân dân và doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, tư duy sản xuất nhỏ, manh mún của doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại khi chưa mạnh dạn sử dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi nào có mâu thuẫn và tranh chấp với các đối tác mới bắt đầu tính tới nhờ luật sư. Mặt khác khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư thì thông thường vẫn có tư duy sính ngoại, tin luật sư, tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hơn là luật sư và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

          Trong vòng 05 năm trở lại đây các tranh chấp có yếu tố nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam thì hầu như là các doanh nghiệp đều nhờ, mướn các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, rất ít vụ việc nhờ các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam. Các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam đang bị mất thị phần ngay trên sân nhà trong khi một số tổ chức hành nghề luật sư như Công ty luật Vilaf Hồng Đức, Công ty luật YKVN, Công ty luật SMic … có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, có khả năng tư vấn tranh tụng trong nước và quốc tế thì vẫn chưa được sử dụng hết công suất.

          Thứ ba: Chất lượng đội ngũ luật sư hiện nay không đồng đều và chủ yếu vẫn hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng đặc biệt là tranh tụng các vụ án hình sự là chủ yếu. Nguyên nhân của hiện tượng này là yếu tố về mặt lịch sử trong một thời gian dài nghề luật sư không phát triển được, có tồn tại nhưng chỉ tồn tại để đáp ứng việc xét xử của tòa án chứ không xuất phát từ việc tư vấn pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

          Thứ tư: Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới được thành lập gần 03 năm sau 67 năm Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh tổ chức đoàn thể luật sư 10.10.1945 trong khi đa số các Đoàn luật sư của các tỉnh thành được thành lập khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây. Tình trạng: “sinh con thì mới sinh cha” do đó hệ thống tổ chức của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư chưa phát huy được vai trò là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư một cách hiệu quả. Chưa góp phần thực sự vào việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ luật sư. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư có nhiều hạn chế. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan tới luật sư còn chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Việc xử lý kỷ luật với luật sư còn bị buông lỏng. Việc xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam mạnh về chất lượng, đông về số lượng, có phẩm chất chính trị, tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng, liêm chính tạo lập sự tin cậy của nhà nước, của cộng đồng xã hội đang được đặt ra là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của tổ chức xã hội nghề nghiệp. Nhiệm vụ đó đang được triển khai mạnh mẽ thực sự bắt đầu từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời ngày 12.05.2009.

          Thứ năm: Công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư đã có nhiều cố gắng trong mấy chục năm đổi mới vừa qua, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý để xây dựng một đội ngũ luật sư thật sự vững mạnh.

          Tất cả những tồn tại và yếu kém bên trên có cả yếu tố chủ quan, khách quan, có cả yếu tố trong tổ chức và thực hiện pháp luật. Nhưng một trong các yếu tố quan trọng là Luật luật sư 2006 đã có nhiều nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển mới của luật sư và nghề luật sư ở nước ta.

II.               MỘT SỐ QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬA ĐỔI LUẬT LUẬT SƯ 2006

1.     Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2006 về chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020, Chỉ thị 33-CT/TW ngày 30/03/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư. Trong đó chú trọng đến việc mở rộng tranh tụng tại phiên tòa, lấy kết quả tranh tụng làm cơ sở để tòa quyết định bản án. Luật sư là một trong 03 vai chính trong quan hệ tố tụng tại tòa là thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư. Xây dựng phát triển đội ngũ luật sư góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng một nền tư pháp công khai, minh bạch, dân chủ và văn minh. Góp phần vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xây dựng đội ngũ luật sư thực hiện được các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

2.     Luật luật sư sửa đổi tiếp tục tạo điều kiện phát triển về số lượng cho đội ngũ luật sư nhưng cần tập trung vào việc đảm bảo nâng cao chất lượng cho đội ngũ luật sư. Tập trung vào việc xây dựng một đội ngũ luật sư, các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, có nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề vững vàng, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế, tư vấn, tranh tụng quốc tế, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp về mặt pháp lý trong sản xuất kinh doanh. Xây dựng một đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng, liêm chính. Luật luật sư sửa đổi sẽ mở đường cho việc hình thành các tổ chức hành nghề có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng doanh nghiệp, có khả năng cạnh tranh lành mạnh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đặt tại Việt Nam và các tổ chức hành nghề luật sư trong khu vực và từng bước tính tới việc cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư ở các nước phát triển.

3.    Luật luật sư sửa đổi cần tạo điều kiện và đảm bảo quyền hành nghề hợp pháp của luật sư. Tạo điều kiện cho luật sư tham gia các quan hệ tố tụng thuận lợi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Giảm tải và hạn chế tối đa các thủ tục hành chính cản trở sự tham gia của luật sư vào các quan hệ tố tụng theo yêu cầu của khách hàng và các đương sự.

          Mọi hành vi cản trở hay xâm phạm vào quyền hành nghề hợp pháp của luật sư cũng có nghĩa là xâm phạm của quyền tự do dân chủ công dân đã được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ cần được pháp luật ngăn cấm và nghiêm trị.

4.    Luật luật sư sửa đổi cần có các quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về các nghĩa vụ của luật sư khi cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội. Các hành vi vi phạm pháp luật và hoạt động của luật sư gây thiệt hại cho khách hàng cần phải có trách nhiệm bồi thường và chịu trách nhiệm trước nhà nước và xã hội. Nhằm tạo lập niềm tin của nhà nước, của cộng đồng xã hội vào luật sư và nghề luật sư bằng những trách nhiệm và nghĩa vụ của luật sư trong việc đóng góp và cung cấp các dịch vụ pháp lý cho xã hội.

5.    Khẳng định vai trò quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư nhưng Luật luật sư sửa đổi cần xác định rõ phạm vi, đối tượng và cách thức quản lý có hiệu lực và hiệu quả. Xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân trong quản lý nhà nước về luật sư và nghề luật sư.

6.    Luật luật sư sửa đổi cần nâng cao địa vị pháp lý, vị trí vai trò của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư trong việc thực hiện chế độ tự quản về luật sư và nghề luật sư trong việc tập hợp đoàn kết giới luật sư trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh và đảm bảo trật tự xã hội. Xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội với giới luật sư Việt Nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam trước nhà nước và xã hội.

7.    Trong bối cảnh quốc tế hóa và toàn cầu hóa hiện nay, Luật luật sư sửa đổi phải có các quy phạm mang tính mở để tạo cơ hội và điều kiện môi trường cho luật sư và nghề luật sư có khả năng tiếp thu và hội nhập quốc tế. Luật sư và nghề luật sư vừa mang tính đặc thù của kinh tế xã hội Việt Nam nhưng cũng thể hiện được tính phổ quát của tinh hoa và thông lệ quốc tế.

III.           KẾT LUẬN

          Sửa đổi Luật luật sư 2006 nhằm tạo bước phát triển mới về chất cho đội ngũ luật sư Việt Nam, để đội ngũ luật sư có khả năng cung cấp các dịch vụ pháp lý có chất lượng cho cộng đồng xã hội.

          Sự phát triển của luật sư và nghề luật sư ở Việt Nam không phải chỉ xuất phát từ yêu cầu và lợi ích của chính giới luật sư mà nó bắt nguồn từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Từ yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

          Xây dựng đội ngũ luật sư Việt Nam mạnh về chất lượng, đông về số lượng, có phẩm chất chính trị, tư tưởng vững vàng, có đạo đức trong sáng, liêm chính là nguyện vọng, mong muốn của chính giới luật sư và của Đảng, Nhà nước và xã hội.

Các văn bản liên quan