Góp ý của TS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam

Thứ Ba 14:37 07-06-2011

MỘT SỐ Ý KIẾN THAM GIA XÂY DỰNG LUẬT GIÁ

                                                            TS. Nguyễn Ngọc Tuấn

                                                          Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

                                                                Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính

 Trước hết, thay mặt Hội Thẩm định giá Việt Nam tôi xin hoan nghênh những cố gắng của Ban soạn thảo - Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng Dự thảo luật giá. Đây là Sự cần thiết khách quan để đáp ứng những yêu cầu của quản lý kinh tế ở nước ta nói chung và quản lý giá cả nói riêng trong thời kỳ phát triển mới phục vụ yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

      Để góp phần hoàn chỉnh Dự thảo này, tôi xin tham gia hai phần sau:

      I. Những quan điểm lớn cần quán triệt trong xây dựng luật giá  

      II. Những ý kiến đóng góp đối với phần thẩm định giá của Dự thảo Luật này

      Về điểm thứ 1:

      1. Luật giá cả cần quán triệt và nhất quán cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

      - Đây là quan điểm cốt lõi mang tính nguyên tắc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong xây dựng luật giá. Về cơ bản phải thể hiện rõ giá cả được hình thành theo quy luật cung cầu, cạnh tranh và thị trường

      - Tuy nhiên chúng ta còn “Định hướng xã hội chủ nghĩa” phải được thể hiện như thế nào? Ví dụ:

      + Giá cả có góp phần thực hiện công bằng xã hội không?

      + Giá cả với chính sách phát triển miền núi, dân tộc như thế nào?

      + Giá cả với vùng bị thiên tai, lũ lụt như thế nào?

+ Khi có biến động giá cả, tăng chỉ số CPI có thực hiện bù lương, bù trợ cấp xã hội không?

      - Hiện nay thế giới đang yêu cầu ta làm sao thể hiện rõ để được công nhận có nền kinh tế thị trường. Vấn đề quản lý giá cả như thế nào là một trong những vấn đề rất quan trọng để chứng minh cho yêu cầu có nền kinh tế thị trường.

      + Tôi còn nhớ khi ta đàm phán gia nhập WTO thế giới yêu cầu giải trình hàng trăm câu hỏi về giá cả, xem có phù hợp với sân chơi của WTO không? ..vvv

      Vì vậy luật giá phải thể hiện rõ những yêu cầu này.

      Trên quan điểm đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo luật giá cần tập trung rà soát và hết sức tránh các tình hình:

      + Có những quy định để tiếp tục còn tình trạng “bao cấp” và “Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

      - Có những quy định chưa thực sự khuyến khích cạnh tranh về giá nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng được hưởng giá rẻ, đó là biện pháp tốt nhất bảo vệ người tiêu dùng

      - Có những quy định chưa thực sự mạnh trong việc kiểm soát và hạn chế kiểm soát giá độc quyền

      - Có những quy định chưa thực sự mạnh trong việc thúc đẩy quá trình “tự do hóa giá cả theo cơ chế thị trường”.

      2. Luật giá phải xuất phát và ngày càng phù hợp với yêu cầu nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.

      Yêu cầu này là một tất yếu khách quan mà pháp lênh giá đã quy định. Mặt khác từ nhiều năm nay hoạt động thẩm định giá ở nước ta đã tham gia các tổ chức thẩm định giá quốc tế như Ủy Ban chuẩn mực thẩm định giá quốc tế (IVSC), Hiệp hội thẩm định giá ASEAN (AVA), Hiệp Hội thẩm định giá Thế giới (WAVO)

      Điều đó đòi hỏi những quy định của Luật giá phải minh bạch, phù hợp với kinh tế thị trường, với thông lệ quốc tế được Việt Nam chấp thuận, đặc biệt phải kiên quyết chống những quy định mang tính chất bao cấp, xin cho, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tức là chúng ta phải kiên định, dứt khoát phát triển mạnh thẩm định giá độc lập, phải tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động thẩm định giá. Nhất thiết không được lập lại “ thẩm định giá Nhà nước”, vì như vậy trái với kinh tế thị trường, trái với xu thế hội nhập và mâu thuẫn với nhiều điều mà luật pháp đã và sẽ quy định.

      Việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá phải bằng xây dựng cơ chế chính sách, luật pháp cho thẩm định giá, đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với những vi phạm của hoạt động thẩm định giá. Dứt khoát không thực hiện quản lý Nhà nước đối với thẩm định giá bằng việc thành lập lại hệ thống thẩm định giá Nhà nước. Như vậy chắc chắn là sẽ không hiệu quả, trở lại cơ chế xin cho, tốn kém, tiêu cực vì đó là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, không đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan trung thực của thẩm định giá.

      Thế giới đang nhìn ta xem có phải Việt Nam thực sự có nền kinh tế thị trường không? Nếu dự luật giá không dứt khoát với việc này (tức là không thành lập hệ thống thẩm định giá Nhà nước) thì hệ quả chắc chắn là không phù hợp với sân chơi chung của các định chế tài chính thế giới.

      3. Luật giá về cơ bản sẽ được tồn tại lâu dài (10-15 năm) do đó những nhà xây dựng luật này cần thấy diễn biến của tình hình trong nhiều năm tới, từ đó phân công người đảm nhiệm công việc sao cho phù hợp

      - Điều đó đòi hỏi những quy định về thẩm định giá phải được nhìn xa, trông rộng một cách khoa học, khách qua, phù hợp, không thể vì việc định giá ngày càng thu hẹp mà mở rộng thẩm định giá đối với quản lý Nhà nước một cách khiên cưỡng, không phù hợp nhằm níu kéo, coi thẩm định giá là biến tướng của định giá.

      - Nguyên tắc cao nhất của thẩm định giá là đánh giá giá trị thị trường của tài sản tại một địa điểm, thời điểm nhất định, một cách khách quan, trung thực và độc lập. Chắc chắn rằng thẩm định giá Nhà nước không thể đảm bảo nguyên tắc này.

      - Nhà nước cần tạo điều kiện và chuyển giao dần những công việc mang tính nghiệp vụ mà Nhà nước trước mắt còn đang nắm cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp đảm nhận. Dự luật giá cần có những quy định rõ về những việc này, ví dụ giao cho Hội thẩm định giá Việt Nam đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới hàng năm cho đội ngũ thẩm định viên về giá, tổ chức thi và cấp Thẻ Thẩm định viên về giá..vv

      - Nhà nước có thể thầnh lập Viện nghiên cứu khoa học thẩm định giá để nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, phương pháp thẩm định giá, xây dựng các thông tin, ngân hàng dữ liệu về thẩm định giá.. để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp thẩm định giá.

      Hội Thẩm định giá Việt Nam đang cố gắng thực hiện vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp thẩm định giá với quản lý Nhà nước

      Hội TĐGVN đồng thời là tổ chức phản biện xã hội đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách thẩm định giá và việc thực hiện có hiệu quả quản lý Nhà nước đối với thẩm định giá.

      Hội mong muốn Nhà nước phải là bà đỡ thực sự, tạo điều kiện cho Hội phát triển và làm tốt các vai trò này. Đó là những điều cần thiết mà Dự luật giá cần tính tới và có những quy định sao cho phù hợp.

Vấn đề thứ 2:

1. Luật giá cần làm rõ sự giống và khác nhau cơ bản giữa khái niệm định giá và thẩm định giá

       - Trước hết phải thật rõ: Trong kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp chỉ có duy nhất khái niệm định giá.

      - Thực tế ở các nước kinh tế thị trường trên thế giới và ngay ở Việt Nam khái niệm thẩm định giá đã xuất hiện với kinh tế thị trường

      - Trong kinh tế thị trường cả định giá và thẩm định giá đều là 2 công cụ quan trọng không thể thiếu mà Nhà nước cần sử dụng để hướng dẫn, điều tiết và quản lý giá cả. Tuy nhiên 2 khái niệm này tuy có những điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau cơ bản. Theo chúng tôi Luật giá cần phải làm rõ một cách sâu sắc.

      Theo suy nghĩ của chúng tôi và thực tiễn của các nước có kinh tế thị trường trên thế giới cho thấy:

      - Định giá là quyền lựccủa Nhà nước và của Chủ sở hữu tài sản, định giá luôn gắn liền với chính sách, phân công, phân cấp quyền định giá của Thủ tướng Chính phủ (kèm theo danh mục quyết định giá)trong cơ chế thị trường; Mức giá được quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành được chấp hành nghiêm chỉnh trong phạm vi tỉnh thành phố hay cả nước; nguyên tắc, phương pháp định giá phải theo quy chế tính giá của Bộ Tài chính và yếu tố chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ.

      - Thẩm định giá là việc đánh giá và đánh giá lại giá trị thị trường của tài sản tại một thời điểm, địa điểm nhất định; thẩm định giá (trên thế giới và ở Việt Nam) đều do doanh nghiệp thực hiện theo Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam và Quốc tế và đặc biệt kết quả thẩm định giá mang tính tư vấn, tham khảo, không bắt buộc khách hàng sở hữu tài sản phải thực hiện ... (nguyên tắc, phương pháp thẩm định giá là theo Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam và quốc tế và không giống với nguyên tắc, phương pháp định giá)

      Như vậy, rõ ràng trong kinh tế thị trường cả định giá và thẩm định giá đều là hai công cụ quan trọng của Nhà nước trong điều hành, chỉ đạo và quản lý giá. Nhưng tính chất và mức độ quản lý khác nhau. Trong kinh tế thị trường việc định giá của Nhà nước ngày càng thu hẹp, nhưng hoạt động thẩm định giá ngày càng phát triển. Vì thẩm định giá là hoạt động ngày càng gần với thị trường, thể hiện rõ tính linh hoạt, phù hợp với thị trường.

      Hoạt động thẩm định giá chỉ xuất hiện ở nước ta sau sự nghiệp đổi mới cùng với sự xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

      Tôi còn nhớ, năm 1997 với trách nhiệm Trưởng ban Ban vật giá Chính phủ tôi là người ký quyết định thành lập trung tâm thẩm định giá đầu tiên tại Hà nội trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ. Tiếp sau, Năm 1998 tôi là người ký quyết định thành lập trung tâm thẩm định giá thứ hai tại Thầnh phố Hồ Chí Minh. Cho tới nay, nước ta có trên 50 Công ty thẩm định giá với hàng trăm văn phòng hoặc chi nhánh ở trên cả nước và tất cả hoạt động độc lập theo luật doanh nghiệp. Thậm chí ở Việt Nam đã có hàng chục công ty thẩm định giá nước ngoài hoạt động, có 4 công ty thẩm định giá nước ngoài đã tham gia Hội Thẩm định giá Việt Nam.

      Những năm qua Nhà nước ( Ban Vật giá Chính phủ trước đây và Bộ Tài chính từ năm 2002 tới nay) đã ban hành nhiều Văn bản pháp quy, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động thẩm định giá. Cụ thể:

-         Pháp lệnh giá

-         Nghị định của Chính phủ về thẩm định giá (Nghị định 101/CP 2005)

-         12 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt nam

-         Các Thông tư hướng dẫn về thẩm định giá

-         Quy định những vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn cấp Thẻ thẩm định viên về giá..

      Tất cả hành lang pháp luật đó đã dần đưa thẩm định giá từng bước hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường và ngày càng phát triển phù hợp với xu thế hội nhập với thế giới.

      Mặt khác với xu thế khẳng định của thế giới, mà ở nước ta xu thế này cũng đã được khẳng định từ Pháp lệnh giá là cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường được định giá trực tiếp của Nhà nước sẽ ngày càng thu hẹp chỉ còn tập trung vào một số ít hàng hóa, dịch vụ mang tính độc quyền hoặc tối quan trọng đối với nền kinh tế và an sinh xã hội; trong khi đó thẩm định giá ngày càng phát triển.

      2. Không phù hợp và thực sự không cần thiết thành lập lại hệ thống  thẩm định giá Nhà nước. Luật giá cần tiếp tục tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh hệ thống thẩm định giá tư nhân, độc lập.

      Chương IV của Dự thảo Luật giá quy định về thẩm định giá:

      - Mục 2 về tổ chức thẩm định giá quy định:

      + Tổ chức thẩm định giá thuộc các thành phần kinh tế tức là các doanh nghiệp thẩm định giá

      + Tổ chức thẩm định giá của Nhà nước.

      Tiếp theo là các Điều 33, 34, 35, 36, 37….là các điều quy định mang tính hành lang pháp lý cơ bản cho hoạt động của hai hệ thống tổ chức thẩm định giá này. Qua nghiên cứu cho thấy những điều quy định này không rõ rang, khúc triết, thậm chí mẫu thuẫn rất rõ. Hầu như các điều quy định này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp thẩm định giá độc lập còn đối với các tổ chức thẩm định giá Nhà nước thì đứng ngoài các quy định này. Chính vì vậy mà thời báo kinh tế Việt Nam số 70 ngày 23/3/2011 đã có bài “không nên có thẩm định giá công” và Thời báo Tài chính Việt Nam số ra ngày 1/4/2011 đã có bài “Bình đẳng trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá”.

      Theo chúng tôi, Nhà nước không nên thành lập lại tổ chức Nhà nước về thẩm định giá vì như vậy với sự phát triển của kinh tế thị trường việc định giá trực tiếp của Nhà nước ngày càng bị thu hẹp nay lại tái lập thẩm định giá Nhà nước sẽ dễ là một hình thức biến tướng của định giá. Trước Nghị định 101/2005/NĐ-CP ra đời,  khi đó chưa có các tổ chức thẩm định giá tư nhân,các “Tổ chức Nhà nước được giao nhiệm vụ thẩm định giá” là hệ thống cácTrung tâm Thẩm định giá của Bộ Tài chính và các Sở Tài chính, đến nay đã chuyển sang  hoạt động theo luật doanh nghiệp (Là các Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn) theo Nghị định 101/2005/NĐ-CP tránh được hiện tượng “ vừa đá bóng vừa thổi còi” . Thực tế vừa qua các doanh nghiệp thẩm định giá đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong cơ chế thị trường, nay theo Dự thảo Luật lại tái lập “Tổ chức thẩm định giá Nhà nước” là không phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

 

Các văn bản liên quan