Góp ý của TS Vũ Văn Cương – Đại học Luật Hà Nội

Thứ Tư 10:57 23-03-2011

TS. Vũ Văn Cương – Đại học Luật Hà Nội

Tôi cũng là một giảng viên tham gia vào việc nghiên cứu, giảng dạy môn Pháp luật thuế của trường Đại học Luật Hà Nội. Hôm nay, tham gia hội thảo do VCCI và Bộ Tài chính tổ chức với mục đích phản ánh những vướng mắc trong việc thi hành hai Nghị định thuế GTGT và thuế TNDN.

Thành thực mà nói chúng tôi là những người giảng dạy là chính nên những vấn đề thực tiễn và những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quả thực là không có nhiều. Tuy nhiên là những nhà nghiên cứu, tôi cũng có tìm hiểu qua được nhiều thông tin qua các bài viết, tạp chí có các phản ánh từ doanh nghiệp, các nhà kinh doanh là những vướng mắc. Những vướng mắc đó từ sáng đến giờ đã được nghe rất nhiều cho nên tôi xin bổ sung hoặc là trao đổi lại.

Thứ nhất điểm b, khoản 4 Điều 3 NĐ 123 có quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT về kinh doanh chứng khoán.Luật và NĐ cũng đã có những liệt kê các hoạt động kinh doanh chứng khoán không chịu thuế. Nhưng ngoài ra còn có quy định về các hoạt động kinh doanh khác. Thế thì “khác” là gì, không rõ. Nên tôi đề nghị NĐ nên quy định cụ thể các hoạt động khác là gì, bên cạnh những hoạt động đã được nêu rõ ở trên.

Thứ hai, vấn đề không thu thuế GTGT với dịch vụ bảo hiểm thì ý kiến của vị đại diện Hiệp hội bảo hiểm, tôi cũng cho rằng, dịch vụ bảo hiểm không chịu thuế VAT bởi vì nó không có GTGT. hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì doanh thu phát sinh trước chi phí phát sinh sau cho nên không thể có GTGT.

Tuy nhiên khi sửa đổi hai NĐ này phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với luật và vượt quá phạm vi luật cho phép. Tại khoản 7 Điều 5 Luật Thuế GTGT quy định những dịch vụ bảo hiểm không chịu thuế GTGT là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm người học, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây trồng và tái bảo hiểm. Như vậy, dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ ở đây luật chưa đưa vào diện không chịu thuế. Tôi cho rằng, ý kiến này cần phải ghi nhận nhưng có lẽ là phải để khi sửa Luật Thuế GTGT thì mới đưa dịch vụ không chịu thuế với mọi sản phẩm bảo hiểm, cả nhân thọ và phi nhân thọ. Tôi thấy rằng, trong lần sửa NĐ tới đây thì cũng không thể đưa vào được.

Về NĐ sửa đổi, bổ sung thì tôi thấy rằng phần này phải làm rõ việc áp dụng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu và các doanh nghiệp nội địa cung cấp cho các doanh nghiệp khu chế xuất. Hiện nay vấn đề này có rất nhiều bài phản ánh khó khăn, vướng mắc. Trong lần sửa đổi sắp tới này tôi thấy cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng nhằm xác định khi nào dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%, làm sao cho rõ ràng, bao quát và dễ thực hiện. Bộ Tài chính cần nghiên cứu làm rõ vấn đề này.

Về hoàn thuế GTGT, cũng có nhiều doanh nghiệp phản ánh, khi bán hàng hóa điều kiện để khấu trừ hoàn thuế người mua hàng người ta được lợi; hóa đơn xuất rồi nhưng người mua còn nợ chưa trả tiền hàng gây nên việc thanh toán qua NH gặp khó khăn, nên việc khấu trừ hoàn thuế bị chậm. Ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Tôi thấy rằng ý kiến này cũng cần được xem xét. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì việc thanh toán qua ngân hàng là một điều kiện bắt buộc và hạn chế rất nhiều việc gian lận thuế GTGT. Cho nên chúng ta phải giữ điều kiện là việc khấu trừ hoàn thuế GTGT phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Đặc biệt là khi chúng ta đang thực hiện NĐ 51/2010 về hóa đơn tự in.

Tiếp theo, một vấn đề nữa tôi cũng xin có ý kiến như sau: liên quan đến tỷ lệ phần trăm khấu trừ thuế GTGT đầu vào trong trường hợp cơ sở kinh doanh do điều kiện khách quan không hạch toán riêng được, chẳng hạn như: tiền được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, tôi thấy Hiệp hội chứng khoán nêu là tỷ lệ thuế đầu vào được khấu trừ tính trên tỷ lệ doanh số bán ra được hoàn thuế trên tổng số hàng hóa dịch vụ bán ra. Tôi nghĩ rằng, tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra như vậy bị thiệt cho doanh nghiệp. Vì có những cái hàng hóa dịch vụ không liên quan đến VAT đầu vào nhưng được tính vào tổng doanh thu. Như vậy, làm cho tỷ lệ khấu trừ thuế đầu vào bị hạn chế. Tôi nghĩ rằng có lẽ phải sửa là: “Tỷ lệ thuế đầu vào được khấu trừ sẽ được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa doanh số hàng hóa, dịch vụ bán ra chịu thuế trên tổng doanh số hàng hóa, dịch vụ hàng hóa bán ra có liên quan đến thuế GTGT đầu vào”. Chẳng hạn trong công ty chứng khoán cho quy định là hoạt động tự doanh chứng khoán không được đưa vào doanh thu, thế nếu như hóa đơn điện dùng cho tất cả các hoạt động kinh doanh, trong đó có hoạt động tự doanh. Doanh thu của hoạt động tự doanh được tính trong tổng doanh thu để tính tỷ lệ phần trăm, như thế là phù hợp. Những phần doanh thu không liên quan đến thuế GTGT đầu vào đó thì không tính. Như vậy hợp lý cho cả phía Nhà nước và doanh nghiệp.

Riêng một ý kiến này thì tôi thấy từ sáng đến giờ chưa có ai nêu: vấn đề về nơi nộp thuế. Trong Luật thuế GTGT và Luật Thuế TNDN không quy định về vấn đề nơi nộp thuế. Tuy nhiên, trong điều khoản cuối cùng có ghi là Chính phủ sẽ quy định cụ thể, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý thu thuế. Trong NĐ 123 và 124, có quy định về nơi nộp thuế. Có quy định mới là trường hợp doanh nghiệp có nhiều cơ sở kinh doanh, cơ sở sản xuất, đơn vị hạch toán phụ thuộc ở địa phương khác thì phải nộp thuế ở hai nơi. Tôi nghĩ rằng, quy định này cũng cần thiết vì liên quan đến Luật Ngân sách Nhà nước trong việc phân bổ ngân sách ở khoản thuế GTGT và thuế TNDN giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, tôi thấy nên quy định cho doanh nghiệp nộp ở trụ sở chính và cung cấp một tỷ lệ phần trăm ở các cơ sở để nộp tại một nơi và từ đó kho bạc chuyển về các nơi khác. Như thế thì thuận lợi hơn nhiều, hơn là bắt doanh nghiệp nộp nhiều nơi và nộp nhiều chứng từ, mất thời gian, không thuận lợi. Việc chuyển tiền trong hệ thống kho bạc thì thuận lợi hơn nhiều. Chỉ cần nộp một nơi thôi và doanh nghiệp có đăng ký tỷ lệ phần trăm số thuế này nộp cho địa phương này là bao nhiêu. Lúc đó, kho bạc sẽ có trách nhiệm chuyển tiền qua các địa phương.

Ý kiến của tôi xin hết!

 

 

Các văn bản liên quan