Gỡ khó cho doanh nghiệp phát hành riêng lẻ

Thứ Hai 17:01 14-02-2011

Thời hạn 1 năm hạn chế chuyển nhượng cổ phần phát hành riêng lẻ và các đợt chào bán phát hành riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng là những quy định mới tại Nghị định 01/2010/NĐ - CP mà tất cả các CTCP khi phát hành riêng lẻ phải tuân thủ.

Tuy nhiên, những quy định chặt chẽ này có thể sẽ được hóa giải nhờ Nghị định thay thế Nghị định 139 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động phát hành riêng lẻ. Đây có thể là tin vui cho các CTCP đang có kế hoạch chào bàn riêng lẻ hiện nay, vì Nghị định mới dự kiến được trình Chính phủ ban hành trong tháng tới.

Theo Nghị định 01, cổ phần phát hành riêng lẻ không được chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày phát hành. Quy định này trái với Luật Doanh nghiệp ở chỗ Luật Doanh nghiệp chỉ hạn chế chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông sáng lập chứ không hạn chế cổ đông phổ thông chuyển nhượng cổ phần trong CTCP.

Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 139 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chủ trì cho biết, Nghị định mới quy định, “tất cả các CTCP đều có quyền phát hành cổ phần riêng lẻ, không quy định điều kiện hạn chế chuyển nhượng trước và sau phát hành”.

Các điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ và thủ tục chào bán quy định trong Nghị định 01 cũng sẽ được đơn giản hóa. Hiện tại, Nghị định 01 yêu cầu doanh nghiệp chỉ được chào bán sau 15 ngày nếu không nhận được ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ; các đợt chào bán phải cách nhau tối thiểu 6 tháng; DN phải sử dụng vốn đúng theo phương án đã được thông qua và đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền; tiền mua chứng khoán chuyển vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng cho đến khi hoàn tất việc chào bán.

Nghị định mới thay thế Nghị định 139 hướng dẫn CTCP được thực hiện việc chào bán riêng lẻ ngay sau khi đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền là Phòng đăng ký kinh doanh và phải sử phải sử dụng số vốn phát hành đúng như phương án đã thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo Ban soạn thảo, với các quy định nêu trên, Nghị định 01 đã can thiệp quá sâu vào hoạt động chào bán của doanh nghiệp. Không có cơ sở nào để hạn chế thời gian chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ là 1 năm. Ưu điểm của việc góp vốn vào CTCP so với công ty TNHH là nhà đầu tư có quyền tự do chuyển nhượng. Việc hạn chế chuyển nhượng chỉ có thể do bên mua tự nguyện và thỏa thuận với bên bán theo quy định dân sự.

Thời hạn 6 tháng giữa hai đợt chào bán riêng lẻ sẽ hạn chế doanh nghiệp huy động vốn thực hiện các ý tưởng kinh doanh mới. Trong thời gian chờ đợi này, CTCP có thể phải vay vốn ngân hàng để thực hiện kế hoạch kinh doanh thay vì phát hành cổ phiếu để tăng vốn chủ sở hữu, một nguồn vốn có khả năng chia sẻ cơ hội cũng như những rủi ro trong kinh doanh. Việc chuyển tiền mua cổ phần chào bán riêng lẻ cũng là quyền thỏa thuận giữa bên mua và bên bán, không cần đến sự can thiệp của ngân hàng phong tỏa tài khoản trong thời gian hoàn tất phát hành.

Về mặt thủ tục, Nghị định thay thế Nghị định 139 cũng đơn giản hóa thủ tục chào bán riêng lẻ. CTCP chỉ cần thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thay vì phải làm thủ tục đăng ký.

Một trong những mục tiêu của Nghị định thay thế Nghị định 139 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp là đơn giản hóa thủ tục chào bán riêng lẻ, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho CTCP huy động vốn. CTCP chỉ có trách nhiệm thông báo thông tin về đợt chào bán đến cơ quan có thẩm quyền theo dõi là Phòng đăng ký kinh doanh. Cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi và giám sát hoạt động sử dụng vốn của doanh nghiệp để có phát hiện sai phạm trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng sai mục đích.

Nghị định 01 ra đời với những điều kiện chặt chẽ về chào bán riêng lẻ đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn khá cao để tìm nguồn vốn thay thế nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất cao. Nghị định thay thế Nghị định 139 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ có những điểm khác biệt về mặt pháp lý giữa hai văn bản quy phạm. Các chuyên gia cho rằng, theo quy định về hiệu lực văn bản pháp luật, hai vản bản cùng cấp có quy định khác nhau thì văn bản sau sẽ có quyền phủ định các quy định của văn bản ban hành trước. Như vậy hy vọng, nghị định mới sớm ban hành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chào bán riêng lẻ của CTCP.

(Nguồn: ĐTCK, 16/3)

Các văn bản liên quan