Dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh về khám bệnh, chữa bệnh; trang thiết bị y tế và mỹ phẩm
Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản
Kính gửi: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trả lời Công văn số 4764/BTNMT-ĐCKS của Bộ Tài nguyên và môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về bổ sung quy định về đối tượng áp dụng (khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 3a Nghị định 33/2017/NĐ-CP)
Dự thảo quy định chi tiết những đối tượng chịu sự điều chỉnh gồm:
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện);
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật hợp tác xã gồm: hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
- Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
- Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;
- Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp;
- Các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật
- Cá nhân là các đối tượng không thuộc các đối tượng trên
Quy định này là chưa phù hợp ở các điểm:
- Các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp như chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động nhân danh doanh nghiệp, về mặt pháp lý thì chịu trách nhiệm cho các hoạt động của các đơn vị này vẫn là doanh nghiệp. Vì vậy, các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp không phải là đối tượng bị xử phạt mà là doanh nghiệp;
- “Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư” là chưa chính xác vì “nhà đầu tư trong nước”, “nhà đầu tư nước ngoài” có thể là tổ chức kinh tế hoặc là cá nhân. Nếu là tổ chức kinh tế thì hình thức tổ chức hoạt động sẽ theo quy định của Luật doanh nghiệp. Tương tự, “tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” là khái niệm xác định về nguồn gốc vốn, còn hình thức hoạt động sẽ được quy định tại Luật doanh nghiệp (ví dụ: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn …)
Để đảm bảo tính thống nhất và chính xác đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này theo hướng:
- Chỉ quy định chung là “Tổ chức kinh tế được thành lập theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã” mà không cần liệt kê cụ thể ra;
- Bỏ quy định “Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật đầu tư gồm: nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”.
- Về việc bổ sung hình thức xử phạt bổ sung ở một số quy định
Dự thảo bổ sung hình thức xử phạt bổ sung ở một số quy định xử phạt trong Nghị định 33/2017/NĐ-CP, tuy nhiên các hình thức xử phạt bổ sung này cần được cân nhắc, xem xét ở một số điểm sau:
- Về hình thức xử phạt bổ sung “đình chỉ có thời hạn”
Khoản 11 Điều 1 Dự thảo bổ sung hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi “thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép theo quy định” quy định tại Điều 7 Nghị định 33, là “đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điều này khi tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần”.
Quy định này sẽ được hiểu:
- Đối với vi phạm lần đầu thì doanh nghiệp sẽ không bị áp dụng hình phạt đình chỉ. Có nghĩa, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hoạt động thăm dò, khai thác sau khi nộp tiền xử phạt. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp đang không có giấy phép, tiếp tục thực hiện thăm dò, khai thác là vi phạm pháp luật và sẽ tiếp tục bị xử phạt;
- Sau khi tái phạm và vi phạm nhiều lần thì doanh nghiệp sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “đình chỉ có thời hạn” đối với hoạt động thăm dò, khai thác. Tuy nhiên, khi hết thời hạn đình chỉ, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được hoạt động thăm dò, khai thác và tiếp tục bị xử phạt vì hành vi thăm dò, khai thác không có phép, …
Phân tích trên cho thấy, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ có thời hạn đối với hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép là không hợp lý và tạo thành cái vòng luẩn quẩn. Đối với hoạt động kinh doanh không có giấy phép thì chỉ phải áp dụng hình thức đình chỉ hoạt động cho đến khi chủ thể có được giấy phép và không xác định hành vi tái phạm hay vi phạm nhiều lần để áp dụng hình thức xử phạt bổ sung này.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 11 Điều 1 Dự thảo theo hướng, hình thức xử phạt bổ sung áp dụng cho hành vi vi phạm tại Điều 7 Nghị định 33 là đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho tới khi chủ thể vi phạm đăng ký, có giấy phép theo quy định.
Góp ý tương tự đối với quy định tại khoản 15, khoản 30 Điều 1 Dự thảo.
- Về hình thức xử phạt bổ sung chưa đủ rõ ràng
Khoản 25 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 9 Điều 21 Nghị định 33 về hình thức xử phạt bổ sung đối với vi phạm quy định về bảo vệ nguồn nước theo đó “Đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đố với các hành vi vi phạm tại điểm b khoản 5 Điều này khi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội hoặc tái phạm, vi phạm nhiều lần”.
Quy định “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội” là chưa rõ, có tính chất định tính và tạo nhiều cách hiểu khác nhau cho các đối tượng áp dụng. Điều này tạo ra rủi roc ho các doanh nghiệp và trao nhiều quyền có tính chất suy đoán cho cán bộ thực thi. Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được trong quy định này.
- Về sửa đổi quy định về vi phạm quy định của giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (khoản 12 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 8 Nghị định 33)
- Mức phạt tiền: So với quy định hiện hành, Dự thảo đã nâng mức phạt tiền lên 20 lần đối với các hành vi vi phạm liên quan đến báo cáo. Đây là mức tăng khá lớn và cần có giải trình về vấn đề này, vì sự thay đổi này tác động rất lớn đến doanh nghiệp;
- Dự thảo bổ sung xử phạt đối với hành vi “Báo cáo không trung thực, không đầy đủ, không đúng chế độ báo cáo về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định” trong khung phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Tuy nhiên hành vi vi phạm này lại tương đồng với hành vi “không cung cấp đầy đủ và trung thực các dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước tại khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu” quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 33 với khung phạt tiền từ “2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng”. Điều này là chưa hợp lý vì hai hành vi cùng tính chất nhưng khung phạt tiền lại quá chênh lệch. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc chuyển khoản 2 lên khoản 1 Điều 8 hoặc chuyển hành vi này từ khoản 1 sang khoản 2 Điều 8 Nghị định 33.
- Về sửa đổi bổ sung quy định về vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (khoản 17 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 20 Nghị định 33)
- Về tăng khung xử phạt:
Góp ý tương tự về việc tăng khung phạt tiền đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định 33 về vi phạm quy định của giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (khoản 17 Điều 1 Dự thảo), đề nghị giải trình vấn đề này;
- Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “không báo cáo kịp thời về cơ quan cấp phép và cơ quan chức năng ở địa phương ….”. Khái niệm “kịp thời” là chưa rõ ràng, vì không rõ báo cáo trong khoảng thời gian bao lâu từ khi có sự cố được xem là “kịp thời”? Đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng có thể định lượng được về khái niệm này (ví dụ quy định cụ thể về khoảng thời gian từ khi phát sinh sự cố đến khi phải báo cáo là bao lâu).
- Về sửa đổi, bổ sung quy định vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn nước (khoản 20, 23 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định 33)
Dự thảo bổ sung xử phạt đối với các hành vi:
- Không thông báo thời gian, địa điểm thực hiện thi công trám lấp giếng đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định (khoản 20 Điều 1 Dự thảo)
- Không phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố (khoản 23 Điều 1 Dự thảo)
Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tài nguyên nước không thấy quy định về nghĩa vụ này của các chủ thể liên quan. Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về căn cứ của quy định, nếu không có căn cứ đề nghị bỏ các quy định này.
Góp ý tương tự đối với quy định xử phạt đối với hành vi “sử dụng phần diện tích lấn sông đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận ngoài các mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh (trừ trường hợp được Thủ tướng Chính phủ đồng ý)” (khoản 29 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 5a Điều 24 Nghị định 33). Đề nghị Ban soạn thảo giải trình về căn cứ quy định điều này.
- Về sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm các quy định khác về thăm dò khoáng sản (khoản 36 Điều 1 Dự thảo bổ sung khoản 2a)
Dự thảo bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi “nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản chậm so với thời hạn theo quy định”. Quy định này là chưa phù hợp với Luật Khoáng sản và Nghị định 158/2016/NĐ-C, vì các văn bản pháp luật này không quy định về thời hạn các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ gia hạn Giấy phép thăm dò khiến cho thời hạn của Giấy phép thăm dò hết hiệu lực thì hậu quả doanh nghiệp sẽ phải tự gánh chịu, đó là không được phép tiếp tục thăm dò khoáng sản. Nếu thăm dò khoáng sản khi không có giấy phép hoặc giấy phép hết hiệu lực thì đã có những quy định tương ứng trong Nghị định này xử phạt. Do đó, Dự thảo không cần thiết phải quy định về hành vi này.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ việc bổ sung quy định tại khoản 2a Điều 34 Nghị định 33.
Góp ý tương tự đối với việc bổ sung khoản 5 Điều 48 Nghị định 33 tại khoản 47 Điều 1 Dự thảo.
- Về sửa đổi, bổ sung quy định vi phạm các quy định về xây dựng cơ bản mỏ, báo cáo kết quả hoạt động khai thác khoáng sản, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thăm dò nâng cấp trữ lượng, tài nguyên khoáng sản (khoản 37 Điều 1 Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 4, khoản 6; bổ sung điểm d khoản 1, khoản 7 Điều 35 Nghị định 33)
- Góp ý tương tự về việc tăng khung phạt tiền đối với các hành vi vi phạm về gửi thông báo, báo cáo;
- Về hành vi chậm nộp báo cáo:
Dự thảo quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với “hành vi nộp báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định chậm từ 30 ngày trở lên kể từ ngày 01/2 của năm báo cáo”.
So với hành vi chậm nộp báo cáo quá 30 ngày trở lên kể từ ngày 01/2 của năm báo cáo quy định tại khoản 33 Điều 1 Dự thảo thì khung xử phạt này cao hơn khá nhiều (cao hơn 20.000.000 đồng), trong khi tính chất của hai hành vi vi phạm này là giống nhau. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại khung phạt tiền của hành vi chậm nộp báo cáo.
- Một số góp ý khác
- Khoản 3 Điều 1 Dự thảo quy định về các đối tượng
- Khoản 14 Điều 1 Dự thảo bổ sung cụm từ “đập dâng” vào tiêu đề của Điều 11 Nghị định 33 “Vi phạm quy định về hồ chứa, đập dâng”. Điều này được hiểu Điều 11 sẽ điều chỉnh các hành vi vi phạm về hồ chứa, đập dâng, tuy nhiên Dự thảo lại không bổ sung các quy định xử phạt các hành vi vi phạm về dập dâng mà chỉ quy định về hồ chứa. Việc tiêu đề không khớp với các quy định sẽ khiến quy định thiếu rõ ràng và gây khó khăn trên thực tế áp dụng, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung các quy định xử phạt vi phạm liên quan đến đập dâng.
- Khoản 38 Điều 1 Dự thảo sửa đổi quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Nghị định 33, theo đó “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng ….; trường hợp đã cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, cơ quan quản lý nhà nước vè khoáng sản để bàn giao theo quy định”. Quy định này là chưa phù hợp với Nghị định 158/2016/NĐ-CP vì trường hợp này doanh nghiệp chỉ phải thực hiện “thông báo” mà không phải là “báo cáo”. Đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại để đảm bảo tính thống nhất.
- Khoảng cách khung xử phạt quá rộng: Một số quy định về khung phạt tiền trong Dự thảo có khoảng cách quá rộng, ví dụ: phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác quy định tại điểm c khoản 5 Điều 36 Nghị định 33 được sửa đổi tại khoản 38 Điều 1 Dự thảo; điểm b khoản 6 Điều 36 Nghị định 33 (phạt từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng); điểm d khoản 6 Điều 36 Nghị định 33 (phạt từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng); điểm đ khoản 5 Điều 40 Nghị định 33 (phạt từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng). Việc khung phạt tiền quá rộng sẽ trao nhiều quyền quyết định cho cán bộ thực thi và tạo ra nguy cơ về sự bất bình đẳng giữa các đối tượng bị xử phạt trong cùng điều kiện.
Đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp lại khung phạt tiền này.
- Khoản 47 Điều 1 Dự thảo bổ sung quy định khoản 6 Điều 47 Nghị định 33 xử phạt đối với hành vi “không lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đối với giấy phép cấp trước ngày Luật Khoáng sản 1996 có hiệu lực nhưng có nội dung không phù hợp quy định của Luật Khoáng sản hiện hành”. Quy định này là chưa phù hợp vì Điều 84 Luật Khoáng sản quy định “tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện hết thời hạn quy định trong giấy phép”. Như vậy, với những doanh nghiệp được cấp giấy phép theo Luật Khoáng sản 1996 sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn quy định trong giấy phép mà không phải thực hiện các thủ tục xin cấp đổi giấy phép. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định 33.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.