Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

Thứ Sáu 09:03 21-01-2011

 

 

VÀI Ý KIẾN GÓP Ý CHO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH

Về lệ phí trước bạ

¾¾¾¾¾¾

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch HĐTV

Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

 

Bộ Tài chính đã hoàn thành Dự thảo Nghị định của Chính phủ về lệ phí trước bạ thay thế cho  Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999; Nghị định số 80/2008/NĐ-CP ngày 29/7/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 và Nghị định số 47/2003/NĐ-CP ngày 12/5/2003 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Việc ban hành một Nghị định mới thay thế các Nghị định đang tồn tại hiện nay về lệ phí trước bạ là cần thiết và hợp lý, khắc phục tình trạng chắp vá, trùng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật về cùng một vấn đề. Những nội dung kế thừa và bổ sung của DT NĐ, về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, để những quy định về lệ phí trước bạ "thấu lý, đạt tình", được các đối tượng thực hiện "tâm phục, khẩu phục" và tự giác thực hiện, có những vấn đề sau đây cần được trao đổi, nghiên cứu thêm:

  1. Cần nhận thức đúng về bản chất của Lệ phí trước bạ. Lệ phí trước bạ là một khoản tiền mà người có tài sản phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, lệ phí trước bạ không phải là một loại thuế, đó chỉ là khoản phí mà người có tài sản phải nộp để bù đắp một phần chi phí của Nhà nước trong việc thực hiện đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Cấp đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản là biện pháp của Nhà nước, nhằm quản lý tài sản của công dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác. Vì vậy, không thể sử dụng lệ phí trước bạ để tăng thu cho ngân sách cũng không thể thông qua lệ phí trước bạ để hạn chế quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của công dân. Điều 58, Hiến pháp năm 1992 của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định:

"Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; ... Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân".

Vì vậy, nếu sử dụng lệ phí trước bạ làm một trong những công cụ để hạn chế quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản có được từ thu nhập hợp pháp của công dân là trái với Hiến pháp.

  1. Khoản 4 Điều 7 của DT NĐ nâng tỷ lệ phí trước bạ lên tới 20% là không có sức thuyết phục. Những lập luận của Bộ Tài chính về vấn đề này không có đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn.

Trước hết, không thể tăng lệ phí trước bạ để tăng nguồn thu của Ngân sách Nhà nước, bù đắp sự thiếu hụt về thu thuế nhập khẩu do thực hiện cam kết WTO. Đó là một sự nhầm lẫn đáng tiếc giữa thuế và lệ phí. Hơn nữa, nếu lập luận đó được thừa nhận, sau khi đã nâng lệ phí trước bạ với ô tô mà thu ngân sách vẫn không bù đủ chi, liệu những loại lệ phí khác như : Lệ phí hải quan, lệ phí đăng ký kết hôn, phí công chứng... có tăng lên?  Như vậy, tôn chỉ mục đích xây dựng một "Nhà nước của dân, do dân và vì dân" có còn đúng hay không?

Hai là, cho rằng nâng lệ phí trước bạ để "Góp phần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc sử dụng, sở hữu tài sản" là tư duy ngược. Bởi lẽ, để người dân sẵn sàng làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước thì lệ phí trước bạ phải là một khoản thu thấp, chỉ để bù đắp một phần chi phí của Nhà nước trong quản lý tài sản.

Ba là, cho rằng, tăng lệ phí trước bạ với ô tô là để điều tiết thu nhập của tầng lớp có nhiều tiền là ý kiến vừa đúng vừa không hoàn toàn đúng. Ý kiến đó đúng là vì, trong điều kiện về thu nhập của đại bộ phận nhân dân Việt Nam hiện nay, những cá nhân sở hữu một chiếc ô tô con (loại đắt tiền) phần lớn là có nguồn thu từ tham nhũng, buôn lậu ( Bởi vì những người trúng giải xổ số, đào được trầm hương, vàng...rất ít). Vì vậy, điều tiết thu nhập của những đối tượng này là cấn thiết. Song, ý kiến đó lại không đúng vì lệ phí trước bạ không có chức năng của một loại thuế để điều tiết thu nhập của nhân dân. Hơn nữa, đối tượng sử dụng ô tô dưới 9 chỗ ngồi hiện nay phần lớn là các doanh nghiệp nhằm phục vụ kinh doanh. Điều tiết thu nhập của các doanh nghiệp là chức năng của thuế thu nhập doanh nghiệp. Tăng lệ phí trước bạ với ô tô loại này là gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thứ tư, cho rằng tăng lệ phí trước bạ để hạn chế sự gia tăng của ô tô, giảm ùn tắc giao thông cũng là ý kiến không thực tế. Bởi lẽ, tỷ lệ 20% chỉ áp dụng với các thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Vì vậy, người mua xe sẽ nhờ người thân đứng tên, mua xe ở tỉnh khác và đưa về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để sử dụng. Điều đó đã xẩy ra đối với phương tiện xe máy trước đây. Hiện nay, qua khảo sát ngẫu nhiên, cứ 10 chiếc xe máy lưu thông trên đường phố Hà Nội thì có tới 3 chiếc đăng ký ở tỉnh khác. Chúng ta không thể cấm  ô tô, xe máy của tỉnh khác lưu hành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vì Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là của cả nước, không phải của riêng ai.

Thứ năm, tăng lệ phí trước bạ sẽ không hạn chế được sự gia tăng ô tô vì với người nhiều tiền đủ sức chi hàng tỷ đồng để mua ô tô thì việc nộp lệ phí trước bạ với vài trăm triệu đồng không phải là khó khăn. Song, đó lại là biện pháp làm tăng giá thị trường, tiếp tay cho lạm phát.

Trên đây là một số ý kiến đề nghị nghiên cứu lại về việc tăng lệ phí trước bạ. Không nên giao cho lệ phí trước bạ những chức năng mà nó không có. Tăng thu cho ngân sách, hạn chế ùn tắc giao thông, điều tiết thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao...phải được thực hiện qua những biện pháp khác.

Các văn bản liên quan