Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Hai 10:07 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi tán thành về sự cần thiết cũng như nhiều nội dung đã nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật để có thêm thông tin cho cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra tham khảo trong quá trình chỉnh lý hoàn thiện dự án luật này, chúng tôi xin góp ý trực tiếp vào một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, vấn đề quản lý Nhà nước, trong này chúng ta quy định khá rõ, tuy nhiên còn có vấn đề liên quan đến cơ quan lưu trữ Trung ương thuộc Bộ Nội vụ có nội dung quy định tại Điều 16, Khoản 1 và Khoản 2 chúng tôi thấy cân nhắc. Chúng tôi xin đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nên báo cáo vấn đề này với cơ quan có thẩm quyền để có quan điểm dứt điểm đối với các cơ quan thuộc Chính phủ nay thực hiện chủ trương của ta là Bộ quản lý đa ngành, đã đưa về các Bộ vẫn còn băn khoăn, thể hiện chính ở trong Luật Cơ yếu cũng như luật này, gài vào Khoản 1, Điều 16 câu: "Người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về lưu trữ Trung ương thuộc Bộ Nội vụ có quyền quy định thời hạn bảo quản tài liệu lưu trữ đối với các cơ quan tổ chức" Tôi nghĩ cơ quan này không thể có thẩm quyền này, anh là một cơ quan thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý thì Bộ Nội vụ mới có quyền quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không thể là người đứng đầu này ra quyết định bắt các cơ quan khác chấp hành. Cho nên chúng tôi thấy cần hết sức rõ ràng vấn đề này, tránh cơ quan này, cơ quan khác chấp hành, cho nên chúng tôi thấy cần phải hết sức rõ ràng vấn đề này. Tránh việc cơ quan này, cơ quan khác cứ lăn tăn muốn quay trở lại như cũ mà lại đưa ra các quy định cứ lách vào chỗ này, lách vào chỗ khác, đó là điểm thứ nhất.

Thứ hai, vấn đề liên quan giữa các luật này với Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước là hết sức chặt chẽ, vấn đề đó liên quan đến Điều 6 khi chúng ta quy định về quản lý tài liệu lưu trữ của cá nhân, của gia đình và dòng họ, chúng tôi thấy cần cân nhắc lại điểm cuối của điều đó. Chúng ta có quy định việc mua bán tài liệu lưu trữ của cá nhân, trừ tài liệu liên quan đến an ninh quốc gia, chúng ta đưa ra thêm một khái niệm mới nhưng mà không có. Chúng ta hiện nay đang có Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước và tất cả những gì liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nghĩa là những gì nếu như bị lộ ra sẽ gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước. Trong pháp lệnh đó cũng có quy định rằng các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế v.v...của cá nhân nếu như có nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước thì phải được đăng ký và bảo vệ theo quy định của pháp lệnh đó. Cho nên ở đây nên quy định trong trường hợp mua bán tài liệu liên quan đến bí mật Nhà nước phải chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước.

Một điểm nữa cũng thuộc về bảo vệ bí mật Nhà nước ở đây chúng tôi thấy có sự vênh nhau giữa Điều 21 và Điều 28. Điều 21 quy định như vậy thì chúng tôi hiểu rằng chuyện sau 10 năm, 20 năm quy định như thế thì các cơ quan, tổ chức phải chuyển giao tài liệu vào lưu trữ lịch sử, trong đó có chuyện phải giải mật và đóng dấu đã giải mật vào. Có nghĩa tài liệu đã đến với lưu trữ lịch sử là không còn mật nữa. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Chúng ta sẽ có tài liệu cơ quan quyết định nó hết độ mật rồi và đã giải mật thì nó là một loại. Nhưng vẫn còn loại mà vẫn còn độ mật, cơ quan có thẩm quyền người ta chưa giải mật, hết thời hạn theo quy định thì người ta vẫn có thể chuyển vào lưu trữ lịch sử nhưng nó vẫn là tài liệu mật. Điều đó phù hợp ở chỗ Điều 11 của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước là tài liệu thuộc độ tuyệt mật và độ tối mật là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng mà Bộ Công an là người thẩm định việc lập, giải mật, trình để Thủ tướng quyết định, không phải là Bộ Công an quyết định. Cho nên chúng tôi thấy quy định ở Điều 21 dường như là tất cả tài liệu chuyển giao cho lưu trữ lịch sử là nó hết mật rồi thì không phải.

Thứ hai, đến Điều 28 chúng ta lại quy định 40 năm, 60 năm. Tôi thấy ở đây trước hết là nó thiếu một độ mật. Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước có 3 độ mật, đó là tài liệu mật, tài liệu tối mật và tài liệu cao nhất là tuyệt mật. Ở đây chúng ta nói là 40 năm tài liệu có độ mật sau đó chúng ta thoải mái tiếp cận và tài liệu 60 năm đối với tuyệt mật, còn tối mật đi đằng nào? Sót mất tối mật, không thấy đâu. Hai nữa là không thể tự nhiên có thể tiếp cận được. Tài liệu tuyệt mật và tối mật Thủ tướng Chính phủ mới có quyền quyết định giải mật nó, ông ấy chưa giải mật thì nó vẫn còn nguyên giá trị thì làm sao cứ automatic thế này vào để tiếp cận được. Cho nên chúng tôi thấy hết sức cân nhắc chỗ này.

Việc phối hợp giữa các cơ quan trong điều quy định về quản lý nhà nước giữa Bộ nội vụ và các bộ, ngành để thực hiện việc quản lý tài liệu lưu trữ, tôi thấy cần phải có quy định bổ sung vào Khoản 3, Điều 36 một câu là "các bộ ngành có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nội vụ". Ví dụ nếu không có sự phối hợp thì xảy ra trường hợp là biên bản để bắt giữ một người mang vàng và đôla lậu vào nước ta thì theo quy định của ngành hải quan sau 5 năm biên bản đó hủy. Nhưng cơ quan công an điều tra có một vụ án sau khi điều tra thì có tình tiết liên quan đến chuyện đó, quay lại hỏi cơ quan hải quan thì biên bản đó hủy mất rồi không còn nữa. Vì vậy, sự phối hợp của chúng ta trong thời gian vừa qua khá lỏng lẻo. Chúng tôi đề nghị phải ghi vào đó là có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ với các bộ, ngành để bảo đảm các tài liệu đó phục vụ tốt cho công tác lưu trữ, cũng như công tác nghiên cứu, sử dụng và khai thác. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan