Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Hai 09:48 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tiếp cận với dự án Luật đo lường, có thể nói qua phát biểu của một số đại biểu đã phát biểu trước, chúng ta thấy đặt ra nhiều vấn đề quan tâm. Luật đo lường là một luật chuyên ngành rất sâu nhưng phạm vi thì rất rộng, liên quan đến toàn bộ đời sống hoạt động từ nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đến các vấn đề trong đời sống thực tiễn từng ngày, từng giờ của mỗi người dân, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đo lường, tính hợp tác quốc tế lại rất cao. Cho nên tôi cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cần thiết phải ban hành Luật đo lường và thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Về trách nhiệm của mình tôi xin tham gia một số ý kiến sau đây:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của Luật đo lường. Tôi không phân tích thêm về đo lường pháp định, đo lường khoa học và đo lường trong công nghiệp, mà ý kiến này tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu Trung Nhân vừa phát biểu khi nãy. Tôi xin nói thêm sau khi nghiên cứu dự án luật tôi thấy phạm vi điều chỉnh của Luật đo lường tập trung vào điều chỉnh các nội dung cần thiết của đo lường pháp định là hoàn toàn phù hợp. Sự can thiệp của Nhà nước trong lĩnh vực này là cần thiết, bởi vì trong lĩnh vực đo lường một trong những vai trò quan trọng của Nhà nước là phải cung cấp những phương tiện cần thiết để các chủ thể trong xã hội có thể tin tưởng vào các kết quả đo lường được cung cấp, ở đây kết quả đo lường được nhấn mạnh hơn so với các phương tiện đo. Các cơ quan Nhà nước phải tập trung vào việc đảm bảo kết quả đo lường để tránh những sự mâu thuẫn về lợi ích của các bên khi tham gia vào các giao dịch trong xã hội, nhất là khi việc đo lường có liên quan đến hầu hết các gia đình, giao dịch trong xã hội từ lớn đến nhỏ.

Vấn đề thứ hai, chính sách của Nhà nước về đo lường ở Điều 5. Khoản 5, Điều 5 dự thảo luật có quy định về đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đo lường. Qua nghiên cứu tôi thấy hiện nay Chính Phủ cũng đã cho phép Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam tham gia 15 tổ chức quốc tế và khu vực liên quan đến lĩnh vực đo lường. Tôi nghĩ đó là một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển của đo lường Việt Nam đối với khu vực và thế giới.

Trên thực tế, về xu hướng cạnh tranh thương mại hiện nay là hạn chế nhập khẩu sản phẩm hàng hóa chưa được bảo đảm bằng giấy chứng nhận đo lường và thử nghiệm đã được bên thứ ba thừa nhận. Do đó, việc thiếu các khả năng đo lường thử nghiệm của các nước phát triển như nước ta hiện nay sẽ thu hẹp thị trường thương mại. Đây là thách thức đòi hỏi cơ sở hạ tầng của đo lường quốc gia phải đảm bảo tính hội nhập với đo lường quốc tế. Chính vì vậy mà chứng nhận hiệu chuẩn do Cục đo lường quốc gia công bố phải được chấp nhận trên phạm vi quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay với việc công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia hàng hóa, thì hàng hóa từ các nước sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam và sẽ khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất nội địa và không tránh khỏi việc cạnh tranh. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiến tới đưa hoạt động đo lường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thì nước ta cũng cần phải sử dụng những công cụ tiêu chuẩn hóa quốc gia để bảo hộ cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Cho nên, dự án luật nay có quy định về vấn đề này để đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời bảo hộ được sản xuất trong nước. Về vấn đề này trong thực tế, các quốc gia trên thế giới dù có tăng cường hoạt động hài hòa tiêu chuẩn đến mức độ cao như thế nào đi chăng nữa thì về lâu dài vẫn sử dụng công cụ, tiêu chuẩn hóa quốc gia ở chừng mực nhất định để duy trì sức cạnh tranh cho những sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc thù hay để bảo vệ quyền lợi của quốc gia mình và đặc biệt là bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Về chính sách ở Điều 5 này tôi thấy chưa đề cập đến vấn đề đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm định, cho nên tôi đề nghị phải bổ sung thêm một khoản quy định rõ ràng về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm.

Dự thảo luật cũng đã có quy định tổ chức cá nhân kinh doanh phương tiện đo, tổ chức cá nhân sử dụng phương tiện đo tại Điều 25 và Điều 27. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu xã hội hóa trong thực hiện các biện pháp quản lý về đo lường thì nên bổ sung quy định về tổ chức, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, đạt chuẩn. Như vậy bất kỳ tổ chức nào không phân biệt là tổ chức của nhà nước hay tư nhân, khi đáp ứng đủ các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực, tính độc lập khách quan tức là đạt chuẩn thì đều được quyền đăng ký hoạt động trong việc cung cấp các dịch vụ về thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn về đo lường. Điều này không những đảm bảo chất lượng của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn đo lường mà còn đảm bảo cơ hội lựa chọn cho các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ về đo lường.

Trên thực tế ở các nước có cơ sở đo lường tư nhân phát triển, thì hoạt động mang tính kỹ thuật về đo lường thường được dựa vào khu vực tư nhân. Nhờ đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào hoạt động cơ bản của mình là đảm bảo thực thi và giám sát. Ngược lại nếu năng lực kỹ thuật tập trung vào khu vực nhà nước, các cơ quan này sẽ phải dành nhiều thời gian hơn nữa cho công việc kỹ thuật, nên có thể ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước. Chính vì vậy tôi đề nghị phải bổ sung thêm khoản đó, vì vấn đề này một số đại biểu trước tôi đã có phát biểu.

Thứ ba, dự thảo luật quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm 6 khoản chung như vậy tôi thấy rất khó thực hiện, bởi vì vấn đề đo lường không chỉ có ở địa bàn cấp tỉnh, mà rộng rãi đến các vùng sâu, vùng xa, miền núi từ cấp xã đến huyện. Tôi đề nghị dự luật phải thiết kế lại điều này thành 3 khoản như sau:

Khoản 1, quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Khoản 2, quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Khoản 3, quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Đi đôi với việc quy định trách nhiệm của các Ủy ban nhân dân này thì đồng thời cần có cơ chế trong việc phát triển nguồn nhân lực cũng như phương tiện để đảm bảo thực thi.

Thứ tư, về thanh tra, kiểm tra. Về vấn đề này tôi thấy mặc dù kiểm tra cũng là hoạt động trong thanh tra, nhưng đối với dự thảo luật cần quy định sự giao thoa còn quá lớn, nên chăng đây lần góp ý đầu tiên cho nên có thể phân ra thêm khoản quy định cụ thể rõ ràng, chi tiết hơn, tránh sự trùng lặp. Tôi cũng thống nhất Điều 47, Khoản 4 có quy định thêm về việc giao cho Chánh thanh tra Bộ khoa học và công nghệ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc xét xử khi hành vi đó quá mức vi phạm hành chính tôi thống nhất cao việc này. Vừa qua, qua khảo sát chúng tôi thấy một số đơn vị cấp tỉnh khó khăn trong việc xử lý khi vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực đo lường.

Vấn đề cuối cùng, tôi đề nghị cần thống nhất việc xử lý các vi phạm đo lường, gian lận thương mại, làm hàng giả. Lĩnh vực đo lường hiện nay là lĩnh vực chuyên ngành rất sâu, cần phải chú trọng công tác tuyên truyền và dành nguồn kinh phí thích hợp cho công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tôi đề nghị sau khi bổ sung phát triển tư nhân hóa, đối với Nhà nước lĩnh vực đo lường vẫn phải làm chủ, hiện nay chúng ta có 3 trung tâm kiểm định hiệu chuẩn lớn trong cả nước, một trung tâm tại Hà Nội, một tại Thành phố Hồ Chí Minh và một trung tâm tại Đà Nẵng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ được, nên chăng có chính sách để đột phá trong phát triển hoạt động này trong thời gian tới. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan