Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường – Thái Bình

Thứ Sáu 10:26 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp một số ý kiến vào dự thảo luật như sau:

Trước hết về căn cứ viện dẫn, hầu hết các luật mà chúng ta xây dựng gần đây thì trong căn cứ viện dẫn chúng ta chỉ có nêu Hiến pháp năm 1992 và Nghị quyết 51 của Quốc hội Khóa X. Nhưng riêng Luật tố cáo thì chúng ta thêm vào một đoạn: "để việc tố cáo và giải quyết tố cáo đúng pháp luật góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức". Tôi thấy rằng đoạn này đưa vào đây không cần thiết và nghe rất hô khẩu hiệu. Vì vậy tôi đề nghị bỏ ra ngoài.

Nội dung thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí với nhiều đại biểu về việc đưa tổ chức vào phạm vi điều chỉnh, vì theo tôi các tổ chức này thì đều có người đứng đầu cả và người đứng đầu họ phải chịu trách nhiệm về tố cáo của họ. Nhưng mà khi chúng ta chấp nhận các tổ chức thì xem ra nó sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì nhiều khi cá nhân người ta không dám đứng, nhưng mà đứng tên tổ chức thì người ta dám đứng. Bởi vì đằng sau đó, ví dụ như có thiệt hại phải bồi thường thì tổ chức đứng ra bồi thường thay, còn trách nhiệm cá nhân thì người đứng đầu phải chịu, cho nên tôi nhất trí như nhiều đại biểu là đưa thêm tổ chức vào phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, trong phạm vi điều chỉnh tại Khoản 2 quy định: tố giác tin báo tội phạm, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được thực hiện theo Bộ luật tố tụng hình sự, tố cáo hành vi của người tố tụng thực hiện theo Luật tố tụng, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động thì thực hiện theo pháp luật lao động. Theo tôi đây không phải là phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, đây là áp dụng pháp luật, cho nên Luật tố cáo tôi đề nghị thiết kế thêm một điều áp dụng pháp luật. Trong đó ngoài 3 nội dung tôi vừa nêu ở Khoản 2, Điều 1, tôi đề nghị đưa thêm 2 nội dung, một là tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án dân sự, bởi vì chúng ta xây dựng Luật thi hành án dân sự chúng ta có cả một chương từ Điều 154 đến Điều 159 quy định rất cụ thể, kể cả về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết và thời gian giải quyết. Chúng tôi đề nghị đưa vấn đề này vào nội dung áp dụng pháp luật.

Nội dung thứ hai, chúng tôi đề nghị đưa vào đó là giải quyết tố cáo của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Chúng ta quy định ở thẩm quyền của các cơ quan giải quyết ở Điều 18, theo tôi là không hợp lý, mà chúng ta đưa vào điều này thì hợp lý hơn.

Nội dung thứ ba, quy định trách nhiệm giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp quy định tại Điều 8. Tại Điều 8 chúng ta quy định giám sát của các cơ quan nhưng chúng ta có cả một Chương VII với 6 điều, chúng ta quy định rất chi tiết, rất cụ thể về giám sát của các cơ quan này, tại sao chúng ta lại phải thiết kế thêm một điều không cần thiết, như Điều 8 theo tôi là không cần thiết đề nghị bỏ ra.

Thứ tư là về hình thức tố cáo, rất nhiều đại biểu cho rằng hình thức tố cáo bằng điện thoại, fax, thư điện tử là không nên, theo tôi là chúng ta chấp nhận. Bởi vì cái này chúng ta cũng đang thực hiện và đặc biệt là trong phòng, chống tham nhũng chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan ở cấp tỉnh chúng ta tiếp nhận tin, thông báo tố cáo về phòng, chống tham nhũng. Ví dụ tôi đang ở đây nhưng tôi có một việc ở nhà, tôi điện về nhà nói rõ họ tên của tôi, nói rõ sự việc, không có lý do gì người ta không xem xét cả. Có thể tôi chưa về hôm nay nhưng ngày mai, ngày kia tôi về. Cho nên chúng tôi đề nghị hình thức thứ ba này cũng là cần thiết và có như vậy chúng ta mới phát huy được vai trò của người dân.

Nội dung thứ năm, về xử lý tố cáo không rõ nội dung và sự việc xảy ra đã lâu. Vấn đề này trong quy định của chúng ta như đại biểu Thúy đã nói lúc trước là chúng ta không quy định thời gian là bao lâu. Xin báo cáo các đại biểu Quốc hội đối với án hình sự nếu như hành vi vi phạm đó ở tội ít nghiêm trọng và sau 5 năm, chúng ta không truy tố nữa. Vậy mà ở đây có việc tố cáo nói đúng là lĩnh vực về hành chính thế, nhưng chúng ta lại không có thời hạn nào thì không thể được, có thể người ta sẽ lợi dụng vấn đề này để người ta làm hại lẫn nhau. Cho nên chúng tôi đề nghị như đại biểu Thúy đã đề xuất là phải có thời gian cụ thể ở đây, ít nhất là 3 năm theo Luật dân sự đã quy định, như vậy nó sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Nội dung thứ sáu, khen thưởng và xử lý vi phạm quy định tại Điều 68, Điều 70. Trong Điều 68 và Điều 70 chúng ta liệt kê tất cả các hành vi vi phạm, ở trên thì chúng ta nói xử lý bằng hành chính hoặc bằng biện pháp hình sự, ở dưới thì chúng ta liệt kê. Nhưng thực ra, các liệt kê của chúng ta ở 2 điều này thì đã có Điều 13 quy định về các hành vi cấm rồi, vậy thì tại sao chúng ta lại phải liệt kê ở Điều 13 sang hai điều này, tôi cho rằng không cần thiết. Vì vậy tôi đề nghị với Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại hai điều này, những hành vi nào thuộc về hành vi cấm thì chúng ta đưa về Điều 13, còn lại Điều 68, Điều 70 này thì chúng ta quy định rất ngắn gọn.

Cuối cùng, về hiệu lực thi hành. Trong hiệu lực thi hành có ghi 3 khoản: một là những tố cáo thụ lý được xem xét, giải quyết trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện theo Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, 2005. Sau câu "luật có hiệu lực thi hành" lại có thêm đoạn: "Quyết định các quy định về tố cáo giải quyết trong Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và năm 2004 - 2005 hết hiệu lực thi hành kể từ khi Luật này có hiệu lực" Như vậy không hiểu như thế nào? Trên thì bảo phải giải quyết theo luật cũ, ở dưới bảo luật cũ hết hiệu lực thi hành ngay khi luật này có hiệu lực. Cho nên chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và chỉnh sửa lại cho hợp lý. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan