Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Kiệt – Vĩnh Long

Thứ Sáu 10:25 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Trên cơ bản tôi thống nhất với dự thảo Luật tố cáo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tôi xin phát biểu mấy vấn đề mà chưa thống nhất với nhau trong Quốc hội xung quanh vấn đề là đơn tố cáo không ký tên. Tôi cho là không ký tên chứ không phải nặc danh, bởi vì những lý do gì đó họ chưa dám ký tên hoặc do trình độ, năng lực gì đó họ chưa dám ký tên, do cơ chế gì đó họ chưa dám ký tên, chứ không phải họ nặc danh. Do đó, theo tôi thì thực trạng hiện nay hình như một số ngành Trung ương và địa phương còn ngán sợ, hoặc kinh đơn tố cáo, sợ đơn tố cáo. Theo tôi đơn tố cáo là một kênh cực kỳ quan trọng cho sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự thực thi của các ngành chức năng. Vì thực trạng trong thời gian qua nếu không có đơn tố cáo, không có giới báo chí thì xin thưa ngành chức năng làm được bao nhiêu vụ ở các lĩnh vực cả kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, tôi không nói tham nhũng. Cũng xuất phát từ đơn tố cáo, từ kênh các giới báo chí trên cơ sở đó các ngành chức năng mới bắt tay vào cuộc. Do đó tôi cho đây là một kênh cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta xem thường vấn đề này thì coi rằng một số ngành chức năng đó ngán sợ đơn tố cáo, không dám nhìn vào sự thật. Đương nhiên tôi nói là nếu báo cáo là 50% đơn tố cáo không có tội chưa xác minh. Điều đó tại người tố cáo không có sự thật hay tại cơ quan chức năng làm không ra sự thật cho nên chưa lường được. Không vì quá ít lượng người tố cáo mà không tố cáo sự thật. Bởi vì tôi nghĩ người tố cáo là người vô tư nhất, không dính gì quyền lợi của họ mà họ đi tố cáo, người khiếu nại đương nhiên người ta khiếu nại thắng thì hưởng, thua thì hòa vì quyền lợi của người ta. Còn người tố cáo hoàn toàn đại bộ phận không có quyền lợi, ít người có quyền lợi, tố cáo vì việc chung, vì đất nước, vì quốc gia, chứ không phải vì gia đình tôi, mà vì lý do nào đó họ không dám ký tên, chứ không phải nặc danh. Do cơ chế ràng buộc gì đó, xử lý bảo vệ họ chưa đến nơi, đến chốn mà họ không dám ký tên, chứ tôi cho rằng cái đó không phải họ hại người mà họ giúp nước. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét vấn đề này, không vì lý do nào mà nhiều ngành, nhiều địa phương sợ, kinh tố cáo thì nó không hay. Cho nên ý kiến thứ nhất, tôi đề nghị nên xem xét vấn đề này.

Vấn đề thứ hai, xung quanh Chương IV thì cũng đáng mừng Chương IV là bảo vệ người tố cáo thì đúng là hay, nhưng chưa rõ, chưa thực tế mà thực trạng nhiều đại biểu phát biểu trước tôi là tố cáo rồi, tôi nói là nếu người tố cáo mà tố cáo đúng sự thật thì vô cùng anh dũng, dũng cảm. Bởi vì tố cáo quyền lợi người ta không có, không có gì dính líu đến nhà cửa, quyền lợi của bản thân họ, mà họ tố cáo thì đúng là họ dũng cảm. Nhưng bảo vệ của chúng ta còn quá chung chung, bảo vệ đúng như đồng chí phát biểu trước tôi là bảo vệ tới lúc phải dỡ nhà đi, nhà mất mà địa phương chưa hay thì sinh mạng mất làm sao biết. Do đó vấn đề này tôi đề nghị Quốc hội, Ban soạn thảo nên xem xét lại cách bảo vệ họ như thế nào hoặc cách trừng trị người trả thù họ như thế nào. Tôi nói bây giờ ở cơ quan, đơn vị, lính mà tố cáo Thủ trưởng, xin thưa trước khi viết đơn tố cáo anh nên khăn gói về nhà chắc ăn hơn, vì trước sau cũng bị như vậy, do đó vô cùng khó. Tôi đề nghị luật nên xem xét vấn đề này, điều chỉnh như thế nào, tôi bây giờ cũng chưa có định hướng, do đó tôi đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh để làm thế nào người tố cáo trung thực được Nhà nước bảo vệ, được dân bảo vệ thì họ sẽ tố cáo ở các lĩnh vực, không riêng gì lĩnh vực chống tham nhũng. Nhiều khi một vấn đề về tội chính trị Nhà nước, cơ quan chức năng chưa phát hiện được, mà dân phát hiện được, người ta tố cáo, ai dám ký tên, không đơn vị nào dám ký tên đâu, mà nếu chúng ta bỏ quy định này ra thì vô cùng sợ.

Vấn đề thứ ba là khen thưởng, tôi cũng thống nhất nhiều ý kiến, khen thưởng của chúng ta bây giờ khen cũng chẳng ra khen. Tôi nhớ một lần nào đó tôi đã đề nghị, nếu các vụ án tham nhũng thu hồi tiền tham nhũng đó được thì người tố cáo đó hưởng tỉ lệ bao nhiêu %, quy định cụ thể để người ta vừa phải dũng cảm, vừa có quyền lợi, chứ dũng cảm mà không có quyền lợi thì không ai làm. Cho nên tôi đề nghị vấn đề khen thưởng nên khá cụ thể, chứ không phải như Luật khen thưởng bây giờ thì 200, 600 hay 300 gì đó, thì đúng là nó không có thể đền bù, bởi vì là sinh mạng người ta, tài sản người ta. Do đó tôi đề nghị Quốc hội nên xem xét, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan