Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Văn Hưng – Hưng Yên

Thứ Sáu 10:08 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Về sự cần thiết và những nội dung cơ bản của dự thảo luật tôi hoàn toàn đồng tình, về các vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, tôi nhất trí cao với quan điểm của đa số ý kiến của Ủy ban pháp luật khi thẩm tra dự thảo này. Đối với dự thảo Luật tố cáo, tôi quan tâm và xin tham gia ý kiến về ba vấn đề như sau:

Vấn đề thứ nhất, vấn đề chuyển vụ việc tố cáo có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát qui định tại Điều 32 của dự thảo luật. Dự thảo luật qui định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố cáo, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận giải quyết tố cáo phải chuyển hồ sơ vụ việc tố cáo cho cơ quan điều tra, kiểm sát để giải quyết theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự. Đây là một vấn đề đã được qui định từ nguyên tắc tại Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Tuy nhiên quá trình thực hiện áp dụng vẫn còn nhiều bất cập và gây nhiều bức xúc cho công dân.

Nay ban hành Luật tố cáo riêng tôi đề nghị, trong qui định của luật cần phải có những qui định rất rõ ràng về các thời hạn chuyển vụ việc là bao nhiêu lâu, thời điểm chuyển vụ việc là khi nào? Khi đó cơ quan tổ chức tiếp nhận giải quyết tố cáo thì đã phải tiến hành xem xét và xác minh hay chưa? Có phải thụ lý và phải xác minh hay không và như thế nào thì được coi là thấy có dấu hiệu tội phạm. Trong trường hợp người giải quyết tố cáo cố tình ngâm giữ vụ việc tố cáo mà không chuyển lên cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì việc sẽ bị xử lý như thế nào khi rõ ràng vụ việc tố cáo đó có dấu hiệu tội phạm. Nếu dự thảo luật không quy định rõ ràng những vấn đề này, việc giải quyết tố cáo khó có sự tiến triển một bước mới so với luật hiện hành.

Vấn đề thứ hai, người tố cáo rút đơn tố cáo do nhận thức được việc tố cáo của mình là không đúng, dự thảo luật chưa đề cập, theo tôi là sự thiếu sót, vì thực tiễn đã từng xảy ra, bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực, không ít người đã lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, nhằm gây tổn hại danh dự, nhân phẩm cho cán bộ công chức Nhà nước vào các dịp nhạy cảm như bầu cử, bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự. Vì tố cáo nặc danh không được xem xét giải quyết nên người tố cáo ghi rõ danh tính, địa chỉ nhưng sự việc đang trong quá trình giải quyết, việc bầu cử, sắp xếp nhân sự đã ổn định xong, người tố cáo công khai xin rút tố cáo vì cho rằng mình tố cáo không đúng. Theo tôi, đây là trường hợp mang tính chất nghiêm trọng và gây hậu quả lớn hơn trong trường hợp tố cáo sai sự thật dự thảo luật đã quy định những hình thức chế tài rất nghiêm khắc đối với việc tố cáo sai sự thật. Không thể coi việc tố cáo này đã được rút, nên không xem xét giải quyết trách nhiệm của người tố cáo nữa. Vì vậy tôi đề nghi bổ sung điều luật quy định rõ để ngăn chặn trường hợp này và nâng cao trách nhiệm của người tố cáo.

Vấn đề thứ ba, về bảo vệ người tố cáo, Khoản 1, Điều 14 quy định quyền của người tố cáo được yêu cầu, Điều 48 quy định "trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo phải bảo vệ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo". Quy định này thực sự là bất khả thi vì cơ quan, tổ chức đó là một tập thể với nhiều bộ phận khác nhau. Việc tố cáo theo dự thảo luật và thực tế phải qua các khâu tiếp nhận đơn, đơn tố cáo phải có địa chỉ rõ ràng, phải xem xét về thẩm quyền, phải xác minh, phải kết luận, sau đó thông báo và xử lý. Nếu cho rằng người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận tố cáo là người có trách nhiệm phải bảo vệ bí mật đó cho người tố cáo thì họ không thể làm nổi. Các biện pháp cần thiết để bảo vệ bí mật quy định tại Điều 48 là những biện pháp gì? Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải làm như thế nào để bảo vệ bí mật cho người tố cáo thì dự thảo luật chưa quy định đầy đủ những cơ sở này.

Các quy định về bảo vệ người tố cáo quy định tại Điều 49, 50, 51 Chương V của dự thảo luật còn khó thi hành hơn nhiều. Việc bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo mới được dự thảo luật đề cập tới như một sự liệt kê về đầu việc, mà chưa có cơ sở nào để thực thi từ vấn đề kinh phí, nhân lực và chủ thể thực hiện. Tôi đề nghị cần phải xây dựng các quy định riêng cụ thể hơn, có những điều luật quy định rõ từ nguồn kinh phí bảo vệ người tố cáo, việc bồi thường khi người tố cáo bị thiệt hại, quỹ bảo vệ người tố cáo và chính sách động viên, khen thưởng đối với người tố cáo khi tố cáo đúng sự thật và có trách nhiệm. Đồng thời cần quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm và các biện pháp cụ thể để bảo vệ là các biện pháp gì, ngay trong luật, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, việc làm cho người tố cáo.

Điều 50 dự thảo Luật cũng quy định "người tiếp nhận giải quyết tố cáo nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trù dập, trả thù thì phải có trách nhiệm chỉ đạo, ngăn chặn". Theo tôi là quá muộn. Dự án Luật cũng quy định người có trách nhiệm bảo vệ là cơ quan công an, cơ quan Nhà nước, theo tôi vẫn còn quá chung chung và cũng chỉ đặt ra khi người tố cáo đề nghị, rồi phải xem xét có chính đáng hay không thì mới áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ, theo tôi các quy định như vậy vừa gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan Nhà nước, vừa đánh đố người tố cáo và cần chỉnh lý lại, cần quy định cụ thể, chặt chẽ ngay trong luật và không nên để Chính phủ hướng dẫn các quy định này, có như vậy người tố cáo mới yên tâm thực hiện quyền của mình. Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan