Tranh cãi Thông tư 13 dưới góc nhìn hội nhập

Thứ Năm 09:56 30-09-2010

Tranh cãi Thông tư 13 dưới góc nhìn hội nhập

Tác giả: Lê Khắc

Bài đã được xuất bản.: 02/09/2010 0

(VNR500) - Tranh cãi về những quy định của Thông tư 13 vẫn chưa có hồi kết. Dù Chính phủ có thông báo về việc xem xét các phản ánh của các tổ chức tín dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ra vững vàng về quyết định của mình.

LTS: Đến thời điểm này, ngoài sự đại diện của Hiệp hội thì người ta vẫn dấu tên 14 tổ chức tín dụng (TCTD) đã có ý kiến về thông tư 13. Liệu đó có phải là những tổ chức hàng đầu lớn mạnh, tiếng nói có trọng lượng trên thị trường hay chỉ là tiếng kêu ca của những tổ chức nhỏ yếu hoặc vì một lợi ích nào khác?.

Cuộc tranh cãi này rồi cũng sớm đến hồi kết thúc trong một tháng nữa. Nhưng chính nó lại làm bộc lộ những mâu thuẫn muôn thuở trong kinh doanh tài chính: lòng tham lợi nhuận và sự an toàn kinh doanh.

Câu chuyện tranh cãi hôm nay nhìn dưới góc độ hội nhập, lộ trình tiệm cận tiêu chuẩn hiện đại của hệ thống tín dụng Việt Nam sẽ còn nhiều chuyện để nói.
Mời độc giả tham khảo bài viết và đóng góp ý kiến qua hotline@vnr500.vn.

Thế nào là ổn định?

Một trong những điểm mà các ngân hàng phản đối mạnh mẽ nhất là việc loại bỏ nguồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác... ra khỏi tổng nguồn vốn huy động cho vay của các ngân hàng.

Các tổ chức tín dụng cho rằng, đây dù là nguồn không kỳ hạn nhưng rất ổn định và chiếm tới 15% tổng nguồn. Nếu loại bỏ sẽ gây ra khó khăn cho ngân hàng.

Tuy nhiên, từ thực tế, sự biến động của nguồn tiền này đã không ít lần gây khó cho chính các tổ chức tín dụng. Có thể nhớ lại đầu năm 2008, khi lạm phát cao, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chuyển tiền gửi kho bạc tại các ngân hàng thương mại về Ngân hàng Nhà nước. Khoản tiền khi đó khoảng trên 50.000 tỷ được thông báo rút đi đã gây rúng động cho nhiều ngân hàng. Mất đi nguồn tiền này, cộng với việc phải mua tín phiếu bắt buộc, thực hiện các chính sách thắt chặt để chống lạm phát... các ngân hàng Việt Nam đã thực sự rơi vào một cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Hiện nay, cũng có khoảng 56.000 tỷ đồng của kho bạc gửi tại ngân hàng thương mại, so với đầu năm tăng 8.000 tỷ đồng nhờ huy động được trái phiếu. Tuy nhiên, đây là nguồn không ổn định, vì nếu Chính phủ giải ngân nhanh sẽ giảm xuống ngay. Điều này là dễ hiểu Chính phủ không thể phát hành trái phiếu với lãi suất cao rồi đem chôn tiền ở ngân hàng mà phải đầu tư phát triển.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo quy định, tiền gửi kho bạc tập trung tại kho bạc gửi tại Ngân hàng Nhà nước. Nếu không thuận tiện mới gửi ngân hàng thương mại.

Như vậy, về nguyên tắc, đây không phải là nguồn tiền mà các TCTD có thể khai thác thường xuyên. Vì thế, ông có lý khi khẳng định, đã là tiền gửi Kho bạc thì không thể coi đó là nguồn vốn kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Theo Luật Ngân hàng Nhà nước mới, nguồn tiền này cũng do Ngân hàng Nhà nước quản lý và vài năm nữa, dòng tiền này phải được quản lý chặt chẽ.

Như vậy, về nguyên tắc, không còn gì tranh cãi với nguồn vốn của kho bạc gửi tại các ngân hàng. Vì theo quy định, nó thuộc về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Các ngân hàng hiện vẫn được hưởng lợi từ điều này là do lịch sử quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã có ý tưởng để hỗ trợ các ngân hàng thương mại hoặc cho họ lộ trình để loại bỏ khoản mục này khỏi nguồn vốn kinh doanh.

Trong khi đó, đối với tiền gửi của các tổ chức, ông Giàu tiết lộ, Tết nguyên đán năm ngoái, Kho bạc rút đột ngột 10.000 tỷ đồng, Bảo hiểm Xã hội rút 10.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng Trung ương không can thiệp kịp thời thì hệ thống sẽ có chuyện/

Vì thế, dù hiện này, số dư tiền gửi cả bảo hiểm xã hội khoảng 100.000 tỷ đồng thì cũng đừng vội mừng vì có thể rút đi bất cứ lúc nào. Hơn nữa, với thế mạnh nguồn vốn, các tổ chức này thường mặc cả với các ngân hàng về lãi suất, thậm chí, di chuyển qua lại giữa các ngân hàng để ăn chênh lệch... Đó là điều bất lợi cho thị trường.

Ông Giàu cho biết thêm, tiền gửi thanh toán cũng vậy, giám đốc tài chính doanh nghiệp sử dụng triệt để nhằm lợi dụng tối đa lợi nhuận của dòng tiền. Phần đó có thể đọng lại 5-7% trên tài khoản nhưng tiền gửi không kỳ hạn có thể mất thanh khoản bất cứ lúc nào.

Với thực tế này, việc khẳng định đây là nguồn vốn ổn định như các tổ chức tín dụng nói thì chưa hẳn. Đặc biệt, khi hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện có nhiều điểm yếu thì càng cần những biện pháp để chủ động lường trước hơn là khi xảy ra những sự vụ đổ bể.

Hội nhập: không có bước lùi

Chia sẻ với những khó khăn của các ngân hàng, Ông Giàu cho rằng, sau đây, cơ quan quản lý sẽ có những giải thích và hướng dẫn rõ hơn để các ngân hàng thực hiện. Tuy nhiên, sẽ không có bước lùi của chính sách.

Thực hiện việc này, không nằm ngoài mục đích là đưa hoạt động ngành ngân hàng vươn tới những chuẩn mực cao hơn. Và khi hệ thống hoạt động an toàn thì người có đầu tiên phải là tổ chức tín dụng, kế tiếp là lợi ích cho xã hội vì hệ thống ngân hàng an toàn thì tổn thất cho xã hội sẽ rất ít. Nhờ đó mà hoạt động quản lý cũng thuận lợi hơn.

Thậm chí, người đứng đầu cơ quản lý lĩnh vực này còn cho biết, trong quá trình hội nhập đi từ thấp  tiến dần lên mức cao hơn. Thông tư 13 không phải quy định các tỷ lệ an toàn cao. Dần dần thực hiện từ ngày 1/1/2011 sẽ còn cao nữa. Từng bước xây dựng hệ thống ngân hàng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế.

So sánh những tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước ban hành với một trong những bộ tiêu chí chuẩn của thế giới về an toàn mà Việt Nam đã tham gia là nguyên tắc của Công ước Basel, ông Giàu cho biết, "so với nguyên tắc Basel I và II thì còn lâu lắm các tiêu chí này mới bằng trong khi Thế giới họ đã đi đến Basel III rồi còn mình thì vẫn thế này đây".

"Tuy nhiên cũng không loại trừ các ngân hàng chưa tuẩn thủ việc nâng lên chỉ tiêu an toàn thì họ phải tự xem lại chính bản thân. Còn chúng ta phải nhìn vào thực trạng thị trường Việt Nam, chúng ta 47 ngân hàng nước ngoại hoạt động tại đây, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh. Như vậy, không chỉ có chúng ta chơi với chúng ta, mà thị trường đã có những sức ép buộc chúng ta phải "đá" theo luật chung. Ông Giàu nói.

Chính vì thế, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước đang nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia và các tổ chức quốc tế.

Các chuyên gia vẫn luôn nhắc lại rằng, lộ trình tiếp cận các tiêu chí an toàn quốc tế của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã khởi động từ hàng chục năm nay nhưng luôn bị chậm trễ do bị trì hoãn và những lý do cản trở từ thực tế. Tuy nhiên đã đến lúc không thể lùi lại. Thông tư 13 là hướng đi đúng, việc phản ứng là tất nhiên nhưng với những biến động trong giai đoạn vừa qua, đã đến lúc cần làm mạnh điều này.

Về phía các TCTD, cần thấy rằng, lịch sử để lại cho họ nhiều thói quen kinh doanh không phù hợp. Lộ trình hội nhập đã có những lúc "khoan nhượng: khiến cho những tổ chức này chưa thất được hết sức ép của yêu cầu chuẩn hóa.

Thậm chí, giữa một bên là đòi hỏi an toàn hệ thống dài hạn và một bên và lợi nhuận, giá cổ phiếu tăng lên trong ngắn hạn thì có thể thất, hằng năm, các ngân hàng vẫn vui mừng với với lãi nhuận cao, những vị trí bầu chọn trong nước mà rất ít các ngân hàng nói về việc bớt lãi vì sự an toàn hay trích lập dự phòng rủi ro.

Ngược lại, khi hễ có bất cứ một thông tin bất lợi nào thì họ lập tức ồn ào phản đối. Nhớ lại vụ xếp hạng các ngân hàng đầu năm của một tổ chức tư nhân. Dù việc xếp hạng hoàn toàn dựa trên các số liệu của các ngan hàng công bố nhưng họ vẫn cứ phản đối với lý do làm mất uy tín ngân hàng và an toàn hệ thống. Trong khi lo lắng với các tác động xa xôi đó thì chính các ngân hàng lại run sợ trước các tiêu chí được đưa ra nhằm nâng cao tính an toàn và ổn định hệ thống hơn.

Thậm chí, trong lúc có 14 TCTD phản đối nhưng Ngân hàng Nhà nước lại cũng nhận được báo cáo việc thực hiện sớm thông tư 13 từ nhiều ngân hàng khác.

Vì vậy, có lẽ thay vì kếu ca đã đến lúc ngân hàng phải nhận thức lại để tuân thủ theo những chuẩn mực cao hơn. Đó là một đòi hỏi tự thân và tất yếu. Chính ngay trong hệ thống ngân hàng đã có những người tiên phong thực hiện điều này thì không thể vì một số những ngân hàng khó khăn lại phải trì hoãn. Thay vì khoan nhượng hay thanh lọc để có thể phát triển tốt hơn. Quy luật phát triển và hội nhập luôn có đào thải.

 

Các văn bản liên quan