Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Tư 09:44 17-11-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Chúng tôi xin có mấy ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi đồng ý với nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi là hiện tại thì chúng ta có Luật khiếu nại, tố cáo và bây giờ thì chúng ta chủ trương tách luật thành Luật khiếu nại riêng và Luật tố cáo riêng. Tuy nhiên, trên thực tế thì có khá nhiều những đơn mà chúng ta nhận được thì trong nội dung đơn đó có cả phần khiếu nại và cả phần tố cáo. Vì vậy, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn v.v.. là hai việc giải quyết này nó khác nhau. Do đó trong những trường hợp đó thì việc xử lý những đơn này trong luật này cũng như Luật tố cáo là chúng ta sẽ quy định như thế nào, nếu không trên thực tế sẽ rất khó khăn hoặc chúng ta sẽ bỏ lọt một việc mà người dân thực hiện còn chúng ta không giải quyết. Đấy là ý thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là vấn đề khiếu nại đông người. Chúng tôi nghĩ là Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu rất kỹ và công phu về vấn đề này. Phải có tổng kết. Như chúng tôi nắm được là hiện nay đa phần những khiếu nại đông người thì đúng là có một số trường hợp thuộc về khiếu nại hành chính đúng như trong luật này, tức là người ta khiếu nại đối với quyết định hành chính hoặc là hành vi hành chính của cơ quan hành chính hay là của người có thẩm quyền đã ra quyết định mà họ xét thấy quyết định đó trái pháp luật và làm thiệt hại đến lợi ích của người ta. Nhưng đa phần khiếu nại đông người hiện nay đang diễn ra thì không phải như vậy, mà thực chất họ khiếu nại không đồng tình với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ví dụ vấn đề giá đất hiện nay thì 75% khiếu nại là nằm trong lĩnh vực đất đai. Trong đất đai thì chủ yếu cũng là giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, trong đó là vấn đề giá đất, giá đất thì Chính phủ hàng năm quy định khung giá do đó Hội đồng nhân dân của các tỉnh căn cứ vào khung giá do Chính phủ đề ra quy định thì Ủy ban nhân dân sẽ trình Hội đồng nhân dân về giá đất cụ thể trong từng khu vực một trong địa phương mình. Văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân đó là một văn bản quy phạm pháp luật chứ không phải là một quyết định hành chính, cho nên sau này khi những người có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, ra quyết định đền bù là người ta làm đúng giá đất và nằm trong khung giá của Chính phủ đã quy định cũng như đúng với giá đất mà Hội đồng nhân dân đã quy định. Hiện nay đa số khiếu kiện đông người là khiếu nại đó chứ không phải là khiếu nại đối với quyết định hành chính, chính vì lẽ đó cho nên trong những năm qua chúng ta cứ giải quyết mà không bao giờ giải quyết được bởi vì Luật khiếu nại là quyết định khiếu nại hành chính mà trong khi đó xét thấy người ta ra quyết định đúng cho nên cứ nói rằng dưới không giải quyết và đùn đi đẩy lại nhưng thực ra là người ta quyết định đúng rồi thì không ai có thể giải quyết khác được. Theo tôi đây là vấn đề cần phải giải quyết tách ra khiếu kiện đông người nhưng đúng là khiếu nại hành chính thì cũng phải có cách giải quyết như thế nào như một số đại biểu đã nêu lên.

Còn trường hợp không phải là khiếu nại hành chính thì xử lý vấn đề này như thế nào cũng đã đến lúc cần phải bàn về vấn đề này.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi thấy tiếp công dân, chúng tôi đề nghị trong luật này cần phải làm rõ, chứ mà đưa trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng vào đây thì nó rất là khập khiễng.

Thứ nhất, cán bộ tiếp dân hàng ngày của các cơ quan để tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Thứ hai, ông thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch các Ủy ban nhân dân các cấp là định kỳ tiếp dân mà gắn với việc giải quyết. Thứ ba, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp dân. Tôi đề nghị làm rõ ba vấn đề này.

Do đó ở đây ta viết như thế này thì hóa ra trụ sở tiếp dân ở bộ với cán bộ tiếp dân ở trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng, Nhà nước ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không có gì là khác nhau cả mà dẫn tới trùng lắp. Tôi xin báo cáo hình như chính có lẽ cũng một phần do có trụ sở này, cho nên các người đi khiếu nại nguyên tắc lại liên kết với nhau giữa địa phương này, với địa phương khác mà đôi khi lại trở thành khiếu kiện đông người cũng có.

Vấn đề thứ tư, chúng tôi thấy vấn đề giám sát, viết như trong luật này nó không giải quyết vấn đề gì cả. Thứ hai là có những chỗ không chính xác, ví dụ như đơn của Quốc hội chuyển đến, Quốc hội không bao giờ chuyển đơn khiếu nại mà chỉ có các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên hiện nay có một thực tế đặt ra tức là có những trường hợp mà theo luật qui định như thế này, cho nên có những trường hợp người ta khiếu nại, người ta gửi cho tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội, tất cả các đại biểu Quốc hội và như vậy sẽ dẫn tới theo quy định này thì tất cả các đại biểu Quốc hội, tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội khi nhận được đơn khiếu nại của một người về một việc thì đều chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, như vậy đó là một điều hết sức bất lợi. Tôi xin báo cáo ngay tại kỳ họp này cũng đã có một số đơn như vậy, tức là gửi đến hầu hết các vị đại biểu Quốc hội, hiện nay cũng như các kỳ họp trước là không biết xử lý như thế nào, và lại chuyển cho tất cả đại biểu, từng đại biểu lại chuyển đến cơ quan có thẳm quyền, một cơ quan có thể nhận được vài ba trăm đơn chuyển của từng đại biểu Quốc hội. Do đó, tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề cần phải nghiên cứu và phải bàn và xử lý việc này như thế nào không thì trên thực tế rất bất cập và phiền hà.

Vấn đề giám sát cũng thế. Nếu viết như thế này thì chúng ta đã có Luật hoạt động giám sát của Quốc hội rồi, viết như thế này cũng không giải quyết vấn đề gì cả. Hoặc là mình chỉ dẫn, hoặc là như thế nào chứ tôi nghĩ viết như chương về giám sát ở đây thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan