Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cầm Chí Kiên – Sơn La

Thứ Tư 09:36 17-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Đầu tiên tôi nhất trí với việc xây dựng Luật khiếu nại để khắc phục tồn tại của Luật khiếu nại, tố cáo đã ban hành năm 1998 và sửa đổi, bổ sung vào năm 2004-2005 thành 2 luật là Luật khiếu nại và Luật tố cáo để phù hợp với tình hình thực tế, để giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người công dân và góp phần đảm bảo trật tự an ninh và an toàn xã hội. Nhân đây qua gợi ý của Đoàn Chủ tịch và như nhiều đại biểu phát biểu, tôi xin có một số ý kiến đi vào cụ thể như sau:

Thứ nhất, xung quanh phạm vi điều chỉnh của luật, tôi nhất trí với hai đồng chí đã phát biểu trước tôi là xem xét để bổ sung xung quanh khiếu nại của các vấn đề xã hội nhất là xung quanh các đơn vị sự nghiệp công. Chúng ta biết đơn vị sự nghiệp công của chúng ta riêng đối với viên chức là hơn 1,6 triệu cho nên những vấn đề quyết định hành chính như vấn đề cho học sinh vào học hay quyết định về viên chức trong bệnh viện cũng vậy thôi, quyết định xử lý hành chính, những cái đó cũng cần phải được xem xét, nghiên cứu để đưa vào bổ sung trong luật, cũng như trong quy định pháp luật, trong quy định của Hiến pháp cũng nêu vấn đề này.

Ở Điều 4 cũng đã có ghi ở Khoản 2 là các đơn vị sự nghiệp công được áp dụng theo quy định của luật này, ở Khoản 3 cũng quy định là các cơ quan Nhà nước khác, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thì thực hiện khiếu nại của cơ quan, đơn vị mình. Theo tôi nghĩ ghi như vậy cũng được, nhưng nó chưa được chặt chẽ lắm và quá trình tổ chức triển khai sẽ gặp khó khăn. Cho nên, nếu được thì cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét và đưa vào điều chỉnh trong dự luật này. Trên cơ sở ghi như vậy thì trong quá trình tổ chức triển khai, tức là việc giải quyết theo thẩm quyền thì cũng xin đề nghị nghiên cứu đưa vào trong việc giải quyết theo thẩm quyền. Ở đây có thể đưa vào nghiên cứu xem xét ghép chung vào thẩm quyền có thể là đơn vị của Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Ủy ban, các đơn vị tổ chức sự nghiệp thì cũng không ghi có thể là ghép chung, có thể quy định riêng. Nhưng nếu được, theo tôi nghĩ nên nghiên cứu đưa vào thành điều riêng trong quá trình tổ chức triển khai. Bởi vì tuy rằng tổ chức triển khai ở các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức xã hội tuy cũng không phải nhiều lắm, nhưng trong thực tế thì nó cũng xảy ra.

Vấn đề thứ hai, xung quanh vấn đề tiếp công dân của Điều 58, ở đây tôi thấy việc này quy định đối với Trung ương là rất rõ, nhưng còn đối với địa phương ở cấp tỉnh, cấp huyện cần được nghiên cứu và đưa vào trong Luật này. Trong thực tế, ở cấp tỉnh cũng nhận được rất nhiều đơn, có thể liên quan đến vấn đề khiếu nại xung quanh việc giải quyết của cấp Ủy, việc giải quyết của Nhà nước, việc giải quyết của các tổ chức chính trị, cho nên cần được nghiên cứu và đưa vào Luật để đảm bảo thực thi hiệu quả cao hơn. Trên thực tế, trong việc khiếu nại này, các khiếu nại ở cơ sở liên quan đến nhau rất nhiều, ví dụ cùng một người đến khiếu nại có những vấn đề liên quan đến cả cấp Ủy như kỷ luật đối với Đảng viên, gắn với đó là thực thi các biện pháp về hành chính đối với công chức hoặc viên chức, liên quan đến đó cả vấn đề phải truy thu, bồi hoàn, thực tế đã diễn ra nhiều. Giờ ai sẽ chủ trì phối hợp giải quyết? Để tránh tình trạng có thể bên Đảng xử lý nặng hơn, bên Nhà nước nhẹ tay hơn, cơ quan chủ trì phối hợp để giải quyết, vì trên thực tế thông thường là phải chủ trì phối hợp với nhau, giải quyết đơn lẻ gây ra những thắc mắc, cho nên việc này đề nghị nên đưa vào luật là ai sẽ chủ trì phối hợp về vấn đề này.

Sau tiếp công dân vấn đề hậu tiếp công dân cũng là vấn đề đặt ra, đó là những trường hợp đã giải quyết đến lần thứ hai rồi, nhưng công dân vẫn khiếu nại. Báo cáo các vị đại biểu có nhiều trường hợp chúng tôi đề nghị đưa ra tòa nhưng tòa lại bảo là không, do đó vấn đề đó cũng cần phải được xem xét. Trong quá trình giải quyết, khi đã tiếp công dân và đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền rồi, nhưng cấp dưới vòng vo thì chế tài xử lý ra sao. Báo cáo các đồng chí trong luật của chúng ta cũng không thể quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cắt chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện được hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cắt chức một giám đốc được. Cho nên những trường hợp cứ vòng vo mãi như thế này đề nghị cũng phải nghiên cứu tiếp nên chế tài như thế nào trong những trường hợp đó.

Một vấn đề nữa, việc này không thuộc phạm vi luật này, chúng ta tách từ Luật khiếu nại, tố cáo ra. Trên thực tế, báo cáo có rất nhiều trường hợp công dân là công chức, viên chức đến khiếu nại thì liên quan đến vấn đề tố cáo luôn, trường hợp này nên như thế nào. Bởi vì về mặt tố cáo thì yêu cầu và đảm bảo bí mật khắt khe hơn nhưng về trình tự, thủ tục ra sao. Ở đây chúng ta chưa bàn đến vấn đề này nhưng khi chúng ta tách ra thì cũng phải tính đến những trường hợp đó sẽ xảy ra trên thực tế và việc giải quyết nó ra sao, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để trong thực tế chúng ta giải quyết có hiệu quả kịp thời hơn. Xin cảm ơn Quốc hội, xin hết.

Các văn bản liên quan