Ý kiến của Ông Vũ Quốc Tuấn – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam “Quyền và nghĩa vụ của Doanh nhân trong Hiến pháp”

Thứ Ba 14:21 19-03-2013

Quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiến pháp

Vũ Quốc Tuấn

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam

Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1993-2006)

Việc nghiên cứu, góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 là cơ hội rất tốt để xây dựng một bản Hiến pháp xứng tầm của dân tộc ta với truyền thống vẻ vang hàng nghìn năm văn hiến, một đất nước có vị trí quan trọng trong vùng Đông nam Á và trên thế giới. Hiến pháp 1992 phải được sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, vừa xuất phát từ đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa về hiến pháp của thế giới. Theo yêu cầu của Ban Tổ chức Hội thảo, xin phát biểu một số kiến nghị về quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiến pháp như sau.

Doanh nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân

Ở nước ta, khái niệm “doanh nhân” với nghĩa là một tầng lớp xã hội chỉ được khẳng định từ công cuộc đổi mới, chấp nhận nền kinh tế thị trường với việc phát triển kinh tế tư nhân. Qua nhiều thăng trầm, doanh nhân nước ta từ thân phận một tội đồ bị cải tạo để đi đến xóa bỏ, tiếp theo chuyển sang vị trí thứ dân, coi như đã được xếp hạng nhưng là hạng sau – phi xã hội chủ nghĩa, bị kỳ thị, coi khinh, lép vế, cho đến nay, được công nhận, coi là chính dân của xã hội. Năm 1990, việc ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, tiếp theo đó là Luật Doanh nghiệp 1999 đã đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc hình thành và phát triển doanh nhân, song phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân vẫn còn bị hạn chế.

Một bước chuyển biến cơ bản trong tư duy kinh tế đối với kinh tế tư nhân đã được khẳng định từ Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 98) và tiếp theo là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa IX “ Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa“ (Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr. 58). Sự chuyển biến trong nhận thức về vị trí của kinh tế tư nhân đòi hỏi thực hiện quyền bình đẳng trong kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Sự cần thiết này dẫn đến việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2005 nhằm bảo đảm khung pháp lý bình đẳng cho hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định các doanh nghiệp nhà nước cũng phải chuyển đổi thành các công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần sau thời hạn bốn năm kế từ khi Luật này có hiệu lực (ngày 1-7-2006). Tuy nhiên, đến nay, quy định này vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Những năm trước, trong các văn kiện Đại hội Đảng, vẫn chưa có danh từ “doanh nhân”. Cho đến Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4-2001) mới bắt đầu dùng khái niệm “nhà doanh nghiệp”, đến Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4-2006) mới dùng khái niệm “doanh nhân”, đến nay khái niệm này đã được sử dụng phổ biến và từ năm 2004, ngày 23 tháng 10 hằng năm đã được Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định lấy làm “Ngày Doanh nhân”. Có thể coi đây là một bước tiến quan trọng về tư duy: từ chỗ muốn xây dựng một cơ cấu xã hội “thuần nhất” chỉ còn có giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể và đội ngũ trí thức đã đi đến quan niệm về việc xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, trong đó có tầng lớp doanh nhân. Từ thực tế, ngày 9-12-2011, Bộ Chính trị đã ra Nghi quyết số 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Trước yêu cầu của thời kỳ mới của công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hiến pháp cần có những quy định thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân nhằm xây dựng tầng lớp doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ để điều hành, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao.   

Một số kiến nghị cụ thể

Dưới đây, xin nêu một số kiến nghị cụ thể trên cơ sở bản Dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) – dưới đây gọi tắt là “Dự thảo”.

Về vị trí của doanh nhân trong xã hội

Thực tiễn của những năm đổi mới vừa qua đã cho thấy động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc; hơn nữa, doanh nhân đã trở thành một tầng lớp xã hội ngày càng có vị trí quan trọng. Đại hội lần thứ IX của Đảng  (tháng 4-2001) đã khẳng định rõ nội dung “đấu tranh giai cấp” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khẳng định “Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân”. Đây là một chuyển biến rất cơ bản trong tư duy chính trị về động lực phát triển đất nước. Thực tế là trong những năm qua, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, hăng hái đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và bảo đảm an sinh xã hội. Vì vậy, trong Điều 2 Dự thảo, không nên quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” mà chỉ cần quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân là đủ, thể hiện rõ hơn tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, tránh phân biệt đối xử.

Về sở hữu và tự do kinh doanh

 Về nguyên tắc, kinh tế thị trường đòi hỏi tôn trọng ba quyền tư do của dân: tự do sở hữu, tự do kinh doanh và tự do cạnh tranh; Nhà nước phải cam kết tôn trọng ba quyền tự do ấy. Điều 34 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. 2. Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” và Điều 56 Dự thảo quy định “1. Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Nhà nước thực hiện chính sách chống độc quyền và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. 3. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa …”. Điều 55 Dự thảo quy định “1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường …” là một điểm mới rất quan trọng về chức năng của Nhà nước trong kinh tế thị trường, khác với Điều 26 Hiến pháp 1992, khẳng định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong kinh doanh.

Xin kiến nghị: (i) Sau khoản 2 “Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh” cần bổ sung “Nhà nước tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trong sản xuất kinh doanh”; (ii) có những điều khoản để bảo đảm thực hiện các quy định này trong thực tế, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng các quy định này.  

Về sở hữu

Điều 56 quy định “Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. Điều này là cần thiết, song cần chỉ đạo chặt chẽ, tránh lợi dụng.

Đối với đất đai, Khoản 2 Điều 58 Dự thảo quy định “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ” và Khoản 3 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Đề nghị nên phân biệt: trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì có thể trưng mua, trưng dụng (không nên dùng từ “thu hồi”); còn các dự án vì phát triển kinh tế - xã hội thì cần đấu thầu theo nguyên tắc thị trường. Trong mọi trường hợp, cần chú trọng bảo đảm quyền lợi chính đáng của người đang có quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng bất công dẫn đến khiếu kiện kéo dài gây bất ổn xã hội lâu nay và tạo kẽ hở cho tham nhũng.

Về bình đẳng trong kinh doanh

Điều 54 Dự thảo quy định “1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. 2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Quy định này không nhắc lại luận điểm lâu nay là “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” có thể coi là một bước đột phá quan trọng, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Thực tế đã cho thấy những quan niệm về “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là những “công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô”, là “quả đấm thép” v.v… đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy tiềm năng của kinh tế tư nhân, hạn chế sự cạnh tranh bình đẳng trong kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp. Xin đề nghị: nên tiến thêm một bước, khẳng định kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể và tư bản tư nhân) là bộ phận chủ lực của nền kinh tế, với vai trò không thể thiếu đã được thể hiện qua thực tế cuộc sống trong việc bảo đảm phát triển bền vững, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo,giải quyết các vấn đề xã hội .

Quyền tham gia quản lý nhà nước.

Quyền này cần được thể hiện cả trong các lĩnh vực chính trị và kinh tê.

Về chính trị, trước hết là quyền phúc quyết Hiến pháp. Hiến pháp là văn bản quy định các vấn đề quan trọng nhất trong đời sống của một quốc gia. Nhưng ai là người làm ra Hiến pháp? Nếu như đã quan niệm Hiến pháp như là một bản “khế ước xã hội”, bản “hợp đồng” giữa dân với Nhà nước, thì Hiến pháp phải do dân chủ động xây dựng, với tư cách là chủ nhân đất nước, theo quan niệm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, “dân là người chủ đích thực của đất nước”.

Như vậy, dân là người thông qua, quyết định Hiến pháp, cũng tức là dân có quyền phúc quyết đối với Hiến pháp, rồi giao (ủy quyền) cho Nhà nước tổ chức thực hiện các quy định trong Hiến pháp, chứ không phải là Quốc hội thông qua Hiến pháp rồi dân là người thực hiện.  Do đó, cần sửa lại Điều 74 Dự thảo “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp” theo nguyên lý Hiến pháp là do dân làm ra và quyết định; dân là chủ thể của quyền lập hiến, việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp là đương nhiên phải được thực hiện, không nên để Quốc hội quyết định.

Tiếp theo là quyền tham gia quyết định các chủ trương, chính sách phát triển. Điều 29 Dự thảo quy định “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của địa phương và cả nước. 2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” . Các điều này rất quan trọng, nhằm thu hút được trí tuệ của doanh nhân vào việc hình thành hệ thống thể chế, chính sách. Xin đề nghị thêm: cơ quan nhà nước thực hiện tranh luận công khai, bình đẳng và thực hiện trách nhiệm giải trình đầy đủ khi còn những ý kiến khác nhau, tránh áp đặt những quy định không sát thực tế, không khả thi hoặc chỉ thuận tiện cho cơ quan quản lý, gây khó cho doanh nghiệp.  

Về các hình thức tham gia, Điều 6 Dự thảo quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Đề nghị nhấn mạnh quyền dân chủ trực tiếp, vì lâu nay, dân chủ trực tiếp (như trực tiếp thảo luận, đối thoại; biểu quyết; phúc quyết Hiến pháp và tham gia ý kiến vào các cơ chế, chính sách, các vấn đề trọng đại của đất nước; và nhất là bầu cử một số chức danh cán bộ quản lý nhà nước…) chưa được thực hiện có hiệu quả thiết thực.

Về kinh tế, hoan nghênh Điều 31 Dự thảo quy định “1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Đề nghị bổ sung: Tòa án độc lập trong xét xử, chỉ theo Hiến pháp và luật, để bảo đảm công lý, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh của doanh nhân.

Doanh nhân cần được bảo vệ bằng các tổ chức xã hội dân sự. Để khắc phục sự lạm quyền có thể xảy ra của các cơ quan nhà nước, bên cạnh các quy định về kiểm soát, hạn chế quyền lực đã ghi trong Hiến pháp, cần có thêm quy định Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động nhằm nâng cao trình độ, năng lực, trợ giúp doanh nhân trong quản lý, điều hành và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp.

Lâu nay, do vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức xã hội dân sự chưa được nhận thức đầy đủ, thậm chí có nhận định sai lệch, cho nên việc phát huy vai trò của các tổ chức này còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thực tế nước ta cho thấy các tổ chức xã hội dân sự (thường được gọi là các tổ chức xã hội) là những tổ chức tự nguyện do cộng đồng dân cư hoặc cộng đồng doanh nhân lập ra đang hoạt động rất có hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nhân … Như vậy, rất cần thiết khẳng định vị trí, vai trò của các tổ chức này. Điều 09 và 10 Dự thảo đã quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Công đoàn Việt Nam, đề nghị có thêm quy định về các tổ chức xã hội, vì hiện nay, đang có hàng trăm tổ chức xã hội (dưới các tên gọi như trung tâm, câu lạc bộ , nhóm tự nguyện …) đang hoạt động có hiệu quả trong các lĩnh vực xã hội từ thiện rất cần được khuyến khích phát triển. Riêng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã được xác định là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cầng cần có vị trí xứng đáng.

Điều 119 Dự thảo quy định “Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương được mời tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề liên quan” và “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thực hiện chế độ thông bào tình hình mọi mặt của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội …”. Đề nghị thêm thành phần đại diện một số tổ chức (trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, một số Hội Doanh nghiệp, Hội ngành nghề) tại các cuộc họp nói trên.

Trên đây là một số kiến nghị chính liên quan đến những quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nhân trong Hiến pháp. Đương nhiên, có những kiến nghị có thể sửa ngay trong Dự thảo, lại có những kiến nghị để các cơ quan nhà nước xem xét, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để thi hành Hiến pháp.

Các văn bản liên quan