Ý kiến của Ông Lê Duy Bình – Công ty Economica Việt Nam

Thứ Ba 14:20 19-03-2013

DOANH NHÂN THOÁNG BUỒN

Lê Duy Bình

Economica Vietnam

Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Vai trò của đội ngũ doanh nhân không được thể hiện. Xuyên suốt trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp này, cụm từ doanh nhân cũng không được đề cập. Điều này gây không ít băn khoăn cho một cộng đồng không nhỏ những người đang ngày đêm cần mẫn làm công việc kinh doanh, với mục tiêu là tạo ra của cải cho bản thân, xã hội và vì sự thịnh vượng của quốc gia. Bài tham luận ngắn này xin được đề cập tới một cộng đồng quan trọng này của xã hội và của nền kinh tế và về mong mỏi của họ được xác lập một vị trí tương xứng trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Doanh nhân là những ai?

Chúng ta thường nói tới doanh nhân, về vai trò của doanh nhân. Nhưng chúng ta cũng chưa có một định nghĩa và một cách hiểu thống nhất về doanh nhân. Đã có nhiều tranh luận cũng như các định nghĩa khác nhau về doanh nhân nhưng chưa có một định nghĩa chính thống được áp dụng chung. Khi nhắc tới doanh nhân, nhiều người thường liên tưởng ngay đến những chủ doanh nghiệp, với khối tài sản lớn, với hàng chục, hàng trăm lao động, với cơ ngơi nhà máy, đất đai, những quan hệ có ảnh hưởng. Với cách hiểu này, doanh nhân được nhìn nhận như một tầng lớp xã hội trong khu vực tư nhân với mức độ sở hữu cao. Tuy sự nhìn nhận của xã hội về doanh nhân đã có sự chuyển biến tích cực hơn trước rất nhiều, nhưng còn không ít người nhìn nhận doanh nhân gắn với những hình ảnh không mấy thân thiện. Nói đến doanh nhân, người ta thường gắn với các hình ảnh về bóc lột lao động, tiêu pha lãng phí, trốn thuế, buôn gian bán lận...

Nhưng liệu cách nhìn như vậy có đầy đủ và chính xác? Liệu những người đang làm chủ những quan hệ kinh tế, hoặc đại diện cho Nhà nước trong các quan hệ kinh tế (sở hữu, điều hành, quản lý và phân phối) tại các doanh nghiệp nhà nước có được coi là doanh nhân ? Những người mới lập nghiệp với một lượng vốn ít ỏi, một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ bé hoặc các chủ hộ kinh doanh cá thể trong các lĩnh vực như tạp hóa, quán cà phê, sửa chữa, tiệm may, chủ các doanh nghiệp cực nhỏ… có được coi là doanh nhân? Hình ảnh về các doanh nhân hiện nay dường như đã bỏ qua hàng triệu người là chủ các hộ kinh doanh cá thể, những doanh nhân thực sự trong khu vực DNNN trong khái niệm về doanh nhân.

Bài tham luận này không nhằm mục đích thảo luận về các định nghĩa về doanh nhân, và chỉ đề cập tới một số khái niệm, định nghĩa có tính bổ biến hơn nhằm cơ sở cho các đóng góp về vai trò của doanh nhân trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Tuy chưa có một định nghĩa chính thức, nhưng VCCI, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp với tôn chỉ hoạt động của mình  là "liên kết doanh nhân Việt" đã thể hiện rõ về quan điểm của mình về các đối tượng là doanh nhân  khi báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) và gặp gỡ đại diện cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam và ngày 17 tháng 12 năm 2011. Theo quan điểm của VCCI tại cuộc làm việc này, doanh nhân gồm cả những người nhà đầu tư, là nhà quản lý và là những người chèo lái còn thuyền doanh nghiệp tại hơn 600.000 DN, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, hơn một trăm ngàn hợp tác xã và trang trại[1].

Ông Vũ Quốc Tuấn, một chuyên gia kinh tế chuyên nghiên cứu về vấn đề doanh nghiệp, doanh nhân cũng đưa ra một quan điểm của mình về khái niệm doanh nhân.  "Nói một cách chặt chẽ, doanh nhân là những người chủ doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh doanh nghiệp của mình, những người được cử hoặc được thuê để quản lý doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ kinh doanh; trách nhiệm và lợi ích của họ gắn liền với kết quả kinh doanh của  doanh nghiệp, mà yêu cầu đầu tiên của họ là phải có đủ điều kiện để sáng tạo, không ngừng phát triển doanh nghiệp"[2].

Cách định nghĩa như trên cho chúng ta thấy một cách nhìn đầy đủ hơn về doanh nhân. Định nghĩa này đã bao gồm một nhóm đối tượng gồm hàng triệu người hiện đang theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh ở nước ta là những người kinh doanh cá thể (doanh nhân cá nhân), những hộ kinh doanh không lập doanh nghiệp, những doanh nghiệp rất nhỏ trong khu vực không chính thức, những người mới khởi nghiệp và có tinh thần kinh doanh cao, sẵn sàng dấn thân, bỏ vốn, bỏ công sức với mục tiêu làm giàu cho chính mình, làm giàu cho đất nước và phụng sự xã hội.

Doanh nhân ở nước ta đông đảo đến mức nào?

Mỗi năm ở nước ta có gần 80.000 doanh nghiệp ra đời. Hiện nay, cả nước đã có trên 600.000 DN và 1 triệu hộ kinh doanh cá thể, 133 ngàn hợp tác xã và trang trại. Nếu chỉ tính mỗi DN có từ 2-3 doanh nhân và mỗi hộ kinh doanh cá thể và trang trại có một doanh nhân thì cả nước đã có trên 2 triệu doanh nhân đang ngày đêm miệt mài lao động nhằm tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo ra của cải bản thân, cho xã hội và quốc gia qua phụng sự xã hội[3].

Đội ngũ doanh nhân này  doanh nhân này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tăng quy mô GDP của Việt Nam gần sáu lần sau hơn 20 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của các doanh nhân, khu vực DN đang đóng góp trên 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút trên 7,4 triệu lao động, chiếm 16,3% lực lượng lao động của toàn xã hội. “Doanh nhân trên thực tế đã trở thành một lực lượng xã hội quan trọng” [4].

Họ đã cùng với nông dân đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều, tiêu hàng đầu trên thế giới. Cùng với giai cấp công nhân, họ đang góp phần quan trọng để xây dựng ngành công nghiệp Việt Nam  với mục tiêu cơ bản đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp vào năm 2020. Cùng với đội ngũ trí thức và các nhà khoa học, họ đang góp phần xây dựng một nền kinh tế tri thức, một xã hội văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Cộng đồng doanh nhân này cũng đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người, đóng góp quan trọng cho quá trình xóa đói giảm nghèo, cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội. Sau hơn hai thập kỷ kể từ khi Đổi mới, vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế trong khu vực đã được nâng lên một bậc. Của cái và sự thịnh vượng của quốc gia được cải thiện, hàng hóa và dịch vụ trở nên nhiều. Những thành tựu này không thể có được nếu như không có vai trò của đội ngũ doanh nhân đông đảo trên mọi vùng miền của đất nước.  

Với những vai trò như vậy, doanh nhân hẳn đang đóng vai trò vai trò là những chiến sỹ tiên phong trong mặt trận kinh tế, là lực lượng quan trọng  để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Doanh nhân trong Hiến pháp Sửa đổi

Tuy với vai trò quan trọng như vậy đối với sự phát triển của đất nước, sự thịnh vượng và sự tiến bộ xã hội của nước ta, nhưng doanh nhân gần như không được đề cập trong bản Hiến pháp 1992 cũng như bản dự thảo sửa đổi bản Hiến pháp. Bản Dự thảo tiếp tục khẳng định về quyền tự do kinh doanh của người dân, khẳng định về mô hình nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Cộng đồng doanh nhân rất vui mừng và phấn khởi với những khẳng định này. Đặc biệt, bản Dự thảo hiến pháp đã không đề cập tới vai trò chủ đạo của DNNN. Mọi doanh nhân trong các thành phần kinh tế đều được coi là bình đẳng.

Nhưng cộng đồng doanh nhân không khỏi chạnh lòng khi không thấy tên mình trong nền tàng của quyền lực nhà nước và của nhân dân. Điều 2 của  Dự thảo Hiến pháp  như hiện nay  “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” đã tạo cảm giác cộng đồng doanh nhân vẫn còn bị phân biệt đối xử, và vai trò cũng như đóng góp của họ chưa được đánh giá một cách tương xứng. Một đại diện cho lực lượng sản xuất mới, như cách nhìn của Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, dường như chưa được đối xử một cách bình đẳng qua cách thể hiện tại tại Điều 2 của bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

Giới doanh nhân mong muốn các nhà xây dựng Hiến pháp sự đánh giá đầy đủ hơn về các  nỗ lực của họ vì sự giàu có của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội và cân nhắc cách thể hiện nội dung này nhằm loại bỏ sự thể hiện còn mang tính phân biệt đối xử, ngay trong bộ luật gốc này. Sự đối xử công bằng, ngay trong bộ bộ luật quan trọng bậc nhất này của nước ta sẽ là nguồn động viên lớn cho cộng đồng hàng triệu doanh nhân đất Việt, là cơ sở cho việc phát huy hơn nữa tinh thần kinh doanh và là nền tảng cho việc tiếp tục loại bỏ những phân biệt đối xử trong các luật và văn bản pháp luật khác đang và sẽ được xây dựng trong tương lai.



[1] http://www.vcci.com.vn/tin-vcci/20111219055627171/nghi-quyet-ve-doanh-nhan-va-vai-tro-cua-vcci.htm

[2] "Doanh nhân - một góc nhìn", Vũ Quốc Tuấn, Báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, số ra ngày 13/10/2007.

[3]  Con số này chưa tính đến số lượng các doanh nhân đang làm việc tại các DNNN và hơn 10,000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên khắp các vùng miền của đất nước.

[4] “Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nhân Việt Nam Đại diện cho Sức Sản xuất mới”, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, số ra ngày 08/10/2010.

Các văn bản liên quan