Góp ý của ĐBQH Ngô Đức Mạnh – Bình Thuận đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:30 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Chúng tôi quan niệm rằng, như các đại biểu khác đã phát biểu, Hiến pháp là đạo luật gốc của Nhà nước, là văn bản chính trị, pháp lý có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước, cho nên chúng tôi ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia thảo luận và đóng góp vào bản dự thảo Hiến pháp lần này.

Trước hết chúng tôi cảm nhận được sự chuẩn bị công phu, quy trình làm việc chặt chẽ, khoa học và việc tham gia đóng góp ý kiến của nhiều bộ, ban, ngành, các đồng chí lãnh đạo trong việc xây dựng và đề xuất bản dự thảo Hiến pháp lần này giao cho Quốc hội.

Về tổng thể, chúng tôi đánh giá cao việc dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này vừa thể hiện được phương hướng phát triển, tầm nhìn của đất nước của chúng ta trong thời gian tới. Tầm nhìn cho 20, 30 năm và lâu hơn nữa về sự phát triển của đất nước Việt Nam, vừa phản ánh được thực tiễn và nhu cầu của đất nước ta hiện nay, đồng thời xử lý được những mối quan hệ lớn, quan hệ giữa ổn định, phát triển và đổi mới, xử lý hài hòa vấn đề đổi mới chính trị, kết hợp đổi mới kinh tế, giữa vấn đề phát triển kinh tế thị trường với bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa cho toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Có thể khẳng định rằng, xin được phát biểu tổng quát, với nội dung bản dự thảo trình ra hôm nay, chúng tôi cảm nhận được toàn bộ nội dung này thể hiện ở 4 chữ "kế thừa, phát triển".

Kế thừa ở đây là chúng ta kế thừa những quan điểm cơ bản, xuyên suốt và được kết tinh trong 4 bản Hiến pháp của chúng ta từ trước đến nay trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước liên tục hơn 67 năm vừa qua, đó là nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể quyền lực Nhà nước, đó là nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất và có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước, dó là nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đồng thời chúng ta đề cao quyền cơ bản của công dân và quyền tự do cơ bản của con người.

Về những điểm mới trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này thì chúng tôi đánh giá rất cao vì ở đây có nhiều điểm đổi mới đáng ghi nhận.

Trước hết, đấy là chúng ta đề cao giá trị của quyền con người, giá trị có tính phổ quát, giá trị có tính phổ biến của nhân loại mà chúng ta trân trọng, ghi nhận ở Chương II của Hiến pháp ngay sau Chương I Chế độ chính trị.

Chúng ta minh định rõ hơn vấn đề tổ chức và phân công quyền lực giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Điều 100 của bản Hiến pháp mới sửa đổi lần này chúng ta đề cao vai trò của Chính phủ. Trước hết Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp, trong các bản Hiến pháp vừa qua thì vai trò của Chính phủ được ghi nhận trong bản Hiến pháp 1992 hiện nay thì vai trò của Chính phủ được ghi nhận đầu tiên là cơ quan chấp hành Quốc hội. Chúng tôi nghĩ rằng với việc đề cao vai trò của Chính phủ trước hết là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất chính là chúng ta đề cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý, điều hành các mặt của đời sống chính trị, xã hội, cũng như quản lý nhà nước về pháp luật.

Chúng ta có những bước đổi mới và minh định rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch nước với vị trí là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội và đối ngoại. Tôi nghĩ ở đây có sự phân định rõ hơn về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Chính phủ. Chủ tịch nước có thể bãi bỏ những quyết định của Thủ tướng, của Chính phủ. Trong mối quan hệ với cơ quan tư pháp thì Chủ tịch nước cũng có thể bổ nhiệm, đồng thời bãi nhiệm, miễn nhiệm các thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Chúng ta làm rõ hơn vị trí, vai trò của Chủ tịch nước với tư cách là tổng chỉ huy quân đội với những điều khoản quy định cụ thể.

Một điều chúng tôi rất tâm đắc trong bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta khẳng định chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta độc lập tự chủ và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, ở Điều 70 của Hiến pháp sửa đổi lần này chúng ta có quy định mà trên thực tế phải tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang của chúng ta không những bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền của đất nước mà còn có thể tham gia vào việc giữ gìn hòa bình ở khu vực và thế giới, thực hiện trách nhiệm là thành viên tích cực và chủ động của Việt Nam.

Về các vấn đề tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến cụ thể. Tôi cảm nhận một cách tổng quát toàn bộ bản Hiến pháp này có nhiều điều, khoản sửa đổi. Như các vị đại biểu khác đã phát biểu chưa được cô đọng, chưa được xúc tích, còn có nhiều chỗ cần được rà soát một cách cẩn trọng để giữ lại những gì quy định của Hiến pháp hiện hành của chúng ta đã có những bước phát triển tiến bộ.

Tôi lấy một ví dụ ở Điều 64 của Hiến pháp hiện hành có quy định rất đáng phải giữ lại, đó là "Gia đình là tế bào của xã hội". Quy định này không những thể hiện tình cảm, trách nhiệm của gia đình của chúng ta, đó là giá trị đạo đức của người Việt Nam. Rất tiếc trong bản Hiến pháp sửa đổi điều, khoản này không được giữ lại.

Tương tự như vậy ở lời nói đầu, toàn bộ lời nói đầu chủ thể là: "Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thì không được quy định và đã bỏ sót ở trong lời nói đầu. Ví dụ như ở Khoản 2 của lời nói đầu khi chúng ta nói bản Hiến pháp năm 1946 là được ra đời và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tôi nghĩ rằng sẽ rất là lẽ tự nhiên và đúng quy luật đấy là điều thực tế hiển nhiên là từ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì nay là Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một điểm nữa trong lời nói đầu tôi cũng rất tiếc là những quy định của Hiến pháp hiện hành không được sửa lại, ví dụ như tinh thần thượng tôn pháp luật và thái độ nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp thì ở khoản cuối cùng của Hiến pháp của chúng ta ghi một câu là: thực hiện Hiến pháp. Tôi nghĩ rằng với quy định này thì nó không toát lên được tinh thần và thái độ trách nhiệm của chúng ta đối với bản Hiến pháp là đạo luật gốc của đất nước.

Một điểm nữa là tôi cũng tha thiết đề nghị Quốc hội nghiên cứu một cách cẩn trọng hơn là chúng ta có nhất thiết phải gộp chương kinh tế ở Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và môi trường. Ở đây vấn đề không chỉ là số lượng của quá nhiều điều trong một chương này mà trên thực tế về phần kinh tế chiếm đến 9 trong 16 điều. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng hơn cả là chế độ kinh tế, là thiết chế hết sức là quan trọng.

Báo cáo với Quốc hội, chúng ta đã có 4 bản Hiến pháp thì 3 trong số 4 bản Hiến pháp ấy thì chúng ta đều có chương về chế độ kinh tế và chương kinh tế để ngay sau chương về chế độ chính trị. Tôi thấy rằng chúng ta cần phải phấn đấu rất nhiều nữa mới có thể hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan