Góp ý của ĐBQH Hà Hùng Cường – Quảng Bình đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 14:24 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Với trách nhiệm của mình, đặc biệt là trách nhiệm của thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi đã có nhiều dịp tham gia góp ý vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Về cơ bản tôi nhất trí với nội dung của dự thảo, tờ trình Quốc hội vì đã bám sát và thể hiện đúng các quan điểm, định hướng, nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp do các nghị quyết của Đảng và Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Hiến pháp sửa đổi, tôi xin tập trung phát biểu vào một vấn đề trọng tâm của Hiến pháp mà từ hôm qua đến hôm nay nhiều đại biểu đã đề cập. Đó là nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và sự cần thiết hiến định việc trưng cầu ý dân của Hiến pháp cũng như cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách để bảo đảm chúng ta có được một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân thiêng liêng và bất khả xâm phạm.

Kính thưa Quốc hội.

Lịch sử lập Hiến của nước ta cũng chính là lịch sử của hơn 80 năm Đảng ta kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng một nền Hiến pháp theo ý tưởng dân quyền và pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp của tinh thần độc lập dân tộc và tự do dân chủ đã khẳng định niềm khát vọng của nhân dân và cũng là mục tiêu của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Đó là tất cả quyền bính ở trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, trong đó có quyền lực Nhà nước. Bởi vậy, nhân dân phải là người quyết định những vấn đề trọng đại nhất của đất nước. Hiến pháp là đạo luật gốc quy định những vấn đề cơ bản nhất về chủ quyền quốc gia, về quyền lực của nhân dân, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, nguyên tắc và cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước.

Việc làm ra Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp theo tôi là việc hệ trọng nhất trong các vấn đề hệ trọng của đất nước, do vậy Hiến pháp phải do nhân dân làm ra và quyết định. Nói cách khác nhân dân phải là chủ thể của quyền lập hiến. Từ cách tiếp cận đó, Hiến pháp 1946 đã khẳng định nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề quan hệ đến vận mệnh quốc gia, Điều 21.

Kế thừa những giá trị căn bản nhất của Hiến pháp 1946, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc nền tảng, bất biến trong tất cả các bản Hiến pháp sau này của nước ta.

Cùng với đường lối đổi mới, dân chủ hóa đời sống xã hội, Hiến pháp 1992 đã tái xác lập quyền của công dân biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay quyền dân chủ trực tiếp quan trọng này của công dân chưa được cụ thể hóa bằng luật và chưa được thực hành trong đời sống chính trị của đất nước.

Quán triệt quan điểm dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước trong Cương lĩnh Bổ sung phát triển năm 2011 và nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, kết luận của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác định một trong các yêu cầu sửa đổi Hiến pháp 1992 là để bảo đảm đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị với nội dung sửa đổi:

Thứ nhất là để thể chế hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Trong dự thảo Điều 6 được sửa đổi, bổ sung theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trước tiên bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, đồng thời với dân chủ đại diện. Dự thảo cũng đã tách quy định về quyền của công dân biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân thành một điều riêng nhưng vẫn chưa minh định, khi nào và đối với những vấn đề gì thì nhà nước phải trưng cầu ý dân như đã được quy định rõ trong Hiến pháp 46. Vì vậy, đây vẫn chỉ là quyền thụ động của người dân, việc có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý chí của nhà nước. Nhìn ra thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 quốc gia với trình độ phát triển khác nhau có quy định bắt buộc phải đưa Dự thảo Hiến pháp hoặc sửa đổi Hiến pháp ra trưng cầu ý dân trước hoặc sau khi Quốc hội, Nghị viện thông qua. Vì vậy, tôi nhất trí với tờ trình về quy trình sửa đổi Hiến pháp lần này, tức là chỉ lấy ý kiến nhân dân như dự thảo nghị quyết.

Đồng thời như một số đại biểu đã phát biểu tôi đề nghị đưa vào dự thảo quy định áp dụng cho những lần sửa đổi Hiến pháp sau này, việc trưng cầu ý dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội thông qua. Đây sẽ là sự kết hợp tốt nhất giữa thẩm quyền đại diện của Quốc hội với chủ quyền của nhân dân với việc nhân dân tự mình biểu quyết về cách sửa đổi Hiến pháp hy vọng rằng Hiến pháp sẽ có chất lượng tốt hơn, có đời sống lâu dài hơn. Chỉ với một động thái như vậy theo tôi cũng sẽ là sự thể hiện cao nhất sự kính trọng của Quốc hội đối với nhân dân, với cử tri những người bầu ra chúng ta.

Sẽ đem lại nhưng hiệu quả to lớn, có thể góp phần chấn hưng đất nước. Bởi vì sự tin tưởng của Đảng và nhà nước ở quyết định của nhân dân sẽ là động lực quan trọng để mỗi người dân thể hiện đầy đủ hơn và đúng đắn hơn trách nhiệm công dân của mình. Phát huy tốt nhất bài học kinh nghiệm lớn đã được đúc kết tại Đại hội XI, sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Bên cạnh những cái được to lớn nêu trên phải thừa nhận rằng việc thực hiện trưng cầu ý dân vì Hiến pháp cũng có thể gặp phải sự chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Tuy nhiên với sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ chính trị, Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chuẩn bị chu đáo của nhà nước pháp lý lẫn các điều kiện tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Với truyền thống yêu nước ý thức tự tôn, tự cường và lòng tin đã qua thử thách hơn 80 năm qua của nhân dân ta đối với Đảng, những khó khăn phức tạp đó theo tôi sẽ không khó vượt qua vì như Bác Hồ đã dạy "khó 10 lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Về việc hiến định cơ quan bảo vệ Hiến pháp chuyên trách, nếu đề nghị nêu trên được chấp thuận thì có nghĩa Hiến pháp do nhân dân làm ra sửa đổi và biểu quyết thông qua và vì thế Hiến pháp là thiêng liêng là thần linh pháp quyền của đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm niệm.

Tôi đồng tình với một số ý kiến đã phát biểu, Hiến pháp phải được bảo vệ đặc biệt, mọi vi phạm Hiến pháp đều phải được phát hiện và xử lý bằng cơ chế minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành do nhiều cơ quan nhà nước khác nhau thực hiện, có nhiều hạn chế và chắc chắn sẽ là bất cập lớn trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tới đây. Báo cáo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã đưa ra kiến nghị về sự cần thiết thiết lập một cơ chế hiến định để phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong hành pháp, lập pháp, tư pháp phù hợp với yêu cầu Đại hội lần thứ X và XI của Đảng đã đề ra.

Tôi đồng tình với ý kiến trong Tờ trình về việc cần thành lập Hội đồng Hiến pháp một thiết chế hiến định do Quốc hội thành lập hoạt động chuyên trách độc lập. Có nhiệm vụ quyền hạn giúp nhân dân, Quốc hội kiểm tra kết luận và xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị Quốc hội xử lý đối với những vi phạm Hiến pháp trong các văn bản pháp luật cũng như các vi phạm Hiến pháp trong vận động thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước.

Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp sẽ tạo ra một công cụ mạnh mẽ hiệu quả để nhân dân giám sát tuân thủ việc bảo vệ Hiến pháp và cũng bảo vệ quyền lợi của mình một khi cho rằng nó bị xâm phạm do có sự vi hiến. Đồng thời Hội đồng Hiến pháp cũng là công cụ bảo vệ cương lĩnh của Đảng đã được thể chế hóa trong đạo luật gốc của nhà nước, bảo đảm nguyên tắc Đảng cầm quyền hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và bảo vệ Hiến pháp mà không can thiệp vào công việc sự vụ mang tính chuyên môn sâu của cơ quan nhà nước, góp phần tăng cường vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội. Tôi trân trọng đề nghị Quốc hội giao Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp tục nghiên cứu cả hai vấn đề là trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp và Hội đồng Hiến pháp để Quốc hội cho ý kiến ở kỳ họp tiếp theo. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan