Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thanh Nam – Cà Mau đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:35 26-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết, tôi thống nhất cao với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về sự cần thiết và mục đích, yêu cầu, quan điểm sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nêu ra trong tờ trình số 194 ngày 19 tháng 10 năm 2012. Ở đây tôi xin đóng góp một số nội dung cụ thể như sau:

Trong Chương I, chế độ chính trị. Tại Điều 4 dự thảo, tôi đề nghị bổ sung cụm từ "là nền tảng tư tưởng" và bổ sung hai từ "duy nhất". Sau khi được bổ sung như tôi vừa đề nghị Điều 4 dự thảo được đọc lại như sau: Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo duy nhất nhà nước và xã hội. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Kính thưa Quốc hội,

Tôi muốn Quốc hội bổ sung vào Điều 4 của Hiến pháp cụm từ "làm nền tảng tư tưởng" và 2 từ "duy nhất" như tôi vừa đọc lại là vì trong thời gian gần đây cũng như hiện nay các thế lực thù địch, phản động luôn tuyên truyền xuyên tạc và có những hoạt động chống phá Đảng và nhà nước ta. Đã có một số người do mơ hồ, mất cảnh giác, cả tin tham gia hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, vi phạm pháp luật. Mặc dù số người này chưa nhiều nhưng trước tình hình trên trong sửa đổi Hiến pháp lần này tôi rất mong Quốc hội xem xét bổ sung vào Điều 4 của Hiến pháp những cụm từ trên để khẳng định trong Hiến pháp Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Hiến pháp cũng khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Ý tiếp theo, tôi đề nghị bổ sung Khoản 1, Điều 8 cụm từ "và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa", sau khi bổ sung Khoản 1, Điều 8 được đọc lại như sau: Nhà nước tổ chức và hoạt động theo pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nội dung tiếp theo, để phù hợp với cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung và phát triển năm 2011. Đề nghị bổ sung vào dự thảo Điều 52 cụm từ "người không có quốc tịch Việt Nam" sau khi bổ sung Điều 52 được đọc lại như sau: "người nước ngoài, người không có quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng theo pháp luật Việt Nam". Ngoài ra trong Tờ trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Mục 9 về cơ quan bảo vệ Hiến pháp có hai loại ý kiến.

Tôi đồng ý với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp là chọn ý kiến thứ nhất: bảo vệ Hiến pháp là vấn đề mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Tuy nhiên ở các quốc gia có cách làm khác nhau, việc lựa chọn hình thức nào để bảo vệ Hiến pháp còn phụ thuộc vào thể chế chính trị, đặc điểm bộ máy nhà nước, điều kiện của từng nước. Đối với nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay vai trò lãnh đạo nhà nước xã hội thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy quá trinh xây dựng hoàn thiện pháp luật được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Mặt khác theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, thẩm quyền, trình tự thủ tục xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rất chặt chẽ theo đó cơ chế bảo hiến đã được kiểm soát bởi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban chuyên trách và Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội. Việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là bổ sung một thiết chế mới trong hoạt động lập pháp, một thiết chế mới trong bộ máy nhà nước theo đó một loạt vấn đề đặt ra là vị trí, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng này trong bộ máy nhà nước ra sao chưa được xác định cụ thể. Thực tiễn trong thời gian qua đã chứng minh sự vận hành cơ chế, bảo vệ Hiến pháp hiện nay đang phát huy hiệu quả, Hiến pháp luôn được bảo vệ theo đó tiếp tục phát huy cơ chế hiện có. Tăng cường năng lực của các cơ quan này, không nên thành lập Hội đồng Hiến pháp. Xin cám ơn Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan