Góp ý của ĐBQH Tô Văn Tám – Kon Tum đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:19 26-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi hoàn toàn thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Quan điểm và phạm vi sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Tờ trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Qua nghiên cứu dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi có một số ý kiến như sau:

Một, sửa đổi Hiến pháp vừa tiếp tục làm sâu sắc hơn chủ trương phát huy dân chủ đồng thời tiếp tục khẳng định nền độc lập tự do của đất nước. Tự do được coi là quyền tự nhiên của con người. Các Mác đã từng quan niệm "Sự phát triển con người là từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do". Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói rằng "Nước độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì". Tự do được hiểu là tự do của một con người nhằm mưu cầu hạnh phúc nhưng không giẫm đạp lên các quyền tương tự của người khác. Trên thực tế, nước ta đã là một nước tự do và độc lập, như khẳng định trong tuyên ngôn độc lập. Bởi vậy tôi đề nghị sửa đổi Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định nước ta là nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ như Điều 1 mà cần bổ sung khẳng định sự tự do của đất nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nước độc lập, tự do, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Quy định như vậy thể hiện là tự do và dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ chính trị của Nhà nước ta. Ở Điều 3 có quy định, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện, đó là mục tiêu của Nhà nước ta chứ chưa phải là đặc trưng của Nhà nước.

Hai, về cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước, đó là sự thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tôi cho rằng ở đây không chỉ phối hợp kiểm soát mà cần phải có sự giám sát giữa các cơ quan Nhà nước, trong đó Quốc hội giữ vai trò giám sát tối cao. Đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp quan tâm vấn đề này để bổ sung vào Điều 2.

Thứ ba, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, có quyền làm Hiến pháp, làm luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao v.v... nhưng chất lượng, hiệu quả, hoạt động của Quốc hội suy cho cùng đó là chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho dân, các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước đều được bầu hoặc phê chuẩn trong số các đại biểu Quốc hội. Bởi vậy Hiến pháp nên có điều hoặc khoản quy định khung tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó luật định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội sẽ cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn chi tiết của người đại biểu Quốc hội.

Bốn, về chính quyền địa phương; Thứ nhất, về địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân được xác định như ở phương án 2 tôi thấy là hợp lý vì nó khắc phục được sự phân tán quyền lực nhà nước.

Thứ hai, về sự việc phân chia địa giới hành chính ngoài quy định như dự thảo Điều 116 tôi thấy rằng trên cơ sở thí điểm việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, thị xã và các quan điểm về chính quyền đô thị đề nghị Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên đưa thêm phương án quy định tổ chức hay không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, thị xã và phương án chính quyền đô thị để lấy ý kiến nhân dân trong đợt lấy ý kiến nhân dân Dự thảo Hiến pháp lần này.

Năm, về quyền con người và quyền nghĩa vụ công dân chúng ta thấy rằng việc đưa quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản nhân dân lên Chương II thể hiện quan điểm của Đảng ta rất tôn trọng quyền con người và các quyền nghĩa vụ của công dân. Chúng ta thấy rằng việc xác định quyền con người, quyền nghĩa vụ công dân ở đây có 2 nhóm quyền là quyền con người và quyền công dân. Bởi vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải quan niệm rõ những quyền nào là quyền con người và những quyền nào là khái niệm về quyền công dân. Những quyền con người có thể được thể hiện trong Hiến pháp theo hướng đó là những quyền con người thì nhà nước tôn trọng, thừa nhận bằng Hiến pháp và pháp luật chứ không phải theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.  Đồng thời, cũng cần có những quy định rõ để loại trừ việc hạn chế hay phương hại đến quyền con người từ phía nhà nước, từ phía các cơ quan công quyền.

Về quyền công dân nên quy định theo hướng những quyền con người đạt ở một độ tuổi nhất định và có đủ điều kiện để thực hiện. Việc thực hiện các quyền đó phải gắn chặt với các nghĩa vụ của người công dân đối với nhà nước và đối với xã hội. Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan