Góp ý của ĐBQH Đặng Công Lý – Bình Định đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Thứ Tư 10:12 26-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Qua hai mươi năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đến nay đất nước ta có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn sâu sắc và phức tạp. Các Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định mục tiêu định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vì vậy, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để đổi mới đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết. Theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, tôi có một số kiến nghị về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với một số vấn đề mới sau:

Tại Điều 2 của Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 1992 với việc bổ sung năm 2001 là một bước tiến quan trọng về tổ chức quyền lực của nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đó là quyền lực nhà nước thống nhất có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy định này tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời gian qua. Do đó tôi thống nhất cao với việc kế thừa quy định của Hiến pháp năm 92 nhằm tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước đã được xác định trong cương lĩnh và Hiến pháp năm 1992. Việc sửa đổi cụm từ "tầng lớp trí thức" thành "đội ngũ trí thức" là để khẳng định rõ bản chất của giai cấp công nhân, nông dân và trí thức của nhà nước ta. Tôi thống nhất cao về việc sửa đổi cụm từ trên.

Tôi có ý kiến một số điều liên quan đến vấn đề tổ chức hoạt động của hệ thống cơ quan Tòa án. Về Điều 127 Hiến pháp năm 1992, để tiếp tục khẳng định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và Tòa án tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự, đồng thời nghiên cứu quy định thẩm quyền quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao có giá trị trung thẩm. Điều đó có nghĩa rằng quyết định của cấp giám đốc thẩm đối với những vụ án mà tài liệu, chứng cứ cho rằng chỉ cấp giám đốc thẩm mới có đủ căn cứ pháp luật để ra phán quyết mà không cần phải hủy để điều tra, xét xử lại, gây kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của công dân, của nhà nước. Tôi đề nghị Hiến pháp không nên quy định Tòa án nhân dân tối cao có chức năng giám đốc việc xét xử của tòa án đặc biệt vì nếu xét thấy cần thiết phải thành lập tòa án đặc biệt thì tòa án đặc biệt sẽ có cơ chế hoạt động riêng do Quốc hội quy định. Hội đồng xét xử và thủ tục tố tụng cũng có thể có tính chất đặc biệt phù hợp với yêu cầu, mục đích của việc thành lập tòa án này.

Quán triệt và thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 49 ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, về tổ chức thực hiện hệ thống của tòa án 4 cấp là: Tòa án nhân dân sơ thẩm cấp khu vực, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 127 Hiến pháp năm 1992 hiện hành với nội dung cụ thể là: Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân và tòa án quân sự do luật định là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa án có chức năng xét xử, giải quyết các tranh chấp và thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trong tình hình đặc biệt thì Quốc hội có thể quyết định thành lập tòa án đặc biệt.

Tôi đề nghị bỏ quy định ở cơ sở thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật vì đây không phải là thiết chế tư pháp mà là thiết chế hành chính, xã hội phải được quy định ở chương về hành chính. Nếu cần thiết ở mức độ hòa giải tư pháp thì sẽ được quy định ở các luật tố tụng, hòa giải cơ sở thì được quy định bằng luật riêng như Luật hòa giải cơ sở chúng ta đã thảo luận.

Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung ở Điều 134 Hiến pháp 1992, tiếp tục quy định trong Hiến pháp thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tôi đề nghị bổ sung thêm một chủ thể là Tòa án nhân dân tối cao được giải thích luật và phát triển án lệ. Việc bổ sung này là phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về phát triển án lệ trong công tác xét xử, mặt khác việc phát triển án lệ giúp tòa án áp dụng thống nhất pháp luật, giải thích quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa cụ thể thông qua các vụ án cụ thể. Trong nhiều văn bản luật, pháp lệnh có quy định: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành luật này.

Thực tiễn trong những năm qua Tòa án nhân dân tối cao ban hành rất nhiều nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và phối hợp với các cơ quan ban ngành nhiều thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng thống nhất pháp luật với tinh thần phân tích trên, tôi đề nghị sửa đổi Điều 127 Hiến pháp năm 1992 và Điều 134 Hiến pháp năm 1992 như sau:

Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và là cơ quan xét xử cao nhất của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời sửa đoạn 2 Điều 134 Hiến pháp năm 1992 là "Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của Tòa án nhân dân tối cao và các tòa quân sự" sửa "Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của tòa án khác trừ trường hợp Quốc hội quy định khi thành lập tòa án đó" Bỏ quy định là "Tòa án nhân dân tối cao là giám đốc việc xét xử tòa án đặc biệt" và bổ sung quy định "thông qua việc xét xử các vụ án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện giải thích luật và ban hành án lệ"

Điều 135 Hiến pháp năm 1992 về cơ chế giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án cần quy định Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Riêng quy định tại Khoản 2, Điều 135 của Hiến pháp hiện hành Chánh án Tòa án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cần xem xét quy định cho phù hợp với mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 4 cấp theo tinh thần Nghị quyết 49 cụ thể là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thuộc quản hạt tư pháp là phù hợp với Kết luận Số 79 ngày 28.07.2010 của Bộ Chính trị về đề án đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát và cơ quan điều tra. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.


Các văn bản liên quan