Không sửa hiến pháp, khó cải cách tư pháp

Thứ Hai 10:01 26-07-2010

Không sửa hiến pháp, khó cải cách tư pháp

 

 

 

Đó là nhận xét của Ủy viên Trung ương đảng, Phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương Nguyễn Văn Hiện khi nói về đề án tổ chức tòa án khu vực.

- Sau một thời gian yên ắng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp đã nhóm họp trở lại, thúc đẩy công cuộc cải cách. Việc phải làm tới đây là gì?

- Lênin nói: “Hãy cho tôi một tổ chức... chúng tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga”, nên theo tôi, khởi đầu và quan trọng nhất là định rõ mô hình tổ chức, quan hệ giữa các cơ quan tư pháp với nhau, và với các bộ phận khác của hệ thống chính trị. Về vấn đề này, Nghị quyết 49 đã định hướng tổ chức lại ngành tòa án theo mô hình tòa sơ thẩm khu vực. Cuộc họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp hôm cuối tháng 8 vừa rồi cũng đánh giá tầm quan trọng của đề án tổ chức tòa án khu vực mà Ban Cán sự Đảng TAND Tối cao được giao chủ trì.

- Việc tổ chức tòa theo khu vực được triển khai như thế nào?

- Đây sẽ là một quá trình lâu dài, có khi kéo cả sang nhiệm kỳ sau. Vì có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, nhất là cơ sở pháp lý. Hiến pháp hiện tại quy định tòa án và VKS tổ chức theo địa hạt hành chính; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội; chánh án, viện trưởng ở địa phương phải báo cáo công tác trước HĐND địa phương. Vậy khi tòa án tổ chức theo khu vực thì còn phải báo cáo, chịu sự giám sát của cơ quan dân cử nữa không? nếu có thì thế nào?

Như vậy, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ phải đặt ra, thậm chí phải tính tới cả Cương lĩnh chính trị 1991. Đây cũng là yêu cầu cải cách hành chính mà Hội nghị Trung ương năm vừa rồi có nghị quyết, như không tổ chức HĐND ở cấp huyện, thực hiện dân chủ trực tiếp dân bầu chủ tịch xã.

Luật tố tụng cũng phải sửa

- Giả thiết Hiến pháp sẽ được sửa đổi, thì còn những việc gì nữa phải làm?

- Còn đụng tới luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Có người cho rằng cứ thành lập tòa sơ thẩm khu vực đi rồi giao y nguyên thẩm quyền của tòa cấp huyện cho tòa khu vực. Nhưng người khác nói làm thế thì không đáp ứng được mục tiêu xuyên suốt của cải cách tư pháp: Cấp sơ thẩm khu vực phải giải quyết cơ bản tất cả các loại án, trừ một số rất ít vụ việc đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng mới chuyển cho cấp phúc thẩm giải quyết.

Thực tế, nếu 2009 hoàn tất lộ trình tăng thẩm quyền xét xử sơ thẩm theo luật hiện hành, thì cấp huyện cũng mới chỉ giải quyết được chừng 70% các loại vụ việc - chưa thể gọi là “cơ bản”.

- Đó là câu chuyện thẩm quyền. Còn cho tới giờ, đã có tiêu chí gì để xác định bao nhiêu huyện, bao nhiêu quận sẽ có một tòa khu vực?

- Cho đến nay, quan điểm chung là tòa khu vực sẽ gồm một số tòa huyện gộp lại, trừ những quận đặc biệt mà nhu cầu giải quyết tranh chấp, cùng tình hình dân cư, giao thông liên lạc hiện tại... đã đủ để coi là một khu vực. Song vẫn chưa biết “một số” là 2 hay 3 huyện? Và phải cân nhắc thế nào tới số lượng các loại vụ việc, tính phức tạp của tranh chấp, tính nghiêm trọng của tội phạm ở khu vực đó?

Mặt khác, tư pháp nhân dân thì phải thật gần dân. Vừa rồi đi nghiên cứu ở Trung Quốc, Nhật Bản… thấy tòa khu vực của họ có chi nhánh nằm ở từng địa bàn, gần như là tòa án xã. Còn ở VN, huyện có khi cách tỉnh lỵ cả 200km, vậy thì lập tòa khu vực bà con sẽ đi lại thế nào?

Công tố, điều tra: Còn nhiều tranh cãi

- Nếu tòa án theo khu vực, thì VKS, cơ quan điều tra sẽ phải tổ chức lại thế nào cho phù hợp?

- Vấn đề này gây tranh cãi rất nhiều. Nghị quyết 49 định hướng nghiên cứu chuyển VKS thành viện công tố, và có khả năng thuộc Chính phủ. Song công tố có cần tổ chức theo khu vực tương đương với tòa án không thì chưa rõ. Nhiều nghiên cứu ở nước ngoài thấy rằng công tố luôn phải tương đồng tòa án, và thậm chí cả tổ chức luật sư cũng vậy. Điều này cũng đúng với lịch sử: ngành tòa án, kiểm sát Việt Nam luôn khăng khít với nhau.

Còn mô hình cơ quan điều tra tương lai thì tới giờ vẫn chưa có quan điểm chính thức. Tuy nhiên, trong một số cuộc trao đổi, anh em công an cho rằng chưa thể thay đổi gì được, vì cơ quan điều tra là lực lượng vũ trang; ngoài chức năng tố tụng còn thực hiện nhiều công việc khác, nhất là đảm bảo an ninh trật tự địa bàn hành chính lãnh thổ. Song cũng có những ý kiến không kém hợp lý là nên tách ra. Công an thì cứ gắn với chính quyền, với địa giới hành chính; còn cơ quan điều tra nên là hệ thống độc lập kiểu FBI, và gắn với công tố, tòa án. Như vậy, cả ba cơ quan điều tra, công tố, tòa án mới độc lập, mới đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất trên cả hệ thống.

- Đảng sẽ lãnh đạo cơ quan tư pháp được tách khỏi địa hạt hành chính thế nào?

- Các cuộc thảo luận gần đây vẫn đang để mở. Ta vẫn khẳng định là tư pháp phải độc lập, cấp ủy không làm thay; song cũng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, cơ quan tư pháp vừa chịu chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của trên, vừa chịu trách nhiệm và dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương. Cho nên có ý kiến cho rằng, trong tương lai, tỉnh ủy sẽ lãnh đạo thông qua ban cán sự đảng của tòa tỉnh và các tòa sơ thẩm khu vực trong tỉnh. Tương tự như vậy, HĐND tỉnh sẽ thực hiện giám sát và bầu hội thẩm nhân dân tham gia hoạt động xét xử của các tòa án trên địa bàn.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần tính tới đặc thù hoạt động chuyên ngành của cơ quan tư pháp mà thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo thông qua ban cán sự đảng của cơ quan tư pháp trung ương.

(Theo Pháp Luật TP HCM)

 

Các văn bản liên quan