VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa
Kính gửi: Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp
Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải
Trả lời Công văn số 443/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia thẩm định Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến đối với Dự thảo như sau:
- Về việc xác định hoạt động “dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện
Tại thời điểm Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải được xây dựng, VCCI đã có ý kiến góp ý về “hoạt động dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” (Công văn số 0653/PTM-PC ngày 05/4/2018), trong đó cho rằng cần xem xét lại việc xác định hoạt động này là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện bởi các lý do sau đây:
- Việc kiểm soát Phương tiện thủy nội địa để bảo đảm lợi ích công cộng (an toàn giao thông, tính mạng sức khỏe của con người, tài sản, an toàn về môi trường…) là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc kiểm soát này thực hiện khi nào: Kiểm soát trước khi đưa vào sản xuất (đóng mới, sửa chữa) phương tiện thủy nội địa hay Kiểm soát sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng (kiểm soát trước khi phương tiện thủy nội địa được đưa vào sử dụng)?
- Các quy định của pháp luật hiện hành hiện đã kiểm soát rất chặt chẽ ở khâu “sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng”, ví dụ: phương tiện thủy nội địa sau khi được đóng mới phải được đăng kiểm để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; trong quá trình hoạt động, các phương tiện thủy nội địa phải định kỳ đăng kiểm và có thể bị kiểm tra bất thường[1], … Việc đăng kiểm, kiểm tra dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật.
- Việc kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh chỉ là kiểm soát trước khi sản xuất (cơ sở vật chất, năng lực của người đóng mới, sửa chữa…), hơn nữa các điều kiện kinh doanh được dự kiến trong Dự thảo chỉ chủ yếu là nhằm kiểm soát năng lực chuyên môn của cá nhân kỹ thuật viên (ví dụ có ít nhất 01 người tốt nghiệp đại học/trung cấp/sơ cấp công nghệ chuyên ngành đóng tàu thủy, chuyên ngành máy tàu thủy, chế tạo vỏ tàu thủy; có ít nhất 01 thợ lành nghề…) – điều kiện ở khoản 2 Điều 5 tuy liên quan tới quy trình/năng lực sản xuất nhưng lại chung chung, không rõ ràng và vì vậy không rõ hiệu quả kiểm soát. Vì vậy, nhưng điều kiện như dự kiến này hầu như không có ý nghĩa gì trong việc bảo đảm tàu đóng, sửa chữa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn…
Nói cách khác, phương tiện thủy nội địa dù được đóng mới, sửa chữa ở cơ sở có các cán bộ kỹ thuật như dự kiến hay không thì việc kiểm soát chất lượng của phương tiện đó (để bảo đảm lợi ích công công liên quan) vẫn hoàn toàn phải căn cứ vào việc kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho từng phương tiện một.
Do đó, việc kiểm soát bằng cách đặt điều kiện kinh doanh cho chủ thể đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa như dự kiến tại Dự thảo hầu như không có ý nghĩa, không cần thiết.
VCCI đã đề nghị không nên xác định hoạt động “dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
- Về điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa (Điều 5)
(Các góp ý dưới đây không ảnh hưởng tới ý kiến ở mục 1 trên, và chỉ áp dụng trong trường hợp chưa thể sửa các văn bản liên quan để bỏ hoạt động “dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” ra khỏi Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện)
- Về điều kiện “Cơ sở đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy …. có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa” (khoản 1) là chưa phù hợp với Luật doanh nghiệp 2014 vì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Đề nghị bỏ cụm từ “có đăng ký ngành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa”;
- Về điều kiện “Cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải” (khoản 2). Quy định này có thể dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh được quy định tại cấp Thông tư, chưa phù hợp với Luật đầu tư 2014. Mặt khác, muốn đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp đương nhiên phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ. Còn phương tiện đường thủy nội địa được sản xuất theo quy trình, trang thiết bị nào Nhà nước không cần thiết phải kiểm soát, bởi vì sản phẩm cuối cùng sẽ được đăng kiểm để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Vì vậy, Đề nghị cân nhắc bỏ quy định này.
- Điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa (Chương III)
- Về phân loại cơ sở đào tạo
Theo quy định tại Điều 7 Dự thảo thì cơ sở đào tạo được phân thành 4 loại: từ loại 1 đến loại 4. Nhưng các điều kiện của cơ sở đào tạo từ Điều 8-12 Dự thảo lại quy định chung về cơ sở đào tạo mà không phân loại điều kiện theo từng loại cơ sở. Như vậy thì khi xem xét cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền sẽ dựa vào tiêu chí nào để cấp phép cho cơ sở đào tạo loại 1, 2, 3 hay 4?
Đề nghị quy định rõ về vấn đề này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
- Về thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận
Khoản 3 Điều 16 Dự thảo quy định về trình tự cấp lại Giấy chứng nhận khi thay đổi địa chỉ hoặc loại cơ sở đào tạo. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở đào tạo để quyết định cấp lại Giấy chứng nhận hay không.
Đối với trường hợp thay đổi trụ sở chính, quy định tại Dự thảo về việc cơ quan nhà nước phải kiểm tra thực tế mới cấp lại Giấy chứng nhận là chưa hợp lý, bởi bản thân quá trình cấp mới (lần đầu) cũng chỉ xem xét, thẩm định qua hồ sơ (bản sao có chứng thực các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng phòng học, xưởng thực tập…). Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị phân tách thủ tục quy định tại khoản 3 thành hai trường hợp riêng (thay đổi trụ sở chính và thay đổi loại cơ sở đào tạo), và đối với trường hợp cấp lại do thay đổi trụ sở chính, cơ quan có thẩm quyền chỉ cần xem xét, thẩm định qua hồ sơ, và thời gian giải quyết nên rút ngắn (khoảng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ).
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.
[1] Thông tư 48/2015/TT-BGTVT