VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

Thứ Năm 11:32 26-07-2018

Kính gửi: Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giao thông vận tải

                  Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp

Trả lời Công văn số 7393/BGTVT-TCCB của Bộ Giao thông vận tải và Công văn số 471/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc đề nghị góp ý và thẩm định Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

  1. Về điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật (khoản 3 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 65)

Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định 65 về sân tập lái xe phải đáp ứng điều kiện “thuộc quyền sử dụng của cơ sở đào tạo lái xe; nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn từ 03 năm trở lên”. So với quy định hiện hành, Dự thảo đã bỏ yêu cầu phải phù hợp với mạng lưới quy hoạch của cơ sở đào tạo lái xe và giảm thời hạn thuê từ 05 năm xuống còn 03 năm. Việc sửa đổi này là tích cực, tiến bộ, tuy nhiên để điều kiện này thực sự phù hợp, đề nghị xem xét lại quy định cứng về thời hạn hợp đồng thuê sân tập (tối thiểu 03 năm).

Việc áp đặt thời hạn tối thiểu của hợp đồng là can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dân sự. Về mục tiêu quảy lý, có thể suy đoán, quy định này nhằm xác định tính ổn định của quyền sử dụng sân tập của cơ sở đào tạo lại xe, tuy nhiên cách thức quy định lại chưa thực sự hợp lý. Trong mối quan hệ thuê tài sản, các bên có thể thỏa thuận về thời hạn của hợp đồng thuê, Nhà nước không nên can thiệp. Mặt khác, ngay cả khi các bên thỏa thuận với thời hạn từ 03 năm trở lên thì trong quá trình thực hiện, một trong các bên có thể vi phạm hợp đồng, lúc này thời hạn thuê tối thiểu như quy định cũng không có nhiều ý nghĩa.

Đối với điều kiện này, Nhà nước chỉ cần yêu cầu cơ sở đào tạo lái xe có quyền sử dụng sân tập, còn quyền sử dụng theo phương thức nào là quyền tự quyết của cơ sở đào tạo.

Từ những phân tích trên, đề nghị bỏ cụm từ, “nếu thuê sân tập lái phải có hợp đồng với thời hạn từ 03 năm trở lên”.

  1. Về hồ sơ cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (khoản 6 Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1 Điều 10 Nghị định 65)

Theo quy định tại Dự thảo thì trong  hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe trong trường hợp bị mất, bị hỏng, phải cung cấp “Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định”. Không rõ, tại sao trường hợp này lại phải cung cấp Giấy chứng nhận sức khỏe, trong khi nếu không bị mất, hỏng, thì trong quá trình sử dụng Giấy chứng nhận giáo viên không cần phải chứng minh có sức khỏe? Yêu cầu loại Giấy chứng nhận sức khỏe khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại do hỏng, mất sẽ gây thêm khó khăn cho người thực hiện.

Để tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện, đề nghị bỏ yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định” trong Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe trong trường hợp bị mất, hỏng.

  1. Thủ tục cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe (Điều 9 Nghị định 65)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 65 thì để được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, cá nhân/cơ sở đào tạo lập hồ sơ gửi tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, Nghị định 65 chưa quy định rõ từ khi nhận hồ sơ cho đến khi tổ chức đánh giá, kiểm tra là bao lâu? Điều này hoàn toàn do quyền quyết định của cơ quan có thẩm quyền?

Việc thiếu rõ ràng trong quy định về thời hạn này khiến cho quy trình cấp giấy chứng nhận giáo viên thực hành lái xe trở nên thiếu minh bạch và người đề nghị cấp giấy chứng nhận không thể biết được từ khi gửi hồ sơ thì bao lâu họ sẽ được đánh giá và cấp giấy chứng nhận.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Dự thảo bổ sung quy định về vấn đề này.

  1. Hồ sơ chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể hình sát hạch trung tâm sát hạch loại 1, loại 2 (khoản 9 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định 65)

Dự thảo quy định Hồ sơ phải có “Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền đối với nhà đầu tư trong nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Theo quy định tại Luật đầu tư 2014, đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước, chỉ có một số trường hợp nhà đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư (của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh). Đối chiếu với các trường hợp quy định tại Luật đầu tư, có thể trung tâm sát hạch loại 1, 2 không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư.

Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị điều chỉnh lại quy định này theo hướng:

“Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư) đối với nhà đầu tư trong nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.