Nhìn lại Bộ luật tố tụng dân sự: nhiều vướng mắc khi áp dụng

Thứ Sáu 10:16 16-07-2010

NHÌN LẠI BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ: NHIỀU VƯỚNG MẮC KHI ÁP DỤNG

 

NGUYÊN TRƯỜNG

Đương sự cố tình “giếm” chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đợi đến cấp phúc thẩm mới cung cấp thì tòa có được hủy án? Ngày 19/2/2009, tại TP Cà Mau, TAND tối cao đã phối hợp với cơ quan hợp tác Nhật Bản tổ chức hội nghị về thực thi Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) với sự tham dự của đại diện tòa án các tỉnh phía Nam. Trong ngày làm việc đầu tiên, nhiều vướng mắc nổi cộm trong quá trình áp dụng BLTTDS đã được các đại biểu thẳng thắn mổ xẻ.

Án dân sự hay thương mại?

Cái vướng đầu tiên được đa số đại biểu nêu lên là chưa biết xác định tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không đăng ký kinh doanh với ngân hàng là tranh chấp dân sự hay tranh chấp kinh doanh, thương mại.

Theo các đại biểu, Điều 29 BLTTDS hiện hành quy định tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau đều có mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Còn tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không có đăng ký kinh doanh với ngân hàng phải là tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 01 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao năm 2005, tòa kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận.

Như vậy, hai quy định mâu thuẫn này đã dẫn đến rối trong việc xác định tòa dân sự hay tòa kinh tế có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa cá nhân không đăng ký kinh doanh với ngân hàng.

Đau đầu về chuyện cung cấp chứng cứ

Việc cung cấp chứng cứ mới của các đương sự trong vụ án dân sự cũng được hội nghị bàn thảo. TAND tối cao gợi mở: Đương sự cố tình “giếm” chứng cứ ở cấp sơ thẩm, đợi đến cấp phúc thẩm mới cung cấp thì tòa có được hủy án sơ thẩm hay không?

Thẩm phán Huỳnh Văn Lưu (TAND tỉnh Đồng Nai) bảo rất cần làm rõ, có hướng dẫn cụ thể vì hiện nay, có hiện tượng cấp phúc thẩm “vô tư” hủy bản án sơ thẩm chỉ vì thiếu những chứng cứ mà cấp phúc thẩm hoàn toàn có thể yêu cầu đương sự bổ sung ngay được.

Thẩm phán Trần Đức Triều (TAND tỉnh Sóc Trăng) nói BLTTDS hiện chưa quy định thời hạn cung cấp chứng cứ dẫn đến chuyện bản án sơ thẩm có thể bị sửa, hủy bất cứ giai đoạn tố tụng nào sau đó. Vì thế, ông Triều đề nghị TAND tối cao nên có hướng dẫn giới hạn cung cấp chứng cứ (một số nước trên thế giới có quy định cụ thể là đến giai đoạn nào thì đương sự không được đưa ra chứng cứ nữa)… Một đại biểu khác thì chỉ ra trường hợp có đương sự đợi vụ án đến giai đoạn xét xử phúc thẩm mới chịu cung cấp chứng cứ bởi họ biết rằng bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.

Ly hôn cũng rối!

Một vấn đề gây tranh cãi là việc ly hôn giữa hai bên đương sự là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam có thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án Việt Nam hay không. Có đại biểu bảo theo BLTTDS, nguyên đơn hoặc bị đơn là người Việt Nam thì mới thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam. Nhiều đại biểu khác lại nói Điều 410 BLTTDS quy định bị đơn là công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú làm ăn tại Việt Nam cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam. Như vậy, giả sử ông chồng người nước ngoài kiện đòi ly hôn bà vợ nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thì phải thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa Việt Nam chứ.

Cạnh đó, vụ án ly hôn có một bên vợ hoặc chồng bỏ đi không rõ tin tức, địa chỉ sẽ được giải quyết theo thủ tục nào? Kết quả là có tới ba luồng ý kiến: Thứ nhất, tòa phải thụ lý và thông báo cho người vắng mặt biết, nếu tiếp tục vắng mặt thì tòa giải quyết theo thủ tục chung. Thứ hai, tòa phải thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú rồi lấy kết quả này để giải quyết ly hôn vắng mặt. Thứ ba, tòa phải tuyên bố người mất tích rồi lấy kết quả để giải quyết ly hôn.

Ông Ngô Cường – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND tối cao cho biết sẽ tổng hợp những vướng mắc mà các đại biểu đã thảo luận để Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét. Hôm nay (20-2), hội nghị sẽ tiếp tục bàn thảo những vướng mắc trong quá trình thực thi BLTTHS, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Theo Thông tin pháp luật dân sự

 

Các văn bản liên quan