Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Đức Châu – Quảng Trị

Thứ Tư 14:37 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Ngoài sự nhất trí như dự thảo và đặc biệt các nội dung mà Đoàn Chủ tọa đã gợi ý, để tăng thêm tính chặt chẽ của luật, tôi xin tham gia một số nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, về khái niệm hành vi hành chính. Trong này có nói hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước. Như vậy tôi thấy có những người đứng đầu, ví dụ người đứng đầu đơn vị sự nghiệp là công chức Nhà nước, hoạt động của họ thực chất là hoạt động quản lý Nhà nước, tức là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước thì khi họ ra quyết định hoặc các hành vi hành chính của họ thì có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hay không? Vì vậy, theo tôi cần sửa lại hành vi, hành chính của cá nhân là hành vi của người có thẩm quyền khi thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công cụ của Nhà nước theo qui định của pháp luật.

Thứ hai, liên quan đến quyết định buộc thôi việc, Khoản 3, Điều 3, chỉ qui định áp dụng quyết định buộc thôi việc của công chức là không đầy đủ. Bởi vì thực tế viên chức cũng có hình thức kỷ luật buộc thôi việc và người ra quyết định buộc thôi việc có thể người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cũng có thể là cấp trên đơn vị sự nghiệp công lập, tức là người có thẩm quyền quản lý Nhà nước. Vậy người bị buộc thôi việc là viên chức có được khiếu kiện theo qui định của luật hay không? Nếu không mà áp dụng theo Luật lao động thì rất vô lý, theo tôi cần phải nghiên cứu lại qui định này.

Ở Điều 14, có qui định khi xét xử vụ án hành chính thì thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là đủ, không cần có thêm ý thứ hai là: nghiêm cấm mọi hành vi cản trở thẩm phán, Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ. Bởi vì nếu nghiêm cấm thì không phải chỉ có hành vi cản trở mới nghiêm cấm, mà khi xem xét độc lập người ta đã bao hàm tất cả những hành vi các cái đó đều nghiêm cấm thì đương nhiên không cần phải ý thứ hai.

Ở Điều 38, nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân ở Khoản 3 đã ghi tham gia xét xử vụ án hành chính. Khoản 4 lại ghi thêm ý có quyền biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền Hội đồng xét xử. Việc này rõ ràng rất thừa, đã tham gia Hội đồng xét xử thì đương nhiên Hội thẩm nhân dân đã có quyền rồi.

Ở Điều 54, Khoản 3, qui định về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính. Trường hợp người bị kiện trong các cơ quan đã được sáp nhập, chấm dứt, giải thể v.v... theo tôi qui định này chỉ đúng với khi mà khiếu kiện về quyết định hành chính. Còn đối với hành vi hành chính mà người đó không tồn tại nữa thì không thể cơ quan đó hoặc người khác không thể kế thừa, đề nghị nghiên cứu điều qui định ở khoản này.

Điều 55, về người đại diện. Tôi đề nghị cần phải bổ sung một qui định là người bị khiếu kiện hành vi hành chính không được cử người đại diện. Bởi vì người bị khiếu kiện về hành vi hành chính là trực tiếp người đó phải có mặt tại phiên Tòa. Còn người khác không thể thay họ được, cho nên người bị khiếu kiện hành vi hành chính không thể cử người đại diện.

Ở Điều 67 quy định về trách nhiệm do yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng theo Điều 67 hiện nay. Như vậy điều này chỉ quy định trách nhiệm do yêu cầu, chúng ta chỉ áp dụng đối với người yêu cầu, không áp dụng đối với Tòa án, trong khi đó nội dung trong điều thì lại áp dụng đối với các Tòa án và đặc biệt theo đại biểu Loan ở Tiền Giang đã tham gia. Tôi đề nghị sửa lại tên điều này là trách nhiệm do yêu cầu áp dụng biện pháp, áp dụng không đúng do Tòa án không áp dụng hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, có 3 ý để thể hiện trách nhiệm của người yêu cầu, trách nhiệm của Tòa án, trách nhiệm của Tòa án cả 2 vấn đề không áp dụng hoặc áp dụng không đúng.

Ở Điều 94, Khoản 3 trong này có quy định một loại văn bản tố tụng mà tôi nghĩ không nên trong văn bản tố tụng đó là giấy mời mà chỉ có là giấy triệu tập. Còn đã là giấy mời thì không mang tính bắt buộc, người được mời có đến hoặc không đến như vậy không đảm bảo tính nghiêm túc của phiên tòa. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan